Những sáng tạo của Đặng Lê Nguyên Vũ và góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi
“Có nhiều người giúp người khác khởi nghiệp bằng cách chia sẻ kinh nghiệm khi gặp gỡ, hướng dẫn hoặc cả giúp vốn đầu tư, nhưng như vậy chỉ được một lượng nhất định. Đặng Lê Nguyên Vũ hướng đến cách làm đại trà để giúp được nhiều người…”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận định như vậy khi nói về Hành trình Trái tim và Đặng Lê Nguyên Vũ.
Không chỉ là giới trẻ, càng là người có địa vị cao càng nên đọc 5 cuốn sách "nền tảng đổi đời"
Trương Thu Hường: Thưa bà, rất vui vì bà đã nhận lời phỏng vấn về Hành trình tặng sách với "tuổi đời" 10 năm của Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Giữa thời buổi mà nhiều người nghĩ, sách đã hiện hữu ở khắp mọi nơi hoặc thế giới internet đang mở ra muôn vàn thông tin phong phú thì Hành trình Từ Trái Tim vẫn lặn lội với những bước chân rất thật đi tặng sách khắp cả nước.
Cùng với chương trình tặng sách tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn nhiều tỉnh thành, năm nay, Hành trình đã đi qua toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến với những buôn làng xa xôi nhất, tiếp tục đặt chân tới các hải đảo và dự kiến còn đi tới vùng sông Mê Kông. Trong khoảng thời gian không dài, chỉ cần nhìn vào hành trình đã đi qua cũng đủ thấy sự nỗ lực, vất vả của Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, tôi rất muốn biết một chuyên gia kinh tế có sức ảnh hưởng như bà, khi đứng ở ngoài nhìn vào sẽ có đánh giá như thế nào về chương trình này?
Có thể nói, Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên nghĩ ra cách chia sẻ bằng hình thức tặng sách. Đây là cách làm không chỉ giúp mở mang tri thức mà còn hướng con người ta về cái thiện.
Những cuốn sách mà Vũ lựa chọn (Đắc Nhân Tâm, Nghĩ giàu Làm giàu, Không bao giờ thất bại Tất cả là thử thách, Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp) rất giàu giá trị đạo đức và có thể gọi đó là những cuốn sách dạy làm người.
Câu chuyện truyền tải trong 5 cuốn ấy đều nhẹ nhàng, dễ hiểu chứ không nặng nề như một bài giảng đạo đức hoặc những quy chuẩn đặt ra trong xã hội. Bộ sách nền tảng đổi đời này giúp chúng ta hiểu thế nào là đạo đức, thế nào là cách sống tốt trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương như hiện nay.
Lấy ví dụ như cuốn Đắc Nhân Tâm, tôi nghĩ đây là cuốn sách tất cả chúng ta phải đọc suốt đời. Xã hội bây giờ nhiều người có cách cư xử kỳ lạ quá, họ coi thường người khác, thô bạo, chửi tục, nói thề... Vậy thì chúng ta nên đọc Đắc Nhân Tâm để biết cách ứng xử.
Nhiều người nói Đắc Nhân Tâm là sách dạy thu phục lòng người nhưng tôi nghĩ nó có nhiều giá trị hơn thế. Chúng ta đọc cuốn sách ấy không phải là học cách sống sao cho vừa lòng thiên hạ. Nó dạy chúng ta cách thấu hiểu người khác, sống tốt thật lòng, biết cổ vũ khuyến khích người khác, hiểu và thông cảm cái hạn chế của họ và biết cách khuyên nhủ họ thay đổi.
Tôi biết Vũ muốn hướng vào những người trẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người lớn tuổi, đã thành đạt, ngồi ở vị trí cao trong xã hội vẫn rất cần đọc, hiểu 5 cuốn sách ấy. Nhìn vào bối cảnh xã hội hiện nay, chỉ riêng trong năm 2018 có tới hơn 53.000 người trong bộ máy nhà nước bị xử lý vi phạm, trong đó chủ yếu là tham nhũng, thì chúng ta sẽ thấy càng những người có địa vị càng cần đọc các cuốn sách này đến nhường nào!
Đó cũng là lý do vì sao tôi đánh giá cao ý tưởng của Vũ. Tôi theo dõi Vũ ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp và thấy rằng, anh là người luôn có cách làm sáng tạo. Vũ là một người học Y nhưng lại chọn khởi nghiệp bằng cà phê, sản phẩm của vùng quê Đắk Lắk - Tây Nguyên lúc đó còn rất nghèo. Dù chập chững bước vào con đường kinh doanh nhưng ngay ở thời điểm cách đây 24 năm, Vũ đã chọn con đường khác mọi người. Thay vì buôn cà phê thô hay chỉ bán cà phê rang xay, anh đã làm thêm rất nhiều công việc cho loại nông sản này, biến nó thành tách cà phê đưa đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, giúp họ thưởng thức, nhận biết và yêu thích một sản phẩm thuần Việt.
Vũ đã thực hiện một mô hình kinh doanh mới là nhượng quyền để hình thành chuỗi các hàng cà phê, mô hình lúc đó chưa ai biết đến ở Việt Nam - dù đã phổ biến ở một số nước. Vũ không chỉ tạo giá trị gia tăng cao hơn hẳn cho hạt cà phê, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người, kể cả hàng ngàn chủ doanh nghiệp nhỏ, tạo ra một thương hiệu Việt lớn, đứng vững và phát triển không ngừng. Vũ cũng góp phần khởi đầu cho thói quen mới về dịch vụ và tiêu dùng trong xã hội.
Từ việc khởi nghiệp kinh doanh, Vũ đã có những cách làm sáng tạo như vậy nên sau này khi bắt đầu Hành trình tặng sách cũng thế. Thay vì trực tiếp dạy cho những người trẻ bắt chước một số doanh nghiệp thành công ở Việt Nam về cách làm thương hiệu hay kinh doanh, Vũ đã chọn chuyển giao cho họ kinh nghiệm, tri thức của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã thành công và đúc kết được. Từ đó, mỗi người tự học hỏi và chọn cho mình cách làm tốt nhất.
Thời gian đầu khi mới khởi nghiệp, tôi hiểu Vũ rất vất vả vì anh chưa từng học về kinh doanh. Trong quá trình làm, Vũ đã phải đọc, học và mời rất nhiều người thầy có kinh nghiệm đến giúp đỡ, phát triển ý tưởng của mình. Có lẽ chính vì thế, Vũ muốn giúp người khác ngay từ đầu về tri thức, cách làm, cách sống để họ tự lựa chọn. Bằng những cuốn sách quý như thế, khi đem tặng rộng rãi có thể giúp hàng vạn người khởi nghiệp. Những người đọc sách mà thấm nhuần một cách nghiêm túc thì họ sẽ tự tìm thấy động lực, rút ngắn được đáng kể bỡ ngỡ ban đầu khi bắt tay vào kinh doanh.
Thật ra cũng có nhiều người khác giúp mọi người khởi nghiệp bằng cách chia sẻ kinh nghiệm khi gặp gỡ, hướng dẫn hoặc cả giúp vốn đầu tư, nhưng như vậy chỉ được một lượng nhất định. Ở đây Vũ hướng đến cách làm đại trà và giúp được nhiều người, kể cả những người ban đầu chưa có ý tưởng kinh doanh, hoặc những ai kinh doanh thất bại có thể nản chí. Xã hội khi nhìn vào cũng hiểu thêm về kinh doanh và nhận ra vấn đề được - mất trong mảng này là chuyện bình thường.
Người ham mê đọc sách có nhiều cơ hội thắng được cám dỗ bên ngoài cũng như tham sân si từ bên trong
Trương Thu Hường: Giá trị của 5 cuốn sách này đã được nhân loại thừa nhận rộng rãi. Nhiều tư tưởng tốt đẹp của sách cũng là những điều đã được giảng dạy suốt nhiều năm ở nhà trường. Ví như tinh thần dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, không sợ thất bại… Thế nhưng từ chỗ biết, hiểu, thấm nhuần và vận dụng thành công vẫn là một câu chuyện dài.
Nếu như hệ thống giáo dục của ta, 12 năm phổ thông và 4 năm ĐH vẫn không thể giúp người trẻ đạt đến đỉnh cao thành công thì bà nghĩ, việc tặng thêm 5 cuốn sách này sẽ góp thêm tác dụng gì?
Hãy nhìn vào hệ thống giáo dục của nước ta, 12 năm học phổ thông cộng thêm 4-5 năm đại học cũng chưa chắc giúp được mọi người sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu công việc. Mặt khác, xã hội vẫn còn rất nhiều vấn đề về đạo đức, kể cả trong số những người học hành tử tế. Bằng chứng là vẫn có những em sinh viên lạc lối tham gia vào băng nhóm tội ác hay những người bằng cấp, danh hiệu đầy mình mà có những cách sống, hành vi rất phi đạo đức.
Nói như vậy để thấy vấn đề giáo dục khó đến nhường nào! Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào những điều nhà trường dạy ra rả hằng ngày trong 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học hoặc trông chờ vào sự dạy bảo của gia đình. Chúng ta cần có nhiều công cụ khác nhau cho sự học suốt đời.
Thế nên, tôi rất thích cách dùng sách để giáo dục bởi vì sách là người bạn, người thầy có thể luôn luôn ở bên mình bất cứ lúc nào từ khi còn nhỏ cho đến cuối đời. Thực tế thầy cô, cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta. Thầy cô thì lên lớp theo giờ, cha mẹ thì bận rộn và có khoảng cách thế hệ với con cái.
Đối với bản thân tôi, sách luôn là người thầy, người bạn tâm tình. Sách là người sẵn sàng lắng nghe mình nhiều nhất. Khi mình tìm đọc, học cách giải quyết vấn đề đang suy tư thì sách giống như người kiên trì lắng nghe, sẵn sàng giải đáp giúp mình. Sách lại luôn mở cho mình những chân trời mới, cách nghĩ mới. Và chính những lúc ta cảm thấy cô đơn nhất, thì vẫn có sách ở bên mình, thực sự chia sẻ cùng mình mọi vui buồn, trăn trở, làm lòng mình ấm lên. Còn gì quý bằng!
Đáng tiếc văn hóa đọc sách ở nước ta chưa cao. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rất vui vì nó đang phát triển tốt dần lên và nhiều người trẻ cũng thích đọc sách. Tôi luôn tin những ai thích đọc sách là những người có sự hướng thiện nhiều hơn, khát khao học hỏi và sẵn sàng lắng nghe nhiều hơn cũng như mong muốn hoàn thiện bản thân hơn.
Tôi nghĩ ý tưởng tặng sách và việc đem sách trao tận tay mọi người của Vũ rất đáng quý. Dù vậy, hiệu quả cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào người nhận sách và sử dụng sách như thế nào. Những điều hay điều tốt, đạo lý dạy trong sách có thắng được tham sân si cá nhân hay không, có thắng được ảnh hưởng của môi trường xung quanh đang có nhiều vấn đề tiêu cực, cám dỗ hay không thì đó lại là một câu chuyện khác, cần có sự cố gắng vượt lên chính mình của từng người.
Tôi tin những người trẻ ham đọc sách và có ý thức rằng lúc nào hơi nghiêng ngả, đắn đo thì tìm đến những cuốn sách hay để đọc thì họ luôn có khả năng thắng được cám dỗ bên ngoài cũng như tham sân si từ bên trong. Nếu có sự vững vàng ấy và cộng thêm việc có những cuốn sách giá trị trong tay thì việc tu rèn bản thân sẽ luôn có hiệu quả.
* Đón đọc bài sau: Những sáng tạo của Đặng Lê Nguyên Vũ và góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (kỳ 2)
KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!
Đến nay, “Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã có sự đồng hành của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam… cùng nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế; cùng các cơ quan truyền thông: Một Thế Giới, Thanh Niên, Soha, Tiền Phong…Hành trình đang tiếp tục tổ chức các chương trình hoạt động dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên quân đội…tại hệ thống các trường Đại học, Học Viện, Cao đẳng, phổ thông trung học; hệ thống các nhà thư viện, nhà văn hóa… trên khắp cả nước và vùng biển đảo xa xôi nhất của tổ quốc.
Triệu con tim chung một tấm lòng, vì khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận