menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo Chiến

Nhượng quyền thương mại: Dự báo và định hướng

Dù xuất hiện tại Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, song hoạt động nhượng quyền thương mại chỉ phát triển nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ngày càng sôi động

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, nhượng quyền thương mại (NQTM) đã phát triển trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đồng thời đang chịu sự tác động của 3 xu hướng:

Thứ nhất, xu hướng phát triển của hình thức kinh tế trải nghiệm. Tức là cách thay đổi giá trị và trải nghiệm quan trọng hơn nhu cầu sản phẩm. Ví dụ, tại Mỹ, gần 80% người tiêu dùng trẻ đi tìm trải nghiệm mới khi có nhu cầu mua sản phẩm. Vì thế, một doanh nghiệp kinh doanh (ví dụ kinh doanh gà rán…) theo hình thức NQTM cũng phải tìm ra cách bán “trải nghiệm”, làm sao phục vụ tốt nhất khách hàng. Trải nghiệm có thể hiểu là cách phục vụ, chất lượng sản phẩm độc đáo hoặc các thiết bị đo cảm xúc khách hàng…

Thứ hai, xu hướng phát triển của lĩnh vực kinh tế dịch vụ. Tất cả các nhu cầu về giáo dục, y tế, phát triển bản thân con người... đều có thể hình thành mô hình nhượng quyền. 1 năm qua, đã có nhiều hình thức nhượng quyền như tổ chức sinh nhật cho người già, theo dõi bảo hiểm... nở rộ theo nhu cầu. Đây là một hướng chuyển động mới của hình thức bán dịch vụ, giải pháp, hoàn toàn có thể thực hiện kinh doanh theo hình thức NQTM.

Thứ ba, xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế sáng tạo là tạo ra những sản phẩm mới, giải pháp mới tiên tiến, hiệu quả, giá trị gia tăng cao... Doanh nghiệp phải nghĩ cách để đưa công nghệ ứng dụng vào công việc kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động… đồng thời giúp khách hàng có được những trải nghiệm mới mẻ. Hoạt động NQTM cũng không phải ngoại lệ, cần có những mô hình mới phù hợp để thích ứng.

Dự báo của nhiều chuyên gia về thương hiệu cho thấy, NQTM sẽ tiếp nối xu thế phát triển ngày càng sôi động ở thị trường Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ có các thương hiệu lớn nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, đồng thời phát triển NQTM. Do đó, cần có sự định hướng cho lĩnh vực NQTM phát triển phù hợp với xu thế chung của thế giới và thực tiễn của Việt Nam.

Trên thị trường, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều thương hiệu đang chọn hình thức nhượng quyền hàng loạt để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng thay vì nhượng quyền từng cửa hàng như trước đây. Đồng thời, đã xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu lớn tự phát triển, xây dựng hệ thống cửa hàng trực thuộc trong một thời gian nhất định, sau đó nhượng quyền lại cho đối tác kinh doanh. Những hình thức vừa nêu có triển vọng phát triển ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam… Do vậy, cần khuyến khích, tạo điều kiện để cách thức NQTM vừa nêu phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, nhân rộng NQTM đối với các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa đã phát triển; thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp NQTM trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Giải pháp tăng tốc

Để NQTM phát triển mạnh mẽ hơn, trước hết cần xây dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước với cơ chế thực thi pháp luật rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Chính phủ cần giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, xây dựng để ban hành một Nghị định mới về NQTM thay thế Nghị định 35/2005/NĐ-CP đang điều chỉnh lĩnh vực này còn thiếu các quy định phù hợp.

NQTM mới phát triển ở Việt Nam nên kiến thức và hiểu biết về hình thức kinh doanh này đối với doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Do đó, cần có một hiệp hội mang tầm cỡ quốc gia (Hiệp hội NQTM) với vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhượng quyền, xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với đối tác và nhượng quyền ra nước ngoài.

Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến kiến thức về NQTM là việc làm hết sức cần thiết; cần có chính sách để các trường đại học đưa nội dung giảng dạy về NQTM vào chương trình đào tạo, đặc biệt là các vấn đề pháp lý về hợp đồng NQTM; cách thức tổ chức và quản lý hệ thống chuyển nhượng.

Hệ thống ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển loại hình kinh doanh NQTM. Vì vậy, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách để ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các bên nhượng và nhận quyền thương hiệu thông qua việc cung cấp tín dụng có bảo lãnh hoặc thế chấp thương hiệu, thế chấp tài sản tự có.

NQTM là tiến trình hoạt động phức tạp, đòi hỏi bên nhượng quyền và bên nhận quyền phải có sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp, kiến thức, kinh nghiệm thương trường...
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại