Những thương vụ 'bán mình' của các công ty tài chính Việt
Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 15 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá là miếng bánh béo bở đối với các nhà đầu tư ngoại.
Tập đoàn Home Credit vừa công bố chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho ngân hàng Thái Lan The Siam Commercial Bank Public Company (SCB), thành viên của SCBX Public Company (SCBX). Thỏa thuận chuyển nhượng được xác định trị giá khoảng 800 triệu euro (tương đương 865 triệu USD).
Quá trình chuyển giao dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và Thái Lan.
Home Credit Việt Nam là công ty tài chính thuộc sở hữu Tập đoàn đầu tư quốc tế PPF, bắt đầu hoạt động năm 2009. Công ty cho vay tiêu dùng này hiện chiếm 14% thị phần, đứng thứ hai tại Việt Nam (sau FE Credit).
Những thương vụ trăm triệu đến cả tỷ USD
Thương vụ bán mình của công ty tài chính lớn thứ hai Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đây vẫn là mảng kinh doanh hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường này cũng trở nên sôi nổi hơn.
Trước Home Credit Việt Nam, thị trường đã ghi nhận nhiều thương vụ triệu USD, thậm chí tỷ USD trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Gần nhất là thương vụ VPBank bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC thuộc SMFG (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD, tương đương định giá 2,8 tỷ USD cho công ty tài chính tiêu dùng này.
Tương tự, SHB cũng đã chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho đối tác Krungsri - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) với giá 156 triệu USD.
Trước đó, một loạt thương vụ bán mình của các công ty tài chính tiêu dùng cũng diễn ra như Techcombank bán 100% vốn Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte; MB bán 49% vốn ở MCredit cho Shinsei Bank; SeABank chuyển nhượng 100% vốn Công ty tài chính PTF cho AEON Financial.
Thông qua công ty con Shinhan Card, Tập đoàn Shinhan cũng đã mua lại toàn bộ Công ty tài chính Prudential Việt Nam; hay như Tập đoàn tài chính Credit Saison của Nhật Bản cũng đã có thương vụ mua lại 49% vốn góp của HDBank tại Công ty tài chính HDFinance (đổi tên thành HD SAISON Finance).
Xét về giá, định giá các công ty tài chính có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Các thương vụ chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng diễn ra sôi nổi những năm gần đây.
Đôi bên cùng “có lợi"
Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 15 năm, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá là miếng bánh béo bở đối với các nhà đầu tư ngoại.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam đang nổi lên thành một "điểm sáng" thu hút mọi ánh nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng thì nhận định cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn tạm thời, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Về phía nhà đầu tư ngoại, Ngân hàng Kasikorn (KBank) của Thái Lan cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong mảng tín dụng với hơn 100 triệu dân, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh. Ước tính hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng, mức cao nhất trong khu vực châu Á giúp dư địa khai thác còn rất lớn.
Còn đối với các ngân hàng, nhìn vào các thương vụ chuyển nhượng vốn thành công trước đó có thể thấy, nguồn tiền thu được từ việc chuyển nhượng vốn điều lệ các công ty tài chính đã giúp ngân hàng mẹ tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận