24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những sự trùng hợp trong vụ làm giá cổ phiếu BNA và FIR

Cổ phiếu BNAFIR bị làm giá trong khoảng thời gian doanh nghiệp triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu huy động vốn. Cổ phiếu tăng giá mạnh và cao hơn rất nhiều mức giá doanh nghiệp chào bán cho cổ đông hiện hữu.

UBCKNN vừa công bố án phạt 1,5 tỷ đồng với cá nhân Nguyễn Hữu Đức do đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư khác để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu FIR của Công ty cổ phần Địa ốc First Real nằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá.

Ngoài bị phạt hành chính, ông Đức còn bị áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 8/11, cấm đảm nhiệm chức vụ tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Thơm cũng nhận án phạt tương tự khi có hành vi làm giá cổ phiếu BNA của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc.

Trong cả 2 trường hợp, theo UBCKNN, kết quả kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của bà Thơm và ông Đức cho thấy không có khoản thu trái pháp luật.

Nhìn lại diễn biến cổ phiếu vào khoảng thời gian bị thao túng giá, điểm trùng hợp thú vị là cả FIR và BNA đều giá tăng rất mạnh kèm việc doanh nghiệp triển khai phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Cụ thể, cổ phiếu FIR bị thao túng giá từ ngày 4/1/2022 đến ngày 17/6/2022. Đây thời điểm doanh nghiệp triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông. Cụ thể, cuối năm 2021, Địa ốc First Real công bố phương án chào bán 13,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2:1. Giá chào bán 15.000 đồng/cp trong khi giá FIR thời điểm đó ở vùng 40.000 đồng/cp.

Đồng thời, tại thời điểm chốt quyền chào bán (13/5/2022), công ty thực hiện trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%. Kết hợp với việc cổ phiếu tiếp tục tăng từ vùng 40.000 đồng/cp lên vùng 56.700 đồng/cp khiến cho mức giá công ty chào bán cho cổ đông hiện hữu 15.000 đồng/cp càng trở nên hấp dẫn. Kết quả, phương án huy động vốn được hoàn tất vào giữa tháng 6/2022, tỷ lệ cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua là 99%.

Mô típ tương tự cũng bắt gặp tại trường hợp cổ phiếu BNA của Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc. Mã chứng khoán BNA bị làm giá từ 12/10/2020 đến 6/10/2021, tức ngay từ thời điểm mới được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cổ phiếu đã bị làm giá.

Trong khoảng thời gian này, công ty chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn mạnh từ 80 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng thông qua thưởng cổ phiếu (20%), chia cổ tức cổ phiếu (30%) và chào bán cho cổ đông (100%) giá 20.000 đồng/cp. Các phương án được thực hiện đồng thời và chốt danh sách cổ đông cùng 1 ngày (8/10/2021).

Doanh nghiệp đưa ra giá chào bán chỉ 20.000 đồng/cp, trong khi thị giá BNA tại ngày chốt quyền đạt 68.000 đồng/cp gấp 3,4 lần trong vòng 1 năm. Kết quả, 98,6% cổ phiếu đã được cổ đông hiện hữu mua hết và chỉ 1,77% phân phối cho đối tượng khác. Thời điểm kết thúc đợt chào bán là 19/11/2021.

Nỗ lực để thị trường chứng khoán phát triển đúng hướng

Nhìn chung, tôn chỉ phát triển thị trường chứng khoán là trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn nên việc doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán để huy động vốn hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh 2021 và nửa đầu 2022, giai đoạn tiền rẻ, nguồn vốn không thể đổ vào sản xuất do dịch bệnh nên tìm đến kênh đầu tư trên thị trường tài chính. Theo đó, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đã “ồ ạt” tranh thủ thời cơ để chào bán cổ phiếu ra công chúng, chào bán riêng lẻ tăng vốn.

Trước sức nóng trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ra chỉ thị tăng cường quản ký, kiểm tra, giám sát quá trình tăng vốn của công ty đại chúng. Mục tiêu là đảm bảo quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của công ty đại chúng diễn ra nghiêm túc, thực chất, hạn chế tối đa tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng…

Không chỉ hoạt động tăng vốn mà hoạt động đăng ký niêm yết cũng được yêu cầu thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng...

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giao cho các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe như rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
5.00 -0.25 (-4.76%)
11.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả