Nikkei: Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia hưởng lợi từ sáng kiến của G7
Theo phân tích trên trang asia.nikkei, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có thể nhận được nguồn tài chính mới để chuyển đổi sang năng lượng sạch, được liên kết với sáng kiến “Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” (PGII) do nhóm G7 chính thức khởi động lại vào ngày 26/6.
Với sáng kiến PGII, G7 đặt mục tiêu huy động 600 tỷ USD đến năm 2027 nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Tại buổi ra mắt sáng kiến mới trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ ra rằng "sự phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cũng rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
PGII được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn'' (B3W), đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 ở Anh. Các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hiện tại của các quốc gia thành viên sẽ được bảo trợ, cùng với các sáng kiến tập thể mới.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang thúc đẩy PGII dựa trên các giá trị dân chủ về tính minh bạch, toàn diện và bền vững, nhấn mạnh rằng sáng kiến này nhằm huy động một lượng lớn vốn tư nhân từ các nền dân chủ công nghiệp hóa. Tại hội nghị G7 ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng ta đang cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho các quốc gia và người dân trên thế giới để đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng giúp cải thiện cuộc sống - cuộc sống của họ và cuộc sống của tất cả chúng ta - mang lại lợi ích thực sự cho tất cả người dân, không chỉ G7, mà toàn nhân loại”.
G7 đang hợp tác với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để hướng tới các quan hệ đối tác, qua đó cung cấp tài chính để hỗ trợ quá trình khử cacbon và hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch G7 luân phiên năm 2022, nhấn mạnh: "Trong nỗ lực chung với các đối tác G7, chúng tôi hiện đang làm việc hướng tới các quan hệ Đối tác chuyển tiếp năng lượng (JETP) bổ sung với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam”.
JETP đầu tiên, được Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên G7 là Pháp, Đức, Anh và Mỹ đồng ý trong hội nghị khí hậu COP26 của LHQ năm 2021, nhằm hỗ trợ các nỗ lực khử cacbon của Nam Phi trong dài hạn, tập trung vào quá trình chuyển đổi bao trùm và công bằng để phát triển các cơ hội kinh tế mới. JETP cam kết ban đầu sẽ huy động 8,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm.
Thủ tướng Kishida cho biết, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu thực hiện hơn 65 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng và huy động vốn khu vực tư nhân. Trong thông tin về B3W vào tháng 6/2021, Nhà Trắng nhấn mạnh "nhu cầu cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40.000 tỷ USD ở các nước đang phát triển, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận