24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thu Hiền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những sai lầm kéo ngân hàng lớn nhất nhì Thuỵ Sĩ xuống đáy

Đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ, Credit Suisse sụp đổ nhanh chóng chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, nền tảng của tổ chức này bị xói mòn nghiêm trọng bởi những sai lầm liên tiếp, khiến nó trở nên lung lay ngay khi một trận bão quét qua ngành ngân hàng.

Tổ chức tài chính thuộc nhóm 30 ngân hàng lớn nhất thế giới được coi là quá lớn để có thể sụp đổ. Cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc hôm 15/3 rồi sau đó hồi phục nhờ thông tin bị đối thủ UBS mua lại.

Credit Suisse trở thành mắt xích yếu nhất và bị thổi bay như một ngôi nhà làm bằng giấy, sau khi xuất hiện lo ngại hiệu ứng domino từ cú sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ.

Greensill phá sản

Danh sách rắc rối của Credit Suisse bắt đầu từ thất bại năm 2021 của Greensill, một công ty tài chính Anh chuyên cho doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua mô hình kinh doanh phức tạp và không minh bạch.

Sự sụp đổ của Greensill đẩy nhiều công ty vào khó khăn, trong đó có Credit Suisse, vì đã đầu tư rất nhiều tiền vào doanh nghiệp này.

Tháng 3/2021, sau khi Greensill thông báo giải thể, Credit Suisse đóng 4 quỹ liên quan, với tổng số 10 tỷ USD đã được rót vào đó.

Cơ quan quản lý ngân hàng Thuỵ Sĩ FINMA kết luận rằng Credit Suisse “vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ giám sát” và yêu cầu thực hiện “các biện pháp khắc phục”.

Sự sụp đổ của Archegos

Chỉ 4 tuần sau khi Greensill thất bại, Credit Suisse bị chấn động bởi sự sụp đổ của quỹ đầu tư Archegos Mỹ, khiến ngân hàng Thuỵ Sĩ tổn thất thêm 5 tỷ USD.

Hối lộ ở Mozambique

Tháng 10/2021, Credit Suisse bị giới chức Anh và Mỹ phạt 475 triệu USD vì dính dáng đến bê bối hối lộ ở Mozambique, liên quan đến các khoản vay cho một số công ty quốc doanh.

Những khoản cho vay từ năm 2013 đến 2016 đáng lẽ phải được đầu tư vào các dự án đóng tàu, nghề cá và giám sát biển, nhưng một phần đã bị sử dụng để đưa hối lộ.

Credit Suisse đồng ý với yêu cầu của chính quyền Anh về việc huỷ khoản vay 200 USD cho Mozambique, khi quốc gia nằm ở khu vực đông nam châu Phi này rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Khủng hoảng lãnh đạo

Antonio Horta-Osorio, cựu lãnh đạo tập đoàn ngân hàng Lloyds, được bổ nhiệm làm chủ tịch Credit Suisse vào tháng 4/2021, với lời hứa sẽ quản lý rủi ro tốt hơn. Chưa đầy 9 tháng sau, tân chủ tịch từ chức vì vi phạm các quy định cách ly phòng COVID-19 của Chính phủ Thuỵ Sĩ.

“Những bí mật của Suisse”

Điều tra của báo chí công bố tháng 2/2022, mang tên “Những bí mật của Suisse”, cáo buộc ngân hàng này đã nắm giữ hàng tỷ đô la “tiền bẩn” trong mấy thập kỷ.

Cuộc điều tra, do Dự án điều tra chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức điều phối, cho biết thông tin rò rỉ về 18.000 tài khoản ngân hàng từ những năm 1940 cho thấy Credit Suisse giữ hơn 8 tỷ USD trong tài khoản của nhiều tội phạm, lãnh đạo độc tài và vi phạm nhân quyền.

Credit Suisse bác bỏ cáo buộc này, cho rằng kết luận dựa trên “những thông tin phiến diện, không chính xác và tách khỏi bối cảnh một cách không phù hợp”.

Phiên toà Bermuda

Cuối tháng 3/2022, một thẩm phán Bermuda ra phán quyết rằng cựu Thủ tướng Georgia Bidzina Ivanishvili đã lỗ 553 triệu USD vì Credit Suisse Life Bermuda, một công ty thuộc Credit Suisse, không thực hiện nghĩa vụ uỷ thác.

Vụ kiện bắt đầu từ hành động của Patrice Lescaudron, một cựu ngôi sao ngân hàng của Credit Suisse bị toà án Thuỵ Sĩ kết án 5 năm tù từ năm 2018 vì tội gian lận và giả mạo. Lescaudron tự tử năm 2020.

Toà án xác định rằng công ty con của Credit Suisse “ưu tiên doanh thu mà Lescaudron mang về hơn lợi ích của khách hàng”.

Mạng lưới buôn bán cocaine

Tháng 6/2033, Credit Suisse bị phạt 2 triệu USD trong vụ án rửa tiền liên quan đến mạng lưới buôn bán cocaine ở Bulgary.

Toà án hình sự liên bang Thuỵ Sĩ kết luận rằng, ngân hàng này không thực hiện những bước đi nhằm ngăn chặn tổ chức tội phạm rửa tiền, vi phạm nghĩa vụ doanh nghiệp trong vụ án từ năm 2007 và 2008.

Những khoản bồi thường

Tháng 10/2020, Credit Suisse thông báo sẽ trả 495 triệu USD để giải quyết tranh chấp với bang New Jersey của Mỹ liên quan đến chứng khoán thế chấp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cùng tháng đó tại Pháp, Credit Suisse đồng ý trả 239 triệu euro để tránh bị truy tố về tội rửa tiền và gian lận thuế liên quan đến các tài khoản không khai báo của một số công dân Pháp từ năm 2016.

Những điểm yếu nghiêm trọng

Credit Suisse buộc phải hoãn công bố báo cáo thường niên, đáng lẽ vào tuần trước, sau khi nhận được cú điện thoại phút chót từ Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ về những điểm sai liên quan đến báo cáo dòng tiền trong các năm 2019 và 2020.

Dù cuối cùng đã công bố báo cáo, Credit Suisse thừa nhận đã có “những điểm yếu quan trọng” trong hệ thống kiểm soát nội bộ.

Lo ngại hiệu ứng từ vụ sụp đổ hai ngân hàng Mỹ, cổ đông chính của Credit Suisse tuyên bố hôm 15/3 rằng sẽ không đầu tư vào ngân hàng này nữa.

Chỉ trong vài ngày, số phận của Credit Suisse đã được định đoạt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả