Những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2021
Khi Trung Quốc tiếp tục đối phó với những thách thức bên ngoài, phát triển kinh tế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2021.
Bài phân tích trên báo The Straits Times đánh giá 2020 là năm thách thức nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông đảm nhận vai trò này.
Theo bài viết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc chèo lái đất nước vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử và khôi phục nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 toàn cầu, cũng như đối phó với cuộc chiến thương mại và công nghệ dường như chưa đi đến hồi kết với Mỹ.
Tuy nhiên, việc đình chỉ một số đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã làm xấu đi hơn nữa hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Có thể nói, hàng loạt vấn đề rắc rối mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm vừa qua sẽ không sớm mất đi, đặc biệt là trong bối cảnh các quan ngại đối với nước này ngày càng tăng.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã bày tỏ rằng ông muốn can dự và hợp tác với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi đối thoại. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã phát biểu rằng cửa sổ hy vọng mới đang mở ra cho cả hai bên. Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố sẵn sàng chia sẻ dữ liệu do tàu thăm dò Chang’e thu được với cộng đồng khoa học toàn cầu, kể cả Mỹ, là một cử chỉ thiện chí.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chúng ta không nên quá lạc quan. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc ông Biden cũng cam kết thành lập một liên minh gồm các nền dân chủ là một nỗ lực khác nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận này sẽ đem lại cho các công ty châu Âu quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc. Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn 27 nước thành viên của khối này liên kết với Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không từ bỏ trên mặt trận quân sự. Chuyên gia James Char, một học giả về Trung Quốc, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, nhận xét: “Mặc dù sự đối địch Mỹ-Trung có khả năng sẽ dịu bớt phần nào sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, nhưng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cảnh giác với Washington khi nước này thúc đẩy việc tăng cường các khả năng quân sự của mình để thách thức ưu thế của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Các nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc sẽ tập trung phần lớn sự chú ý vào Mỹ khi họ áp dụng mối quan hệ đối địch lâu dài với Washington và điều này sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2021”.
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có hàn gắn với Australia, Canada, Ấn Độ và Thụy Điển hay không sẽ phụ thuộc một phần vào sự đáp trả thiện chí của Mỹ, mặc dù không có khả năng Bắc Kinh sẽ từ bỏ “những lợi ích cốt lõi” của mình trong các vấn đề liên quan đến Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)…
Khi Trung Quốc tiếp tục đối phó với những thách thức bên ngoài, phát triển kinh tế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2021. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong quý II và quý III/2020, đạt 3,2% và 4,9%, sau khi sụt giảm 6,8% trong quý I do dịch bệnh.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2020 đạt mức 2%, được thúc đẩy bởi chi tiêu chính phủ, xuất khẩu mạnh mẽ và tỷ lệ ca nhiễm mới COVID-19 thấp kể từ tháng 3/2020, nhưng lại bị hạn chế bởi tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 là 1,9%. WB dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2021 sẽ đạt 7,9%, so với mức 8,2% của IMF.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhu cầu trong nước của Trung Quốc trong năm 2021 sẽ có không gian để tăng trưởng, khi người tiêu dùng hướng tới việc chi tiêu vượt số tiết kiệm tích lũy được trong năm 2020, và khi niềm tin vào khả năng kiềm chế dịch COVID-19 của Trung Quốc được củng cố.
Ngày 26/12 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề ra chương trình nghị sự then chốt cho năm mới, đó là thúc đẩy nhu cầu nội địa, xóa bỏ các rào cản để xây dựng một hệ thống sản xuất và phân phối trong nước và cuối cùng thiết lập một thị trường nội địa hùng mạnh.
Ngoài ra, duy trì kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 cũng sẽ vẫn là ưu tiên chính của ông Tập Cận Bình. Ông muốn đảm bảo được sự ổn định trong thời gian tiến tới sự kiện kỷ niệm trọng đại.
Chuyên gia Char cho rằng trên sân khấu toàn cầu, chúng ta cũng có thể kỳ vọng ông Tập Cận Bình tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc và thể hiện Trung Quốc là một đối tác toàn cầu có tinh thần hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt trong thời gian sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng Hai tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận