Những ưu tiên của Singapore trong chính sách tiền tệ
Tháng trước, Chính phủ Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay từ 1,5%-2,5% xuống còn 0%-1%.
Giữa lúc Singapore tiếp tục ghi nhận các số liệu kém khả quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại, với lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng nước này sẽ áp dụng biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Tháng trước, Chính phủ Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay từ 1,5%-2,5% xuống còn 0%-1%.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Singapore nhận định tăng trưởng GDP tại các thị trường chủ chốt của Singapore trong nửa cuối năm 2019 dự kiến sẽ chững lại hoặc giữ nguyên mức tăng trưởng của nửa đầu năm.
Bộ này dẫn hàng loạt rủi ro kinh tế ngày càng lớn, trong đó có tranh chấp thương mại Nhật Bản-Hàn Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Singapore đã chịu tác động mạnh bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm gián đoạn chuỗi nguồn cung toàn cầu, giáng mạnh vào đầu tư doanh nghiệp và lợi nhuận tập đoàn. Người đứng đầu bộ phận tài chính và chiến lược ngân hàng OCBC Selena Ling cảnh báo tất cả các rủi ro đang tập trung vào lĩnh vực thương mại.
Cơ quan Enterprise Singapore cho hay các đơn hàng đối với sản phẩm xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) trong quý II/2019 của nước này đã giảm tới 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức suy giảm mạnh, cao hơn rất nhiều so với mức giảm 6,4% trong quý I và đánh dấu quý thứ ba liên tiếp các đơn hàng cho sản phẩm NODX giảm sút.
Enterprise Singapore cũng hạ dự báo tăng trưởng của lĩnh vực trên xuống còn từ -9% đến -8% trong cả năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo từ -2% đến 0% được đưa ra sau số liệu quý I vừa qua.
Trong khi đó, mức lạm phát cơ bản trong tháng Bảy của "đảo quốc sư tử" đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và dưới mức dự báo của các nhà kinh tế. Thông báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương – MAS) cho biết lạm phát cơ bản - không bao gồm các chi phí đi lại và chỗ ở tư nhân - đã giảm còn 0,8% trong tháng Bảy.
Trong tháng Bảy, tổng chi phí của các mặt hàng bán lẻ giảm 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược mức tăng 0,4% trong tháng Sáu. Chi phí điện và gas đã giảm 7,0% so với năm ngoái.
Lạm phát cơ bản là thước đo giá ưu tiên của MAS trong việc thiết lập chính sách tiền tệ của nước này. Các nhà kinh tế trước đây cho rằng Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng Mười tới. Động thái này dường như ngày càng có khả năng xảy ra trong bối cảnh những con số lạm phát mới nhất và triển vọng kinh tế có phần tiêu cực hơn.
Đầu tháng Tám, Singapore đã cắt giảm từ 0% đến 1% mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, xuống còn 1,5-2,5% và dự báo các mặt hàng xuất khẩu phi dầu mỏ sẽ tăng trưởng âm từ -9% đến -8%.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng MAS trong thời gian tới sẽ hạ thấp giá trị đồng đô la Singapore (SGD), nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ tại nước này.
MAS thường sử dụng biện pháp điều chỉnh tỷ giá hối đoái làm công cụ chính sách tiền tệ chính để cân bằng giữa lạm phát từ bên ngoài và tăng trưởng kinh tế. Ngày 14/10 là thời điểm muộn nhất cơ quan này phải công bố quyết định chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia kinh tế từ nhiều tổ chức tài chính cho rằng, MAS có thể sẽ tính toán để đạt mức tăng hàng năm 0,5% của đồng SGD, giảm một nửa so với ước tính hiện tại là 1%.
Chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin của Maybank Kim Eng cho rằng, mặc dù Singapore nhiều khả năng sẽ thoát khỏi nguy cơ suy thoái kỹ thuật, nhưng tăng trưởng còn yếu.
Theo dự báo, kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng khoảng 0,2% trong quý III/2019, nhỉnh hơn đôi chút so với mức tăng 0,1% của quý II/2019. Theo chuyên gia này, một số ngân hàng trung ương trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cũng đã cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia về chính sách tiền tệ Terence Wu của ngân hàng OCBC cho rằng, hiện tại sự tập trung chú ý chính của thị trường đã chuyển từ câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có cắt giảm lãi suất hay không sang vấn đề các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất vào thời điểm nào và mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu.
Các nhà phân tích Brian Tan, Ashish Agrawal và Abbas Keshvani của Barclays cũng cho rằng kinh tế Singapore đã được chứng minh là có nền tảng vững chắc hơn so với đánh giá của MAS, khi cơ quan này giữ nguyên chính sách ngoại hối vào tháng Tư vừa qua.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra từ từ. Các nhà phân tích của Barclays đánh giá trong bối cảnh triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung và tiến trình Brexit không mấy sáng sủa, MAS sẽ muốn duy trì lựa chọn hạ thấp giá trị đồng SGD vào tháng Tư năm sau.
Theo các chuyên gia này, các quan chức chính phủ Singapore có thể mong đợi nền kinh tế sẽ ổn định trong năm tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận