Những sự kiện, thông tin đáng chú ý trong tuần từ 12-18/10
Trong tuần từ ngày 12-18/10/2020, có một số thông tin có thể ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý.
Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội và TP.HCM
Trong tuần này diễn ra sự kiện chính trị lớn tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, từ ngày 11-13/10 diễn ra Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay sau đó, từ ngày 14 - 18/10 sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ TP. HCM XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Nên, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng đã được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 và giới thiệu để Ban chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phiên họp 49 của Thường vụ Quốc hội
Từ chiều ngày 12/10 đến sáng ngày 15/10/2020, phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); cho ý kiến về việc giải thích nội dung điểm a, khoản 3 của Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021.
Đón đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 cập cảng TP.HCM
Ngày 13/10, lãnh đạo TP.HCM sẽ dự Lễ đón đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro số 1 cập cảng. Đây là đoàn tàu ba toa xe trong tổng số 17 đoàn tàu, dài 61,5 m. Tốc độ di chuyển đoạn trên cao đạt 110 km/h, đoạn ngầm đạt 80 km/h. Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng.
Tuyến metro số 1 là dự án giao thông trọng điểm đặc biệt quan trọng của TP.HCM. Với việc đón đoàn tàu đầu tiên, dự án tuyến này được kỳ vọng sẽ đi vào vận hành từ 2021, giúp người dân từ trung tâm Thành phố đi quận 2, quận 9 và ngược lại thuận tiện hơn, giảm xe cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc khu vực.
Ngoài tuyến metro số 1, TP.HCM còn triển khai hàng loạt tuyến metro khác như metro số 2, số 3, số 5, số 6.
Tăng giá xăng dầu
Vào lúc 15h00 ngày 12/10/2020, giá xăng dầu được điều chỉnh. Theo đó, xăng E5RON92 không cao hơn 14.268 đồng/lít (tăng 53 đồng/lít so với giá hiện hành). Xăng RON95-III không cao hơn 15.122 đồng/lít (tăng 138 đồng/lít so với giá hiện hành). Dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.128 đồng/lít (giữ ổn định so với giá hiện hành). Dầu hỏa không cao hơn 9.594 đồng/lít (tăng 145 đồng/lít so với giá hiện hành)…
Trên thị trường thế giới, giá dầu ngày 12/10 tiếp tục giảm trong bối cảnh các hoạt động khai thác dầu khí ở vịnh Mexico và Na Uy được nối lại, làm tăng nguồn cung dầu trên thị trường. Bão Delta, cơn bão được ghi nhận tác động mạnh nhất đến hoạt động khai thác năng lượng tại Vịnh Mexico trong 15 trở lại đây, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và các công nhân đã trở lại các cơ sở sản xuất dầu.
Giá xăng dầu ở thị trường trong nước có thể sẽ chịu ảnh hưởng của diễn biến mới này trong lần điều chỉnh tới.
Kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Trong dự thảo tờ trình Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất quy định các mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Từ ngày 1/1/2015, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Doanh nghiệp ngành phân bón như Đạm Cà Mau từng nhiều lần phản ánh về việc quy định này khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Do vậy, phân bón trong nước khó cạnh tranh được so với phân bón nhập khẩu.
Nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 như đề xuất của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phân bón trên sàn niêm yết như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận từ năm sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận