'Nín thở' nhìn xăng dầu tăng giá
Đó là tâm trạng của nhiều người trước giờ điều chỉnh giá xăng dầu hôm qua.
Với lần tăng thứ 5 liên tiếp này, giá xăng đứng ở mức kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây và tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Sau lần tăng này, giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 24.996 đồng/lít. Với mức giá này, xăng RON95 đã tiến gần sát mức đỉnh lịch sử 25.070 đồng/lít hồi tháng 7.2013. So với cách đây 2 tháng, giá xăng RON95 đã tăng thêm gần 3.900 đồng và E5RON92 thêm gần 3.800 đồng, tương ứng mức tăng 18,4 - 19%.
Tác động thẳng vào túi tiền của người dân
Giá xăng ở mức kỷ lục “đánh” ngay vào túi tiền của người dân. Ông Hoàng Thao (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vào thời điểm đầu năm, mỗi lần ông đổ xăng xe máy đầy bình là 50.000 đồng, chạy được 4 - 5 ngày nhưng nay cũng từng đó tiền chỉ đổ được một nửa bình xăng, đi chỉ 2 - 3 ngày. Giá xăng tăng cao, mỗi tuần phải đổ 2 - 3 lần “nên chắc đi lại cũng phải hạn chế thôi. Không thì không đủ tiền mua gạo đủ tháng ấy chứ”, ông Thao than thở.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang còn chưa khởi động lại nhiều mà tăng giá xăng không kiểm soát sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát
Đặc thù công việc phải đi lại nhiều, chị H.M (Q.3, TP.HCM) than trời vì “xe hết xăng đúng lúc giá tăng”. Trả 160.000 đồng đổ đầy bình xăng, chị H.M tính toán: “Mỗi tháng, chỉ riêng xăng phải chi thêm mấy trăm ngàn đồng so với trước. Bằng cả hộp sữa cho con chứ ít đâu”.
Nhưng xăng đâu chỉ tăng một mình, xăng tăng thì giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng theo. Rất nhiều người đang hồi hộp chờ buổi chợ ngày hôm sau. Khả năng “tát giá theo xăng” có thể đến ngay chứ không cần độ trễ. Bởi ngay lúc này, các doanh nghiệp (DN) cũng đang phải tính toán đến bài toán tăng giá hàng hóa dịch vụ. Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế DELTA, cho biết tỷ trọng xăng dầu trong giá cước vận tải của công ty chiếm 30 - 40% nên theo tính toán của DN, khả năng tăng cước phí lên vài phần trăm tùy theo hợp đồng. Hiện phía công ty đang phải làm việc với khách hàng điều chỉnh giá vì chi phí đầu vào của DN là giá xăng, đầu vào tăng thì khó giữ được giá đầu ra.
Cần kìm cương giá xăng dầu
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, nói dù xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua nhưng DN vẫn rụt rè không dám tăng giá cước vì sợ mất bạn hàng. “Các DN hiện nay đang cắt giảm các chi phí sản xuất, nhưng mức tăng này khiến chúng tôi khó có thể cầm cự được lâu. Khi nào chịu hết nổi cũng phải tăng thôi. Đáng nói, đây là thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang còn chưa khởi động lại nhiều mà tăng giá xăng không kiểm soát sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN. Chính phủ cần cân nhắc các loại thuế, phí để giảm gánh nặng chi phí cho DN”, ông Thanh nói và đặt vấn đề, VN có Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng lại phải nhập khẩu xăng dầu thế giới nên buộc phải tính theo mức tăng giá xăng dầu thế giới là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng mỗi lít xăng hiện nay đang cõng thuế, phí lên đến 60%, nên Chính phủ cần xem xét lại các khoản thuế để giá xăng có thể giảm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế. Khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, giá xăng dầu tăng đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa tăng quá nhanh sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến sức bật của DN, đời sống của người dân, nguy cơ kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế nói chung. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.
Theo ông Long, hiện có 3 “van” cơ sở để định giá xăng dầu trong nước gồm giá xăng dầu thế giới, quỹ bình ổn và thuế. Đối với “van” thứ nhất - giá xăng dầu thế giới, VN không thể tác động được. Chúng ta chỉ có thể tìm cách làm cho giá trong nước tăng chậm hơn, thấp hơn đà tăng của thế giới. Với chiếc “van” thứ hai - quỹ bình ổn xăng dầu: chỉ thu trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao. Với mức giá hiện nay, tỷ lệ thu được rất ít. Chưa kể thực tế hiện nay, quỹ này đã chuẩn bị âm. 17 DN kinh doanh xăng dầu trên cả nước đã ghi nhận mức âm 1.500 tỉ đồng. Mặt khác, các DN thực tế không hề “mặn mà” với quỹ bình ổn. Khi giá xăng tăng cao thì nhà nước thu, khi giá âm thì nhà nước không bù, chỉ có thể chờ phục hồi khi giá thế giới xuống thấp, thu nhiều hơn chi để lấy lại. Nếu giá xăng tiếp tục tăng, thu thêm thì sẽ rất khó khăn cho các DN. Quỹ sẽ âm hết và buộc phải tính tới phương án vay ngân hàng.
“Dù vậy, vẫn phải tiếp tục duy trì quỹ bình ổn, vì nếu không, giá xăng sẽ còn tiếp tục tăng cao, tăng nhanh hơn nữa. Muốn thế, thứ nhất là DN phải đồng lòng chia sẻ cùng nhà nước, toàn dân và cộng đồng xã hội. Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các DN phục vụ quỹ bình ổn. Không thể đẩy thế khó về cho DN mà cần hỗ trợ để họ có cơ sở tiếp tục hoạt động, tiếp tục quỹ bình ổn xăng dầu để cân đối cho thị trường”, ông Ngô Trí Long đề xuất.
Cuối cùng, chiếc “van” thứ ba mà vị chuyên gia này nhắc tới, cũng chính là cơ sở bền vững nhất để kìm giá xăng, đó là thuế. Ông phân tích: Hiện có 4 loại thuế liên quan đến xăng dầu có thể cân nhắc giảm gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, thuế nhập khẩu đã ở mức thấp nhất có thể, không thể giảm thêm được nữa khi các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Theo nghị quyết mới do Quốc hội ban hành, một số mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng nhưng không bao gồm xăng dầu, không thể giảm. Như vậy, chỉ còn thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là khả thi.
“Thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 3.800 đồng/lít. Tuy nhiên, cần xác định giảm thuế tương ứng ngân sách giảm thu, rất khó khăn trong bối cảnh hiện nhà nước cần chi rất nhiều cho công tác phòng bệnh và hỗ trợ DN sản xuất phục hồi. Đây là bài toán cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để Bộ Tài chính có thể mạnh dạn giảm ngay thuế, kìm giá xăng dầu thì các bộ, ngành khác cần nghiên cứu quản lý chặt những lỗ hổng hiện có để tăng nguồn thu ngân sách bù lại. Đơn cử, Bộ Công thương quyết liệt quản lý buôn lậu xăng dầu, tăng cường khai thác dầu; Bộ Tài chính siết thuế “chảy” qua các nền tảng mua sắm online; Bộ KH-ĐT phân bổ nguồn lực sao cho hợp lý… Nói chung cần sự chung tay phối hợp quản lý chi tiêu cả đầu vào và đầu ra của nhiều ngành thì thuế đánh trên xăng dầu mới có cơ hội giảm”, ông Long nhấn mạnh.
Xăng tăng giá lần thứ 5 liên tiếp, lên gần 25.000 đồng/lít RON95
Liên bộ Công thương - Tài chính chiều qua (10.11) đã cho phép DN đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, lần thứ 5 trong năm. Theo đó, DN giữ nguyên giá dầu diesel 0.05S (không cao hơn 18.716 đồng/lít) và dầu hỏa (không cao hơn 17.637 đồng/lít), giảm giá bán dầu mazút 389 đồng/kg (giá hiện nay không cao hơn 16.821 đồng/kg). Xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, bán ra không cao hơn 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, bán ra không cao hơn 24.996 đồng/lít.
Cơ quan quản lý trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu hỏa ở mức 150 đồng/lít, dầu mazút ở mức 500 đồng/kg và không trích lập quỹ đối với xăng, dầu hỏa, dầu diesel. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 8 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 44 đồng/lít. Riêng dầu mazút không chi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận