Nike và H&M đối mặt với sự giận dữ và nguy cơ tẩy chay từ người Trung Quốc
Hai công ty bán lẻ khổng lồ Nike và H&M đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở Trung Quốc sau khi họ bày tỏ lo ngại về cáo buộc lao động Uighur bị cưỡng bức sản xuất bông vải Tân Cương, theo tin từ BBC.
Nhiều người dân Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hai thương hiệu này và một số nhân vật nổi tiếng cắt đứt quan hệ, trong khi một số trang thương mại điện tử loại bỏ H&M ra khỏi các mặt hàng của họ.
Sự việc xảy ra khi một số nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Trung Quốc trong tuần này.
Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các biện pháp trừng phạt, gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản, nhắm vào các quan chức cấp cao ở khu vực tây bắc.
Những lo ngại về việc nguồn bông vải ở Tân Cương đã được các công ty này nêu ra năm ngoái, nhưng trong những ngày gần đây xuất hiện trở lại sau thông báo về các lệnh trừng phạt của EU, Anh, Mỹ, Canada.
Nike và H&M tuyên bố trong hai văn bản riêng rằng họ 'quan ngại' về cáo buộc là người Uighur bị cưỡng bức phải hái bông ở Tân Cương và nguyên liệu sản xuất của họ không đến từ khu vực này.
Nhưng một bài đăng trên mạng xã hội gần đây có vẻ như đã châm ngòi cho cơn thịnh nộ mới nhất.
"Vừa tung tin tẩy chay bông Tân Cương, vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Mộng tưởng!" bài viết được đăng trên Weibo sáng thứ Tư và chia sẻ ảnh chụp màn hình về tuyên bố của H&M.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc từ đó đã phát động chiến dịch bảo vệ bông Tân Cương và chỉ trích các thương hiệu này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN phát tán một video trên Weibo nói là cho thấy cảnh hái bông ở Tân Cương, gồm hệ thống tự động và trích lời của một nông dân Uighur nói rằng mọi người 'tranh nhau' làm việc ở đó để có thu nhập cao.
Đài truyền hình nhà nước CCTV nói H&M đã 'tính toán sai lầm' khi muốn ra vẻ 'anh hùng chính nghĩa', và sẽ phải trả giá đắt cho 'những hành động sai trái của mình'.
H&M Trung Quốc vẫn chưa trả lời các câu hỏi từ BBC, nhưng công ty này đã đăng một tuyên bố trên Weibo hôm thứ Tư nói rằng họ 'vẫn luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc' và 'không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào'.
Tối thứ Tư, ít nhất ba công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc gồm Pinduoduo, JD.com và Tmall đã rút các sản phẩm H&M ra khỏi các kênh tiêu thụ trên mạng internet.
Nhiều người nổi tiếng như Hoàng Hiên (Huang Xuan), Vương Nhất Bác (Wang Yibo) và Victoria Song cũng tuyên bố rằng họ đã cắt đứt quan hệ với các thương hiệu này, trong đó một người trong số đó kêu gọi 'lợi ích đất nước là trên hết'.
Một làn sóng phản ứng dữ dội chống cả hai công ty đã lan truyền trên mạng xã hội, với nhiều lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Nike và H&M. Hashtag 'Tôi ủng hộ bông Tân Cương' hiện đang là chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo với hơn 1,8 tỷ lượt xem.
Hennes & Mauritz (H&M) có quan hệ lâu dài với Trung Quốc, là một trong những nguồn cung cấp chính của H&M, và thị trường lớn cho công ty này.
Nhưng ai đụng đến các vấn đề cốt lõi trong nước của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh không thích. Ví dụ gần đây nhất liên quan đến Hàn Quốc và Philippines. Cả hai nước này đều có chuỗi cửa hàng và trái cây xuất khẩu bị ảnh hưởng sau những xích mích ngoại giao.
Trung Quốc thích dùng sức mạnh thương mại và chủ nghĩa dân tộc để gây áp lực với các chính phủ và các công ty đa quốc gia, hay nhất là cũng một lúc, để buộc họ im tiếng trước các vụ lạm dụng.
Thời điểm của phản ứng 'quần chúng' đột ngột này, do những người nổi tiếng khởi xướng, những người từng vui vẻ nhận tiền quảng của H&M, xảy đến sau các vụ trừng phạt phối hợp của Anh, Mỹ, EU và mới đây là Thụy Điển đối với quan chức Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận