Nợ công của Mỹ không ngừng tăng mạnh, "bom nợ" toàn cầu lớn chưa từng thấy
Gánh nặng nợ công của Mỹ đang tăng với tốc độ "chóng mặt" trong những tháng gần đây, cứ mỗi 100 ngày lại tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD. Điều này khiến khối nợ toàn cầu phình to và lập kỷ lục mới.
Nợ công tăng mạnh chưa từng thấy
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nợ công của nước này chính thức vượt mốc 34.000 tỷ USD vào ngày 4/1, sau khi chớp nhoáng chạm mốc này vào hôm 29/12 năm ngoái. Trước đó, khối nợ công khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt 33.000 tỷ USD vào hôm 15/9/2023, và vượt 32.000 tỷ USD vào hôm 15/6/2023.
Quá trình tăng 1.000 tỷ USD từ mốc 31.000 tỷ USD mất khoảng 8 tháng, nhưng con số này thời gian gần đây chỉ cần khoảng 100 ngày. Nợ công của Mỹ, số tiền Chính phủ liên bang vay để trang trải chi phí hoạt động, hiện ở mức gần 34.400 tỷ USD.
Michael Hartnett của Bank of America tin rằng chu kỳ 100 ngày sẽ được giữ nguyên khi quy mô nợ tăng từ 34.000 tỷ USD lên 35.000 tỷ USD.
Chiến lược gia Michael Hartnett của ngân hàng Bank of America nhận định xu hướng tăng 1.000 tỷ USD trong 100 ngày của nợ công Mỹ sẽ duy trì trong quá trình khối nợ đi từ 34.000 tỷ USD đến 35.000 tỷ USD.
Nợ công của Mỹ đang trên đà tăng mạnh.
Nợ công tăng mạnh của Mỹ góp phần vào sự gia tăng của "bom nợ" toàn cầu. Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy tổng nợ trên toàn cầu đã lập kỷ lục mới 313.000 tỷ USD trong năm 2023. Trong vòng khoảng 1 thập kỷ, nợ toàn cầu đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ USD, từ mức 210.000 tỷ USD.
"Khoảng 55% số nợ tăng thêm này là nợ của các quốc gia phát triển, chủ yếu là Mỹ, Pháp và Đức", IIF cho biết trong báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2023, còn gần 330%.
"Không có gì khó hiểu khi giới đầu tư lao vào các giao dịch dựa trên mối lo ngại về sự bùng nổ của nợ Mỹ, chẳng hạn như mua vàng hay mua tiền ảo bitcoin", ông Hartnett viết trong báo cáo.
Tỷ lệ nợ/GDP, một chỉ số phản ánh khả năng trả nợ của quốc gia, giảm rõ hơn ở các nước phát triển, nhưng lập đỉnh mới ở một số thị trường mới nổi. Ấn Độ, Argentina, Nga, Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi là những nước chứng kiến sự gia tăng nhiều nhất ở tỷ lệ này, cho thấy thách thức gia tăng trong việc trả nợ.
Tỷ lệ nợ công so với GDP toàn cầu qua các năm.
"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu giảm lãi suất, nhưng đường đi của lãi suất Fed và tỷ giá đồng USD là khó lường. Điều này có thể làm gia tăng sự biến động trên thị trường và dẫn tới thắt chặt điều kiện vay vốn đối với các quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào vay nợ từ bên ngoài" theo báo cáo của IIF.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ được sự vững vàng trước biến động của lãi suất đi vay, nên tâm lý nhà đầu tư có được sự khởi sắc. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu vay nợ đang tăng lên trong năm nay, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, thể hiện qua lượng phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế gia tăng.
Tuy nhiên, IIF bày tỏ lo ngại về khả năng lạm phát trỗi dậy, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. "Thâm hụt ngân sách Chính phủ vẫn đang cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và sự gia tăng của các cuộc xung đột khu vực có thể dẫn tới gia tăng đột ngột trong chi tiêu quốc phòng", báo cáo viết.
"Thành tích đáng buồn"
Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách trách nhiệm liên bang (CRFB), một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận, gọi kỷ lục nợ công mới của Mỹ là một "thành tích đáng buồn".
"Dù mức nợ công đang ở mức nguy hiểm cho cả nền kinh tế lẫn an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ không thể ngừng vay nợ", bà MacGuineas nói trong một tuyên bố ngày 3/1.
Theo CNN, một điều đáng lo ngại nữa là nợ công Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trạng thái tương đối khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trạng thái này vốn được xem là trạng thái tốt để kìm hãm thâm hụt ngân sách.
Bởi thông thường, trong các giai đoạn kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao, Chính phủ tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng. Điều này lại một lần nữa đẩy Chính phủ Mỹ vào nguy cơ đóng cửa.
Gánh nặng nợ của Mỹ tăng với tốc độ nhanh hơn.
Nợ công tăng vọt đã khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Tháng 8 năm ngoái, Fitch hạ xếp hạng nợ quốc gia của Mỹ từ mức AAA xuống AA+.
Tới tháng 11, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's Investors Service hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực do những mối rủi ro ngày càng lớn liên quan đến sức khỏe của tài chính công nước này.
"Trong bối cảnh lãi suất tăng lên, nếu không có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu công hoặc tăng thu ngân sách, thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ tiếp tục giữ ở mức rất lớn, làm suy yếu khả năng của Chính phủ Mỹ trong việc vay nợ ở mức lãi suất hợp lý", báo cáo của Moody's chỉ rõ.
Gánh nặng nợ công tăng nhanh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác đang là mối lo ngại lớn trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh gần đây. Lãi suất tăng khiến chi phí trả lãi vay tăng đáng kể. Trong năm tài khóa 2023, chi phí lãi ròng cho các khoản vay của Chính phủ Mỹ tăng 39% so với năm trước đó và gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020 - theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ.
Cơn ác mộng nếu lãi suất tiếp tục "neo" cao
Theo dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), các Chính phủ và giới doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu vay thêm 15.000 tỷ USD trong năm 2023. Riêng nợ của các Chính phủ tăng lên mức 89.900 tỷ USD, từ mức 71.000 tỷ USD trước đại dịch và dưới 33.000 tỷ USD trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Năm ngoái, lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các nước trên thế giới khiến chi phí trả các khoản nợ này tăng đáng kể.
Jan Friederich, người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings cho biết, chi phí vay cao hơn đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý từ môi trường lãi suất cực thấp.
Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo giám sát nợ toàn cầu của IIF, Friederich ghi nhận, chi phí lãi vay trung bình so với nguồn thu của các Chính phủ đang có xu hướng tăng, đặc biệt đối với các nước giàu có mức nợ lớn.
Trước đây, mức nợ phình to của Mỹ không gây nhiều lo ngại vì đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, trái phiếu của Chính phủ của Mỹ luôn có thanh khoản tốt. Nhưng những biến động kinh tế trên quy mô toàn cầu hiện nay thì đây cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Môi trường lãi suất cao khiến nợ công tăng mạnh.
Hiện nhu cầu vay của các Chính phủ ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Trong tháng 1, Saudi Arabia, Mexico, Hungary, Romania và một loạt nước khác thực hiện một số đợt phát hành trái phiếu quốc tế lớn, với trị giá kỷ lục 47 tỷ USD.
Trong báo cáo giám sát nợ toàn cầu, IIF cảnh báo, gánh nặng chi phí trả nợ sẽ gia tăng khi lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến mặc dù nền kinh tế toàn cầu nhìn chung đã chống đỡ khá tốt.
Dù tốc độ tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng và chi phí lãi vay tăng cao, nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ khả năng chống chịu trước sự biến động mạnh của chi phí vay.
Báo cáo này cũng nhấn mạnh, tình trạng chặt chẽ của Mỹ về lãi suất điều hành và đồng USD có thể làm tăng thêm sự biến động của thị trường. Điều này dẫn đến các điều kiện vay vốn thắt chặt hơn với các nước phụ thuộc tương đối cao vào vay nợ bên ngoài. Các thị trường tài chính hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát hạ nhiệt.
"Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi đột ngột hơn trong dự báo rủi ro toàn cầu. Bất kỳ sự leo thang nào của những vấn đề này đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng về nợ", IIF cho biết.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức tăng thêm nợ công của Trung Quốc tương đương 25% GDP. Trong khi đó, nợ hộ gia đình và doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, khủng hoảng bất động sản kéo dài và dân số sụt giảm thì gánh nặng nợ nần của Trung Quốc có nguy cơ trở thành mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận