menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Bảo

Những sai lầm trong chính sách năng lượng của châu Âu

Theo tạp chí Eurasia Review, giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), có lẽ không vấn đề nào gây chia rẽ như “chính sách năng lượng”.

Tại châu Âu, tất cả các quốc gia hiện đều có chiến lược riêng về năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo để đáp ứng lợi ích quốc gia của họ. Từ Pháp, nước sử dụng hơn 50% năng lượng từ quá trình phân hạch hạt nhân, đến Đức, quốc gia lần lượt đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, trái ngược với lợi ích của các đồng minh khác.

Mỹ cũng đang gây áp lực buộc châu Âu và Đức mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ thay vì ngày càng trở nên phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng nhập khẩu là một vấn đề chiến lược lớn, mà càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu sự điều phối và các chính sách năng lượng đa dạng. Có rủi ro sự phục thuộc này có thể biến thành một cuộc khủng hoảng lớn về nguồn cung năng lượng và giá cả tăng cao.

Châu Âu đã trải qua các thời kỳ khó khăn vào các năm 2006 và 2009, khi Nga cắt xuất khẩu khí đốt sang Ukraine vào thời đúng đỉnh điểm của mùa Đông giá lạnh vì các lý do về vấn đề giá cả và hợp đồng. Châu Âu và Mỹ luôn cáo buộc Nga sử dụng khí đốt và năng lượng làm vũ khí chính trị.

Giờ đây, tranh chấp giữa châu Âu-Mỹ với Nga về sự hiện diện của quân đội Nga ở biên giới Ukraine đã lên đến đỉnh điểm, sự bất ổn và tình trạng thiếu khí đốt đang gây áp lực lên người châu Âu hơn bao giờ hết, và châu Âu đang dựa vào "điều kiện thời tiết" và "ý chí của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin" để chống chọi với mùa Đông này, mà cả hai điều này thì không thể dự đoán trước được.

Thực tế là các nhà hoạch định năng lượng châu Âu, với các chính sách sai lầm và mâu thuẫn liên quan đến nguồn cung năng lượng cũng như việc dự trữ kịp thời, đã tạo ra cuộc khủng hoảng này cho các nước châu Âu. Hơn 50% công suất lưu kho đã được sử dụng, thấp hơn 15% so với mức trung bình của 10 năm trước.

Mặt khác, với việc dỡ bỏ các hạn chế của đại dịch COVID-19 và sự phục hồi của các nền kinh tế, nhu cầu dầu khí trên toàn cầu đã tăng lên. Do đó, giá khí đốt tự nhiên đã tăng đột biến trong 4 tháng qua. Sự kiện chưa từng có này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách của các hộ gia đình châu Âu có thu nhập thấp và trung bình và có thể gây ra những hậu quả xã hội nguy hiểm. Giá khí đốt tăng thậm chí đã khiến một số ngành công nghiệp châu Âu phải cắt giảm sản lượng hoặc tạm thời đóng cửa các nhà máy.

Mọi người trên khắp thế giới đã nhận ra rằng sự phụ thuộc quá lớn của thế giới vào khí đốt tự nhiên là không thể tránh khỏi và khí đốt tự nhiên sẽ không thể thay thế trong nhiều năm tới. Các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản - cũng giống như châu Âu - nằm trong số những nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất, nhưng đã chủ động tiết kiệm nguồn năng lượng cho mùa Đông. Ngược lại, người châu Âu không những không tiết kiệm các nguồn năng lượng mà họ đã sử dụng hơn một nửa trong số đó và bắt đầu quá trình thay đổi các nguồn năng lượng của mình.

Các nước châu Âu đang đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và than đá, đồng thời dựa vào các chương trình năng lượng tái tạo dài hạn và các nhà máy điện gió và mặt trời. Ví dụ, chính phủ mới của Đức gần đây đã công bố kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của nước này, vốn tạo ra từ 10%-12% điện năng của Đức. Mặc dù những tham vọng về năng lượng sạch này có thể khiến các nhà hoạt động môi trường hài lòng nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của bất kỳ nước châu Âu nào.

Việc sản xuất loại năng lượng này cũng không ổn định và không chắc chắn. Ví dụ, năm ngoái, điều kiện thời tiết không thuận lợi và lượng gió giảm đột ngột đã dẫn đến việc sản xuất điện từ gió và năng lượng Mặt Trời ở châu Âu giảm mạnh. Việc sửa chữa các nhà máy điện đã làm trầm trọng thêm tình hình. Ví dụ, Pháp đã phải đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân, làm giảm 30% sản lượng điện hạt nhân của nước này vào tháng Giêng năm nay.

Sự gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ với chi phí vận chuyển khổng lồ chỉ đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu. Bất chấp thực tế rằng khoảng một nửa tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ hiện được xuất khẩu sang châu Âu. Xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang khu vực này đã đạt kỷ lục lịch sử với hơn 7 triệu tấn vào tháng 12 năm ngoái.

Ủy ban châu Âu (EC), bỏ qua thực tế những thách thức và cảnh báo về năng lượng ngày nay, vào mùa Hè năm ngoái đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm 55% lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 mà không đưa ra các giải pháp thay thế an toàn và bền vững. Giờ đây, các nước châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá khí đốt và xăng dầu tăng cao cùng với sự bất bình ngày càng tăng của công chúng, họ dường như không tìm ra cách nào khác ngoài việc đổ lỗi cho Nga về việc thiếu nguồn cung cấp khí đốt và giá cả tăng cao. Tất nhiên, những lời cáo buộc gây hiểu lầm này đã được đưa ra vào đúng thời kỳ đỉnh điểm của cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine.

Đúng là Nga đang sử dụng đòn bẩy năng lượng để gây áp lực lên châu Âu và EU liên quan đến các lệnh trừng phạt, nhưng vì lý do địa kinh tế, Nga không muốn chấp nhận những cáo buộc này. Nga phủ nhận những cáo buộc này và khẳng định rằng dưới áp lực từ Mỹ, châu Âu đang từ chối ký kết các hợp đồng ổn định, lâu dài và đảm bảo với Nga, đồng thời theo đuổi chiến lược dài hạn nhằm cắt đứt quan hệ hoàn toàn với các nguồn năng lượng của Nga.

Nga thậm chí còn xuất khẩu thêm khoảng 20% khí đốt tự nhiên sang châu Âu vào năm 2021 so với năm trước, con số này thậm chí còn cao hơn số lượng đã ký hợp đồng viện trợ khẩn cấp cho châu Âu. Nga cáo buộc châu Âu muốn giá khí đốt tiếp tục giảm vào mùa Xuân năm ngoái và không muốn bổ sung lượng dự trữ của họ trong khi giá đang ở mức thấp. Do đó, các quan chức châu Âu giờ đây phải chuyển sang các thị trường độc quyền, chẳng hạn như các công ty môi giới năng lượng ở London và Phố Wall, vốn sẽ tăng giá theo cấp số nhân do nhu cầu tăng và làm đầy túi tiền của họ bằng ngân sách của các hộ gia đình ở châu Âu.

Nga cáo buộc các chính phủ châu Âu tăng thuế năng lượng hóa thạch nhiều nhất có thể vào mùa Hè trong nỗ lực nhằm giảm giá, khắc phục thâm hụt ngân sách và làm đầy túi tiền của chính họ, nhưng vào mùa Đông với nguồn tài nguyên cạn kiệt và nhu cầu gia tăng, thậm chí Nga cũng phải đối mặt với thách thức. Nga khẳng định rằng những tuyên truyền năng lượng chống Nga có động cơ chính trị, lập luận rằng Moskva chưa bao giờ làm gián đoạn nhu cầu năng lượng của Tây Âu, ngay cả ở đỉnh điểm của cuộc xung đột Chiến tranh Lạnh giữa hai khối phương Đông và phương Tây trong hơn nửa thế kỷ./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại