Những sự kiện tài chính quan trọng tuần này: Lạm phát, lãi suất và cơn sốt giá dầu
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần này.
ECB đau đầu với quyết định lãi suất trong kỳ họp ngày 14/9
Lãi suất của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng 125 điểm cơ bản chỉ trong vòng một năm. Lạm phát của khu vực châu Âu hiện đã giảm xuống chỉ còn hơn 5% từ mức gần 12% vào tháng 10 năm ngoái, nhưng ECB vẫn chưa thể ngơi nghỉ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của khu vực đồng euro đang chậm lại nhanh chóng, báo hiệu sự trì trệ, trong khi tốc độ tăng lãi suất kỷ lục đang gây áp lực lên các điều kiện tài chính.
Điều đó khiến cho câu hỏi ECB sẽ tăng lãi suất hay không trong cuộc họp tuần tới trở nên hóc búa, khiến các nhà giao dịch đặt cược vào khoảng 40% khả năng ECB sẽ tăng lãi suất và 60% khả năng tạm dừng trong phiên họp vào thứ Năm (14/9).
Các nhà hoạch định chính sách ECB đang gửi đi những tín hiệu lẫn lộn. Phe muốn ngừng tăng kêu gọi ECB hãy thận trong khi quyết định tăng lãi suất tiếp, trong khi những người ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt nói rằng việc tạm dừng không phải là một thỏa thuận đã xong, nhưng cũng chưa kêu gọi tăng lãi suất một cách rõ ràng.
Lạm phát của Mỹ có ở mức 0,5% hay không?
Thị trường chứng khoán đang tăng cao nhờ câu chuyện Goldilocks về lạm phát của Mỹ giảm và kinh tế tăng trưởng bền vững, được khích lệ bởi báo cáo việc làm tháng 8 cho thấy điều kiện thị trường lao động Mỹ đang giảm bớt nhưng không tới mức đáng báo động.
Dữ liệu lạm phát tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư (13/9), tiếp theo là chỉ số giá sản xuất và doanh số bán lẻ công bố một ngày sau đó.
Nếu lạm phát tháng 8 cao hơn nhiều so với con số 0,5% mà các nhà kinh tế dự đoán thì có thể làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Trái lại, nếu dữ liệu thực tế giảm mạnh có thể làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng đang chậm lại quá nhanh sau khi Fed tăng lãi suất.
Goldman Sachs hạ xác suất dự báo về suy thoái ở Mỹ trong năm tới từ 20% xuống 15%.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu chuyển mình?
Áp lực buộc Trung Quốc phải tăng cường kích thích khiến các nhà đầu tư thất vọng với các động thái của ngân hàng trung ương nước này cho đến nay.
Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tuần vào thứ Năm (7/9), sau dữ liệu thương mại ảm đạm.
Khủng hoảng kinh tế đã làm giảm giá đồng nhân dân tệ, giảm xuống dưới 7,3 CNY/USD, cản trở nỗ lực của ngân hàng trung ương nước này nhằm hỗ trợ nội tệ.
Mọi dữ liệu về Trung Quốc hiện đều đang được theo dõi chặt chẽ. Trung Quốc vừa công bố dữ liệu về giá tiêu dùng và giá xuất xưởng, theo đó chỉ số CPI chuyển biến tích cực với mức tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng khá mạnh so với mức âm 0,3% của tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, CPI tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 15/9, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ.
Vương quốc Anh vẫn đau đầu với lạm phát
Trọng tâm của thị trường việc làm chính là tăng trưởng số lượng việc làm. Điều này không xảy ra nhiều ở Anh, nơi tiền lương là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh đau đầu hơn nhiều.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh chỉ cao hơn chút ít so mức thấp nhất trong 48 năm của năm ngoái, cho thấy thị trường việc làm đang yếu đi, trong khi thu nhập cơ bản đang tăng với tốc độ kỷ lục.
Người lao động đang chứng kiến lương thực tế tăng lần đầu tiên sau hai năm, mặc dù chỉ ở mức 0,1%. Tin tốt cho những ai đang thanh toán hóa đơn, tin xấu cho những ai đang cố gắng kiềm chế lạm phát.
Câu hỏi mà BoE sẽ phải trả lời vào ngày 12 tháng 9, khi số lượng việc làm trong tháng 8 được công bố, là làm thế nào để đưa “thần đèn” lạm phát trở lại mức bình thường.
Cơn sốt dầu mỏ
Giá dầu thô Brent đã vượt qua mức trên 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2022 khi Saudi Arabia và Nga có vẻ sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm dầu tự nguyện đến cuối năm.
Cả hai nhà sản xuất dầu này sẽ xem xét các quyết định của mình hàng tháng để xem nên cắt giảm sâu hơn hoặc tăng sản lượng, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tăng giá hơn nữa có thể gặp trở ngại do nhu cầu có thể giảm khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ bước vào giai đoạn bảo trì từ tháng 9 đến tháng 10 và khi nguồn cung từ Iran, Venezuela và Libya có khả năng tăng lên.
Đối với các nhà hoạch định chính sách đang trông chờ vào áp lực giá giảm nhanh, giá dầu tăng trở lại là vấn đề đối với lạm phát trong tương lai. Vào cuối tháng 6, giá dầu đã giảm khoảng 17% so với đầu năm, nhưng hiện tại đã tăng khoảng 4% so với đầu năm và đang tiếp tục tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận