Nợ công tăng vọt của Mỹ là 'cơ hội vàng' cho Trung Quốc
Trung Quốc ngày càng từ bỏ các tài sản được định giá bằng USD để chuyển sang vàng khi Bắc Kinh dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu hướng tới phi đô la hóa.
Trung Quốc đang dần khẳng định mình là một nhân tố chính trong khu vực được gọi là Phương Nam Toàn cầu (Global South). Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới của các nước đang phát triển. Điều đó khiến nhiều người lo ngại rằng nước này có thể kiểm soát các đối tác thông qua "bẫy nợ" và sử dụng điều này để thiết lập "phạm vi ảnh hưởng".
Vị thế kinh tế của Trung Quốc mạnh đến mức hiện được coi là mối đe dọa chính đối với đồng USD. Trung Quốc là thành viên có ảnh hưởng của nhóm BRICS+ (bao gồm cả Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, UAE, Iran, Saudi Arabia, Ethiopia, Ai Cập). Nhóm này đang nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực thách thức sự bá quyền của phương Tây, cụ thể là sự lãnh đạo của Mỹ. Chính quyền Mỹ hiện coi Trung Quốc là "thách thức nghiêm trọng nhất trong dài hạn" đối với trật tự quốc tế.
Là một nhà nghiên cứu về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Laval, ông Zakaria Sorgho đã đánh giá về vai trò của Trung Quốc trong quá trình phi đô la hóa thế giới.
Thành trì của đồng USD
Theo nhà kinh tế học người Pháp Denis Durand giải, sự thống trị của đồng USD củng cố quyền bá chủ của Mỹ trong trật tự quốc tế hiện tại.
Đồng USD cũng được sử dụng ở nhiều quốc gia Thế giới thứ ba và Đông Âu, nơi nó được công chúng tin tưởng hơn nhiều so với các loại tiền tệ địa phương. Mỹ cũng là cường quốc duy nhất có thể gánh nợ nước ngoài bằng đồng tiền của chính mình.
Quyền bá chủ của đồng USD đối với nền kinh tế thế giới được phản ánh qua sự đại diện quá mức của nó trong dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ. Đồng bạc xanh vẫn vượt trội hơn các loại tiền tệ khác mặc dù đã có một số sự suy giảm trong lĩnh vực này.
Mặc dù giảm 12 điểm phần trăm từ năm 1999 đến năm 2021, tỷ trọng đồng USD trong tài sản chính thức của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn khá ổn định ở mức khoảng 58-59%.
Đồng tiền của Mỹ vẫn được tin tưởng rộng rãi trên toàn thế giới, giữ vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu. Dự trữ USD của các ngân hàng trung ương trên thế giới được đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường vốn, giúp giảm chi phí cho cả nợ chính phủ và đầu tư tư nhân tại Mỹ.
Tuy nhiên, thu nhập mà nền kinh tế Mỹ tạo ra nhờ sự thống trị của đồng USD cũng có thể sụp đổ như một ngôi nhà làm bằng bìa các tông. Nhà kinh tế Durand đưa ra quan điểm này khi ông viết rằng "quyền bá chủ tiền tệ của Mỹchỉ được duy trì nhờ lòng tin của các tác nhân kinh tế trên toàn thế giới vào đồng USD".
Có hai lý do khiến lòng tin của thế giới vào đồng USD có thể giảm. Đầu tiên, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2023, Mỹ đang sử dụng USD như một công cụ để khuất phục đối phương, kể cả một số đồng minh ngoan cố. Điều này cuối cùng có thể làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD.
Thứ hai,tình hình nợ của Mỹ, đặc biệt là tình trạng không bền vững của các khoản nợ, là một nguồn lo ngại có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Nợ không bền vững
Đồng USD đã là trung tâm của hệ thống tiền tệ quốc tế kể từ năm 1944, và thậm chí còn thống trị hơn thế kể từ khi Thỏa thuận Bretton Woods có hiệu lực vào năm 1959.
Hệ thống Bretton Woods dựa trên cả vàng và USD - loại tiền tệ duy nhất có thể chuyển đổi thành vàng; khả năng chuyển đổi này được cố định ở mức 35 USD/ounce.
Điều đó đã thay đổi vào ngày 15/8/1971. Do lạm phát và sự mất cân bằng ngày càng tăng trong quan hệ kinh tế quốc tế của Mỹ, Tổng thống khi đó là Richard Nixon đãtuyên bố chấm dứt chế độ chuyển đổi USD sang vàng.
Việc từ bỏ hệ thống dựa trên vàng đã trao cho Mỹ quyền tự do đối với khoản nợ của mình. Vào năm 2023, nợ công của Mỹ đã đạt hơn 33,4 nghìn tỷ USD, gấp 9 lần năm 1990. Con số khổng lồ này tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của nó. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã chỉ ra, nợ của Mỹ đang tăng nhanh hơn nền kinh tế, khiến nó trở nên không bền vững trong dài hạn.
Cơ hội cho Trung Quốc
Đây là thực tế mà Trung Quốc rõ ràng đã nhận ra vì gần đây họ đã thực hiện đợt bán tháo lớn trái phiếu Mỹ mà họ sở hữu. Từ năm 2016-2023, Trung Quốc đã bán 600 tỷ USD trái phiếu Mỹ.
Vào tháng 8/2017, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, vượt qua Nhật Bản. Trung Quốc nắm giữ hơn 1,146 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, gần 20% số tiền mà tất cả các chính phủ nước ngoài nắm giữ. Bắc Kinh hiện là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà trước khi thoái vốn khỏi trái phiếu Mỹ, Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra hệ thống định giá vàng của riêng mình bằng đồng nhân dân tệ. Trên thực tế, vào ngày 19/4/2016, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, đơn vị điều hành kim loại quý của Trung Quốc, đã công bố trên trang web của mình mức chuẩn "cố định" hàng ngày đầu tiên cho vàng là 256,92 nhân dân tệ/một gam.
Chính sách này là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm biến vàng thành sự bảo đảm hữu hình cho đồng tiền của mình.
Vàng đổi đô la
Trung Quốc cũng đang bán trái phiếu Mỹ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024, Trung Quốc đã bán 100 tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ, chưa kể 300 tỷ USD mà họ đã bán trong thập kỷ qua.
Đồng thời, Trung Quốc đã thay thế khoảng 1/4 tư trái phiếu kho bạc Mỹ được bán trong 10 năm bằng vàng. Họ hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ vàng hàng đầu. Giống như ngân hàng trung ương của Trung Quốc, các ngân hàng trung ương khác ở các nước mới nổi vẫn tiếp tục mua vàng.
Là một sự thay thế cho đồng USD, vàng cho phép Trung Quốc lưu trữ lợi nhuận từ thặng dư thương mại lớn của mình. Với Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi cung cấp các hợp đồng giao dịch vàng bằng đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường sử dụng đồng tiền của mình ở nước ngoài với mục đích thiết lập đồng nhân dân tệ làm đồng tiền chuẩn cho nền kinh tế toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận