24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Chinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những tiếng "kêu cứu" của doanh nghiệp địa ốc TP.HCM

Mặc dù mới bước vào những ngày đầu xuân năm mới nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP HCM đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều kiến nghị, tiếng kêu cứu của doanh nghiệp địa ốc ở các diễn đàn, hội thảo đã được đề cập. Thế nhưng, những khó khăn của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết, nhiều dự án chưa được khơi thông.

Doanh nghiệp bị "ngáng chân"

Đơn cử như trường hợp dự án Green Star Sky Garden tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát bị vướng hơn 7.000m2 đất công xen cài, trong đó bao gồm đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý.

Do vướng phần đất công xen kẹt nên Hưng Lộc Phát chưa được TP.HCM ra quyết định giao đất và dự án chưa hoàn tất việc chuyển mục đích sử dụng đất mặc dù UBND TP HCM đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư dự án.

Doanh nghiệp này cũng đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đầu tư xây dựng. Đến nay công ty vẫn đang chờ thành phố ký quyết định sử dụng đất nhưng vẫn chưa được. Dự án bị ngưng trệ, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh.

Tương tự, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai “kêu cứu” vì hiện doanh nghiệp này có 12 dự án ở TP HCM đang bị ách tắc, trong đó có dự án vướng do đất nông nghiệp xen cài. Dù không phải đất công, nhưng cũng gặp khó khăn khi chuyển quyền sử dụng đất.

Và mặc dù Quốc Cường Gia Lai đã bỏ tiền làm công viên, nhưng vướng thủ tục pháp lý dẫn tới việc không thể triển khai, khiến dự án phải dừng hoạt động.

Mới đây nhất, Tập đoàn Novaland có Đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà xin tiếp tục được thực hiện dự án khu dân cư tại khu đất 30,224 ha phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM để tránh bị mất thanh khoản. Đây là dự án mà Novaland đã bỏ phải đầu tư 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, việc tạm dừng dự án đang gây khó khăn cho công ty, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Hay như Tập đoàn Đất Xanh, năm 2018 tiến hành san lấp mặt bằng, xin phép phát triển dự án gồm 12 block chung cư tại quận 2, nhưng tới nay dự án này vẫn chưa thể tiến hành xây dựng và mở bán vì đang phải kiểm tra việc chuyển nhượng quỹ đất giữa Đất Xanh và chủ đất trước đó.

Ông Nguyễn Nam Hiền - Phó tổng giám đốc Hung Thinh Corp cho biết, trong những năm 2014 - 2017, doanh nghiệp này mỗi năm đưa ra thị trường bất động sản TP HCM ít nhất 6 dự án chung cư, thế nhưng năm 2018, doanh nghiệp này chỉ đưa ra thị trường 1 dự án và năm 2019 cũng vậy.

Theo ông Hiền, thị trường bất động sản TP HCM trong 2 năm qua gặp vô vàn khó khăn do ách tắc thủ tục hành chính. Việc cơ quan chức năng tăng cường rà soát, ngưng hoặc trì hoãn cấp phép, phê duyệt các bước thủ tục hồ sơ, pháp lý dự án đã khiến nguồn cung sản phẩm đủ điều kiện kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.

"Nếu năm 2020, thị trường không được khơi thông thì sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước bờ vực phá sản”, ông Hiền nói.

Do… “đá bóng trách nhiệm”?

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có khoảng 130 dự án nhà ở có đất hỗn hợp xen cài do Nhà nước quản lý đã được UBND TP HCM ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, nhưng hiện tại đang phải dừng lại với lý do chưa đảm bảo đúng các thủ tục hành chính.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2020, thị trường bất động sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án, hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản giảm.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án trên thực tế đã bị siết chặt, dẫn đến các doanh nghiệp có quỹ đất nhưng cũng không thể triển khai dự án dù thị trường đang rất cần.

Và trên thực tế rất nhiều những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý mà rất nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị nhưng dường như vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Và lo ngại tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản bị “đá bóng trách nhiệm” khiến thị trường chững lại là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thừa nhận, 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều dự án nhà ở bị đình trệ, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Cùng mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP HCM lại bị vướng, tuy nhiên tại các địa phương khác lại không bị. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt, là chưa đảm bảo tính công bằng.

"Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ phá sản" - ông Châu khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.

Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Tại TP HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Tháng 03/2019, Lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả