Những sự kiện và thông tin mà NĐT chứng khoán không nên bỏ qua trong tuần này
Sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ cho thấy có khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào dữ liệu kinh tế cũng như báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp để đánh giá lộ trình tương lai của chính sách tiền tệ.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ mùa báo cáo
Mùa báo cáo KQKD của các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục ở giai đoạn cao điểm, và kết quả trong tuần này sẽ giúp xác định liệu đợt tăng giá này có tiếp tục đưa cổ phiếu lên mức cao kỷ lục hay không.
Chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục mới vào thứ Sáu (2/1) nhờ vào giá các cổ phiếu Meta Platforms và Amazon tăng vọt tăng lần lượt 20% và 8% sau khi các công ty công bố báo cáo KQKD năm 2023.
Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Dữ liệu kinh tế Mỹ sẽ trầm lắng hơn đáng kể sau một tuần bận rộn, bao gồm báo cáo việc làm tháng 1 và cuộc họp đầu tiên trong năm của Fed.
Điểm dữ liệu chính cần theo dõi là chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của tháng 1 được công bố vào thứ Hai (5/2), trong đó các nhà kinh tế kỳ vọng hoạt động trong lĩnh vực này sẽ khởi sắc vào đầu năm. Bộ Lao động sẽ công bố báo cáo hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào thứ Năm (8/2).
Các nhà đầu tư cũng sẽ được nghe ý kiến từ một số quan chức Fed trong tuần, bao gồm Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, Thống đốc Adriana Kugler, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin và Thống đốc Michelle Bowman.
Giá dầu
Giá dầu đã giảm khoảng 7% trong tuần qua do các nhà đầu tư điều chỉnh lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất ngắn hạn từ Fed, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.
Nhưng những lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông dường như vẫn còn hiện hữu sau khi Mỹ bắt đầu tấn công trả đũa nhằm vào các phiến quân đã gây ra những căng thẳng ở Biển Đỏ.
Mỹ và Anh cũng tiến hành một đợt tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen vào thứ Bảy (3/2) sau các cuộc tấn công liên tục vào các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ, vốn là chìa khóa cho dòng chảy năng lượng toàn cầu. Đây là sự leo thang mới nhất trong một cuộc xung đột đã lan sang Trung Đông kể từ ngày 7/10.
Dữ liệu lạm phát của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào thứ Năm (8/2), dữ liệu này dự kiến sẽ cho thấy áp lực giảm phát đã gia tăng, với các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 sẽ ở mức âm 0,5% so với mức âm 0,3% của tháng trước.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn do nhu cầu yếu kéo dài, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và tâm lý nhà đầu tư mong manh.
Thị trường Trung Quốc đã có một khởi đầu năm mới đầy ảm đạm. Chỉ số CSI 300 kết thúc tháng 1 với mức giảm 6%, đánh dấu chuỗi giảm kỷ lục kéo dài 6 tháng.
Khi Tết Nguyên đán sắp đến, một số nhà đầu tư đang kỳ vọng làn sóng du lịch cao điểm hàng năm có thể là một cú hích cho nền kinh tế.
Cuộc họp của ngân hàng trung ương Úc (RBA)
RBA dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất khi tổ chức cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm vào thứ Ba (6/2) sau khi lạm phát trong quý IV chậm hơn dự kiến đã khiến thị trường đưa ra kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất.
Lạm phát giá tiêu dùng của Úc đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong hai năm trong quý 4, trong khi lạm phát cơ bản giảm mạnh đã thúc đẩy kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất vào tháng 5 hoặc tháng 6.
RBA đã tăng lãi suất thêm 425 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 12 năm là 4,35% kể từ tháng 5/2022 để kiềm chế giá cả tăng vọt. Ngân hàng trung ương cũng để ngỏ khả năng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu cần thiết để đáp ứng mục tiêu lạm phát hàng năm là 2-3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận