Những xu hướng có thể định hình ngành bán lẻ năm 2023
Năm 2023, ngành bán lẻ toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ sự giảm tốc của nền kinh tế và sự cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Việc nắm bắt và thích nghi với các xu hướng chính sẽ là điều mà các doanh nghiệp cần làm.
Những bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng, cùng với những thách thức từ dịch bệnh vẫn còn tiếp tục khiến ngành bán lẻ phải đối mặt với một năm khó khăn nữa.
“Sự khác biệt đáng chú ý trong năm 2022 là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong nửa cuối năm”, ông Andrew Goodacre, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà bán lẻ độc lập Anh (BIRA), nhận định. “Đồng thời, chúng tôi nhận thấy, chi phí vận hành của các doanh nghiệp đã tăng rất mạnh, do chi phí năng lượng cao hơn 400%, tiền lương cao hơn 10% và cả vấn đề lạm phát chuỗi cung ứng nữa”.
Trong bối cảnh đó, để có thể tồn tại và phát triển trong năm 2023, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ cần chú ý nhiều hơn tới các xu hướng chính, được dự báo sẽ định hình cách thức mua sắm, lựa chọn của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu
Tình trạng lạm phát cao được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, khiến áp lực ngày càng đè nặng lên người tiêu dùng toàn cầu. Niềm tin của phần lớn người tiêu dùng đã liên tục sụt giảm trong thời gian qua khi giá cả tăng cao ảnh hưởng đến mọi loại sản phẩm, từ nhu yếu phẩm hàng ngày cho tới nhiên liệu.
Trong năm 2023, các hãng bán lẻ sẽ cần phải tìm ra sự cân bằng giữa việc tiếp tục bán những sản phẩm mà khách hàng muốn và khách hàng cần, đồng thời xác định rõ ràng rằng, mức chi tiêu của người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh tế hiện tại.
Để đạt được sự cân bằng này, các nhà bán lẻ sẽ tiến hành một số chiến thuật khác nhau, từ quản lý kho hàng và phạm vi hoạt động tốt hơn, cho đến giao tiếp với khách hàng theo những cách thức mang tính cá nhân hóa cao hơn.
“Một cách để các hãng bán lẻ có thể cân bằng giữa việc duy trì lợi nhuận và làm hài lòng những người tiêu dùng đang ngày càng chú trọng đến vấn đề chi phí, là phải đơn giản hóa danh mục sản phẩm”, Davide Camisa của hãng tư vấn Boston Consulting Group gợi ý.
Ông cũng cảnh báo, các nhà bán lẻ không nên phụ thuộc quá mức vào những đòn bẩy thông thường như cắt giảm chi phí nhân sự, hay yêu cầu nhà cung cấp giảm giá để duy trì lợi nhuận.
Ông Camisa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp một cách hiệu quả với khách hàng về các sản phẩm mà họ quan tâm nhiều nhất tại một thời điểm cụ thể. Ông đề xuất các doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để truyền tải “những thông điệp phù hợp và được cá nhân hóa hơn, mang lại những giá trị và sự lựa chọn trong các nhóm sản phẩm mà người tiêu dùng quan tâm”.
Xu hướng bán sản phẩm đã qua sử dụng
Theo Công ty Phân tích dữ liệu Global Data, quy mô thị trường bán lại các sản phẩm hàng may mặc đã qua sử dụng trên toàn cầu ước tính đạt mức tăng trưởng 30,1% lên 182,4 tỉ đô la trong năm 2022. Đến năm 2026, thị trường được kỳ vọng sẽ tăng 85,5%, lên 338,4 tỉ đô la.
Nghiên cứu của eBay – công ty cứ sau mỗi giây lại bán được một mặt hàng thời trang đã qua sử dụng trong năm 2022 cho thấy, những động cơ quan trọng nhất khiến những người tiêu dùng trưởng thành tại Vương quốc Anh quyết định mua đồ cũ là “để có được một thỏa thuận tốt hơn hoặc tìm kiếm một món hời” (32%); để “cắt giảm chi tiêu” và “ứng phó với sự gia tăng chi phí sinh hoạt” (31%); cuối cùng là động lực để trở nên “bền vững hơn” (26%).
Sự tăng trưởng của lĩnh vực này càng được thúc đẩy hơn nữa bởi những thay đổi trong quan niệm về việc mua đồ cũ, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Theo Forbes, thế hệ Z – những người sinh ra trong giai đoạn từ 1997-2012, hiện được coi là những người có nhiều khả năng mua hoặc bán quần áo cũ nhất.
Trong năm 2023, các nhà bán lẻ nên xem xét cách thức để kết hợp các sản phẩm đã qua sử dụng vào danh mục hàng hóa của mình mà không ảnh hưởng đến doanh số bán hàng mới hoặc gây ra nguy cơ thua lỗ. Nếu chưa có mảng kinh doanh này, các doanh nghiệp nên cân nhắc coi đây là một phần quan trọng của mô hình hoạt động. Trong bối cảnh tính bền vững đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, nhu cầu đối với các mặt hàng có thể được tái sử dụng hoặc tái chế sẽ ngày càng gia tăng.
Thương mại điện tử thích nghi với tình hình mới
Được thúc đẩy bởi dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế đi lại, thương mại điện tử đã ghi nhận một sự bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2021, với doanh số bán hàng trực tuyến tăng vọt. Tuy nhiên, trong năm 2022, nhiều thị trường trên thế giới đã ghi nhận sự chuyển dịch rõ rệt khỏi phương thức mua sắm này. Tại Vương quốc Anh, doanh số bán hàng trực tuyến trên tổng doanh số bán lẻ đã có 10 tháng sụt giảm liên tiếp khi người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại các cửa hàng, trung tâm thương mại.
Với chi phí quảng cáo ngày càng tăng, kéo theo đó là giá bán sản phẩm đắt đỏ hơn, ngày càng nhiều thương hiệu bán lẻ nhận thấy rằng mảng kinh doanh thương mại điện tử đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ít nhất là trong năm 2022. Điều này đã làm dấy lên những nghi ngại về triển vọng của thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Camisa, đây chỉ đơn giản là một cuộc tái cân bằng sau đại dịch và rõ ràng là không có dấu hiệu nào cho thấy thương mại điện tử đang trong giai đoạn thoái trào. Casmina nói rằng: “Khi các điểm bán lẻ mở cửa trở lại, dự kiến một số khoản chi tiêu cho thương mại điện tử sẽ được chuyển sang mua sắm trực tiếp. Tuy nhiên, nhìn chung, mua sắm trực tuyến vẫn là một hành vi cố định. Do vậy, những thói quen mới vừa hình thành vẫn sẽ được duy trì với khối lượng đáng kể trong những năm tới”.
“Các nguyên tắc cơ bản hỗ trợ nhu cầu đối với thương mại điện tử vẫn còn đó. Hình thức mua sắm này thuận tiện hơn, cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn, với mức độ dịch vụ ngày càng tăng, nhiều nhóm sản phẩm có mức giá rẻ hơn, và nhân khẩu học của khách hàng ngày càng hòa hợp với mua sắm trực tuyến. Vì vậy, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến sự tăng trưởng trong dài hạn của lĩnh vực này”.
Phát triển các cộng đồng khách hàng thân thiết
Sự suy giảm của thương mại điện tử trong năm 2022 cũng cho thấy, mô hình hoạt động theo kiểu chỉ liệt kê sản phẩm trên các trang mạng trực tuyến và kỳ vọng rằng sẽ sớm bán được hàng, đang ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn. “Thương mại điện tử truyền thống dựa trên các thông điệp tĩnh và buộc người mua phải tự mình tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn các sản phẩm phù hợp với mình”, ông Andrew Chen, Giám đốc sản phẩm của nền tảng thương mại trực tuyến CommentSold nhận định.
Trong khi đó, người tiêu dùng đang ngày càng quen thuộc và thích thú hơn với những hình thức kết hợp sáng tạo giữa giải trí và thương mại, như bán hàng thông qua phát trực tiếp (livestream), mạng xã hội… Ông Chen lập luận rằng “những cơ hội mà các hình thức bán hàng mới này mang lại trong việc phát triển, nuôi dưỡng và thúc đẩy một cộng đồng khách hàng thân thiết có khả năng làm gia tăng đáng kể khả năng giữ chân người tiêu dùng và tăng doanh thu cho các hãng bán lẻ”.
Theo ông Chen, nhờ việc phát triển được một cộng đồng khách hàng thân thiết, “nhiều cửa hàng đã ghi nhận người tiêu dùng quay trở lại mua đồ tới 5 lần một tháng, trong khi các thương hiệu thương mại điện tử trung bình chỉ có thể thấy khách hàng quay lại trang web để mua sản phẩm 3 hoặc 4 lần một năm”.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tỏ ra thận trọng hơn trong việc mua sắm, chuyên gia Camisa cho rằng “việc giữ chân khách hàng nên được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2023”. Việc xây dựng một cộng đồng khách hàng thân thiết, bao gồm những người có niềm yêu thích lớn với thương hiệu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, các hãng bán lẻ cần phải xem xét kỹ lưỡng về việc dịch vụ thương mại điện tử của họ liệu có đang tận dụng tối đa các cách thức mới để bán hàng và xây dựng những cộng đồng khách hàng thân thiết và trung thành hơn hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận