menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Trung Thu

Những trở ngại đối với tham vọng nội địa hóa sản phẩm của Hàn Quốc

Thời báo Hàn Quốc mới đây đăng bài xã luận về nỗ lực nội địa hóa sản phẩm của Hàn Quốc và cho rằng việc thay thế nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước nói dễ hơn làm.

Nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc đã bày tỏ quyết tâm nội địa hóa các nguyên liệu, linh kiện và thiết bị thiết yếu càng sớm càng tốt.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki ngày 18/7 tuyên bố: "Để đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra các biện pháp để tăng cường sức cạnh tranh của các nguyên liệu, linh kiện và thiết bị chính trong tháng này và đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa chúng".

Các chính phủ của Hàn Quốc đã liên tục thúc đẩy việc nội địa hóa các mặt hàng chủ chốt như vậy từ thập niên 1980, song không mang lại kết quả khả quan.

Thất bại không chỉ vì Hàn Quốc thiếu công nghệ cũng như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R & D), mà bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc thấy việc mua các sản phẩm này từ các nhà cung cấp nước ngoài thay vì phải chật vật để phát triển chúng sẽ kinh tế hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không còn có thể dựa vào nguồn cung quốc tế này với hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản. Tranh chấp thương mại đang diễn ra sẽ là cơ hội để các công ty Hàn Quốc thức tỉnh với thực tế khắc nghiệt.

Nếu Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" các quốc gia được hưởng chế độ ưu đãi liên quan đến 1.100 nguyên liệu và linh kiện cốt lõi, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ khó mua được chúng. Tất cả điều này cho thấy Hàn Quốc phải thiết lập một hệ thống cung cấp nguyên liệu và linh kiện trong nước bằng mọi cách.

Vấn đề là liệu các công ty Hàn Quốc có thể thực hiện đầu tư cho nghiên cứu và phát triển liên tục và nhanh chóng thương mại hóa các công nghệ phát triển hay không. Mục tiêu này sẽ khó thực hiện nếu chỉ bỏ mặc cho các công ty đơn lẻ. Chính phủ, các doanh nghiệp lớn và các nhà cung cấp vừa và nhỏ của các tập đoàn sẽ phải cùng nhau nỗ lực.

Chính phủ Hàn Quốc đã phạm sai lầm trong việc cắt giảm chi tiêu nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn từ 136 tỷ won (115,4 triệu USD) trong năm 2009 xuống còn hơn 10 tỷ won trong năm 2016. Nếu nhà nước tiếp tục mở rộng đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đã giảm được sự phụ thuộc đáng kể vào các nhà cung cấp Nhật Bản.

Chính phủ khó có thể cáng đáng được việc để lặp lại sai lầm như vậy. Lần này, các nhà hoạch định chính sách nên thúc đẩy nỗ lực nội địa hóa với sự kiên trì. Do vậy việc nội địa hóa nguyên liệu và các linh kiện nói dễ hơn làm.

Căng thẳng giữa hai nước leo thang nhanh chóng khi Nhật Bản hôm 4/7 tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình của điện thoại thông minh do Hàn Quốc sản xuất.

Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cáo buộc Tokyo trả đũa các phán quyết của tòa yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Nhật Bản khẳng định mọi đòi hỏi phát sinh từ thời kỳ thuộc địa đã được giải quyết bằng thỏa thuận bình thường hoá quan hệ giữa hai nước được ký vào năm 1965 trong đó Tokyo đã bồi thường cho Seoul bằng hình thức hỗ trợ tài chính và cho vay vốn tổng trị giá 800 triệu USD.

Tokyo đã viện dẫn những mối quan ngại an ninh quốc gia phát sinh từ “sự quản lý không thỏa đáng” của Seoul về hoạt động xuất khẩu các chất hóa học nhạy cảm, trong đó có hydro clorua vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học mà các nước chịu án phạt quốc tế có thể sử dụng đến như Triều Tiên.

Các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix phụ thuộc vào nguồn cung vật liệu của Nhật Bản để sản xuất chip và màn hình, để sau đó được bán cho Apple và các hãng công nghệ khác để sử dụng trong điện thoại thông minh.

Theo giới phân tích, do tính phức tạp của mạng lưới chuỗi cung ứng trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ phổ biến nói trên, căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước láng giềng Đông Á này có thể đẩy giá điện thoại thông minh cao hơn đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Troy Stangarone tại Viện Kinh tế Hàn Quốc trụ sở ở Washington cho rằng mặt trái của sự phụ thuộc lẫn nhau bị biến thành thứ vũ khí mà Nhật Bản đang lợi dụng để ép buộc Hàn Quốc chính là việc gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng khi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này bị phá vỡ.

Ông Lloyd Chan thuộc hãng phân tích và dự báo toàn cầu Oxford Economics hy vọng rằng căng thẳng sẽ không leo thang đến mức gây thiệt hại đáng kể đối với hoạt động thương mại, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã và đang đè nặng viễn cảnh thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Sundi Aiyer, Giám đốc quản lý hãng tư vấn chuỗi cung ứng và điều hành Aiyer Group, cho rằng tranh cãi này sẽ đóng vai trò như một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhà sản xuất Hàn Quốc phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nhật Bản./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại