Những sự kiện nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý trong tuần này
Thị trường chứng khoán nhìn chung đã hồi phục trong tuần qua sau quyết định ngừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kỳ vọng Fed sẽ có không gian nới lỏng chính sách tiền tệ sau dữ liệu việc làm không đạt kỳ vọng.
Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh
Chỉ số S&P 500 đã tăng vọt vào thứ Sáu (ngày 3/11) và kéo dài đà tăng trong tuần qua lên 6%, sau khi báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ cho thấy thị trường lao động nới lỏng phần nào, điều này có thể giúp Fed có nhiều không gian hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc bổ sung 150.000 việc làm vào tháng 10 là thấp hơn so với con số 180.000 việc làm mà các nhà kinh tế mong đợi, trong đó gần như toàn bộ số việc làm bị thiếu hụt là do các cuộc đình công ở ba nhà sản xuất ô tô lớn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,8% lên 3,9% và mức tăng lương giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Dữ liệu đã giảm áp lực lên lãi suất và Fed, bằng chứng là lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm tới 17 điểm cơ bản xuống chỉ dưới 4,5%, khác xa so với mức 5% chỉ hơn một tuần trước.
Sau phiên họp kéo dài hai ngày trong tuần qua, Fed đã tuyên bố không tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động nước này tiếp tục có các dấu hiệu ổn định tích cực.
“Chúng tôi cam kết đạt được lập trường về chính sách tiền tệ đủ hạn chế, đưa lạm phát xuống mức 2% một cách bền vững theo thời gian và duy trì chính sách hạn chế cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đang trên đường đạt được mục tiêu đó”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết.
“Tin tốt ở đây là sự suy thoái có thể sẽ khiến Fed đứng ngoài cuộc. Một trong những mối lo ngại chính của họ là nền kinh tế quá nóng, đặc biệt là sau mức tăng trưởng GDP quý trước và điều này cho thấy vấn đề đó đang biến mất”, Brad McMillan, CIO của Commonwealth Financial Network cho biết.
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Vào thứ Ba (ngày 7/11) , Fed New York sẽ công bố báo cáo hàng quý về nợ và tín dụng của hộ gia đình, đánh giá tình trạng tài chính của các hộ gia đình Mỹ trong quý ba. Nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 17.060 tỷ USD trong quý hai, do nợ thẻ tín dụng cao hơn khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mức 1.000 tỷ USD.
Người tiêu dùng ngày càng dựa vào thẻ tín dụng để tài trợ cho việc mua hàng của mình trong bối cảnh lạm phát cao kéo dài.
Vào thứ Sáu (ngày 10/11), Đại học Michigan sẽ phát hành bản cập nhật sơ bộ tháng 11 về Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng, thước đo tâm lý theo dõi nhận thức của người tiêu dùng về tài chính của chính họ và nền kinh tế rộng chung cùng với những kỳ vọng về tương lai.
Trung Quốc đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính phủ
Hôm Chủ nhật (ngày 5/11), hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính phủ.
Tân Hoa Xã cho biết Bộ Tài chính sẽ liên tục thúc đẩy việc giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương và tăng cường nỗ lực tận dụng tốt hơn vai trò của trái phiếu đặc biệt để thúc đẩy nền kinh tế.
Tân Bộ trưởng Tài chính Lan Foan cho biết: “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động, tập trung nâng cao hiệu quả và phát huy tốt hơn hiệu quả của chính sách tài khóa”.
Ông cho biết, một số hạn mức nợ mới của chính quyền địa phương cho năm 2024 đã được ban hành trước để đảm bảo hợp lý nhu cầu tài chính của địa phương.
Ấn Độ gia hạn chương trình ngũ cốc miễn phí thêm 5 năm
Hôm thứ Bảy (ngày 4/11), Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ đang có kế hoạch gia hạn chương trình ngũ cốc miễn phí thêm 5 năm, khi chính phủ cố gắng bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá ngũ cốc tăng trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Việc gia hạn sẽ mang lại sự trợ giúp cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ dẫn đến chi tiêu của chính phủ cao hơn và yêu cầu Ấn Độ phải mua thêm lúa mì và gạo từ nông dân để duy trì chương trình phúc lợi cung cấp ngũ cốc miễn phí cho hơn 800 triệu người.
Chương trình ngũ cốc ước tính tiêu tốn của chính phủ khoảng 2.000 tỷ rupee (24,06 tỷ USD) trong năm nay và sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Ấn Độ - nước sản xuất lúa mì và gạo lớn thứ hai thế giới - đã hạn chế xuất khẩu cả hai loại ngũ cốc này để kiềm chế giá cả tăng cao trong nước.
Lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm nay, làm tăng triển vọng Ấn Độ sẽ gia hạn hạn chế xuất khẩu ngũ cốc để kiểm soát giá lương thực trong nước trước cuộc bầu cử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận