menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Chinh

Nhượng bộ về Huawei, ông Trump đang muốn một thỏa thuận hơn là chiến tranh lạnh?

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hút ánh nhìn của những “chú diều hâu” về an ninh trong Quốc hội Mỹ vì cho rằng ông ấy có thể nhượng bộ về Huawei đảm bảo tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Vào ngày thứ bảy (29/06), ông ấy đã tiến một bước lớn để làm điều đó, báo hiệu rằng ông ấy quan tâm nhiều hơn đến việc bán các sản phẩm của Mỹ cho Trung Quốc hơn là dấn thân vào một cuộc đụng độ của các nền văn minh – vốn được một số cố vấn hàng đầu ủng hộ. Về lâu dài, những bản năng kinh doanh đó có thể phản ánh nhiều về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là thỏa thuận của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc đình chiến thương mại và nối lại các cuộc đàm phán.

Động thái cắt đứt nguồn cung ứng linh kiện và phần mềm cho Huawei – một trong những công ty mang tính biểu tượng của Trung Quốc – trong tháng trước đã đánh dấu một bước leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh sau khi ông nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ. Việc đưa công ty vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại – vốn thường dành cho các chế độ bất hảo và các doanh nghiệp liên kết – được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ mới.

Cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể xảy ra và được nhiều chuyên gia ở Bắc Kinh và Washington xem là không thể tránh khỏi. Nhưng vào ngày thứ Bảy (29/06), ông Trump nghe có vẻ lạc quan hơn nhiều về tương lai, thậm chí dường như bác bỏ quan điểm trong chính quyền của ông – vốn được lặp lại từ hai ngày trước bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper – rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong dài hạn.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ trở thành đối tác chiến lược”, ông Trump nói khi được một nhà báo Trung Quốc hỏi ông nhìn nhận Trung Quốc như thế nào.

“Tôi nghĩ chúng tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau”, ông ấy nói thêm. “Nếu có thể xây dựng một thỏa thuận đúng đắn, chúng tôi có thể giúp đỡ nhiều cho nhau”.

Ông Trump đã tuyên bố vào ngày thứ Bảy (29/06) rằng ông đã dập tắt mối đe dọa áp thuế bổ sung thêm lên hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến một cuộc phản đối công khai của các doanh nghiệp Mỹ, từ các nhà sản xuất máy chơi game video cho đến công ty sản xuất bóng tennis. Ông nói rằng mối quan tâm của ông bây giờ là giúp đỡ các công ty Mỹ đã lên tiếng chống lại việc thêm Huawei vào danh sách đen.

“Tôi thích các công ty của chúng tôi bán sản phẩm cho người khác”, ông Trump nói.

Phát biểu của ông trong cuộc họp báo dài 73 phút tại Osaka đã gợi nhớ lại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore trong năm 2018. Vào thời điểm đó, ông Trump đã không đề cập tới những mối đe dọa về “bão lửa và cuồng nộ” (fire and fury) và thay vào đó nói về tiềm năng kinh tế của Triều Tiên - thậm chí còn nói về tiềm năng của nó đối với các thỏa thuận bất động sản lớn.

Ít thông tin chi tiết

Dù vậy, cũng giống với chiến lược về Triều Tiên, những nhận định của ông Trump về Trung Quốc vẫn còn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ quyết định trong những ngày tới về việc có thực sự loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen thương mại hay không, đồng thời nói thêm rằng ông “đã nói về những thiết bị không có vấn đề an ninh quốc gia lớn”. Ông cũng cho biết, Trung Quốc đã đồng ý nối lại việc mua nông sản và các sản phẩm khác từ Mỹ như một phần của thỏa thuận ngừng bắn để khởi động lại các cuộc đàm phán, nhưng đưa ra rất ít thông tin chi tiết.

Thậm chí, thời điểm để các cuộc đàm phán có thể tiếp tục - hoặc ông sẽ cho phép chúng tiếp tục trong bao lâu - vẫn còn là một bí ẩn, cũng giống như câu hỏi liệu Trung Quốc có giải quyết các khiếu nại của Mỹ về việc Trung Quốc rút lại hàng loạt cam kết trước đó hay không – vốn là lý do mà các quan chức Mỹ đưa ra cho sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán vào đầu tháng 5/2019.

“Điều này không có nghĩa là sẽ có một thỏa thuận”, ông Trump nói với các phóng viên về thỏa thuận nối lại đàm phán. “Nhưng họ muốn có một thỏa thuận, tôi có thể nói với bạn điều đó”.

Trung Quốc đã phản ứng với những bình luận của Trump với sự lạc quan thận trọng. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ hoan nghênh điều này nếu những lời nói đó thể hiện dưới dạng hành động”, nhà ngoại giao Trung Quốc Wang Xiaolong nói trong một cuộc họp báo tại G20 khi được hỏi về Huawei.

Huawei đã tích cực hơn trên tài khoản Twitter: “Thay đổi 180 độ? Donald Trump đề nghị ông sẽ cho phép #Huawei mua công nghệ của Mỹ trở lại!”

Phản ứng ở Washington gần như chắc chắn sẽ kém tích cực hơn.

Ngoài động thái của Huawei, không có gì xảy ra ở Osaka cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang ở gần một giải pháp cho hàng loạt xung đột giữa hai bên, theo Scott Kennedy, Chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

“Đây là viên kẹo dành cho thị trường nhưng nó thực sự giúp chúng ta tiến gần hơn đến việc giải quyết những mâu thuẫn sâu sắc của chúng ta”, ông Patrick nói.

Ông Trump vẫn có nhiều sức ảnh hưởng đối với Bắc Kinh và Huawei. Chính quyền Mỹ có sắc lệnh điều hành, trong đó cấm các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông của Trung Quốc và đã hành động để hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc tới công nghệ Mỹ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và robot.

Ông Trump cũng giữ lại hàng rào thuế quan mà ông vừa mới áp trong vài tuần gần đây. Kể từ khi đàm phán đổ vỡ vào ngày 10/05, hai bên đã áp hàng rào thuế quan mới lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.

“Bước nhượng bộ lớn”

Những “chú diều hâu” về Trung Quốc trong chính quyền Trump âm thầm nói rằng ông Trump gần đây đã hành động nhiều hơn để đe dọa tới vị thế của Trung Quốc trong hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng công nghệ hơn bất kỳ vị Tổng thống Mỹ nào trước đây. Dần dần, họ tranh luận rằng, ông Trump đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc và chấm dứt hàng thập kỷ của hành vi “dễ dãi” không cần thiết của các vị Tổng thống Mỹ khi đối mặt với một đối thủ đang trỗi dậy.

Những người khác thân cận với chính quyền Mỹ khăng khăng cho rằng ông Trump là một người thực dụng hơn là một nhà tư tưởng khi nói đến Trung Quốc. Họ nhấn mạnh, điều đó rồi sẽ dẫn đến một thỏa thuận, bởi vì đó là lợi ích chính trị của ông Trump: Hòa bình sẽ mang tính thuyết phục trong các cuộc thăm dò năm 2020 hơn là một cuộc chiến kinh tế.

Động thái nhượng bộ về Huawei của ông Trump trong ngày thứ Bảy (29/06) càng thể hiện ông ấy thà có thỏa thuận hơn là khởi đầu cuộc chiến tranh.

Wendy Cutler, nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Mỹ tại Hiệp hội Châu Á cho biết, “Đây là một sự nhượng bộ lớn đối với Trung Quốc. Và không rõ Mỹ đã nhận lại được những gì”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại