24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những rủi ro từ “tiền di động”

Dịch vụ “tiền di động” (Mobile Money) được kỳ vọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại rủi ro từ loại hình này.

Nhà mạng sẽ trở thành ngân hàng ?

Theo thống kê, hiện nay hơn 50% dân số VN chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, trong khi mật độ thuê bao di động đạt trên 100%. Dịch vụ này sẽ chỉ được cấp phép cho các nhà mạng. Không chỉ các thuê bao di động smartphone 3G/4G, ngay cả các điện thoại “cục gạch” sử dụng sóng 2G cũng có thể sử dụng. Vì thế, Mobile Money hướng tới giao dịch giá trị nhỏ sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đề án, hạn mức thanh toán được đưa ra cho một tài khoản Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng và sau khi triển khai chính thức sẽ xem xét để nâng dần lên...

Theo báo cáo mới đây về Mobile Money của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, về bản chất, dịch vụ này tương tự như Ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e-money), nhưng khác so với ví điện tử hay Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) là các tài khoản đều phải kết nối với tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch. Trong khi đó, Mobile Money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng. Vì vậy, báo cáo này cho rằng bên cạnh những ưu điểm của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như sự thuận tiện; giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí quản lý và rủi ro dùng tiền mặt; thúc đẩy kinh tế số..., thì Mobile Money cũng tiềm ẩn rủi ro. Đó là dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng; thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền; giao dịch có thể không thực hiện được khi sự cố xảy ra trong chuỗi giao dịch của hệ thống thanh toán; khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định, tiến hành rửa tiền, đánh bạc hoặc tiền của khách hàng có thể bị mất nếu thiếu phương án quản lý phù hợp.

Từ bài học thẻ cào

Một trong những nghi ngại lớn nhất dành cho dịch vụ này là nhiều đối tượng có thể lợi dụng để rửa tiền, đánh bạc qua mạng hay thực hiện các hành vi bất hợp pháp khác. Đầu tháng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá thành công đường dây đánh bạc trên mạng. Để tham gia cá cược, người chơi phải đăng ký lập tài khoản thành viên trên game và nạp tiền trực tiếp bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do các đại lý cung cấp hoặc nạp thẻ điện thoại... Cục Cảnh sát hình sự xác định tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng giữa các con bạc với game từ tháng 1.2019 đến nay là trên 20.000 tỉ đồng. Hay trước đó, vụ phá đường dây đánh bạc qua mạng Rikvip vào cuối năm 2017, cơ quan chức năng xác định trong gần 10.000 tỉ đồng nạp tiền chơi bạc vào sòng bài trực tuyến này có đến 97% nạp từ thẻ cào do các nhà mạng phát hành. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng khi cho phép nhà mạng triển khai Mobile Money, cần có quy định chặt chẽ.

Để giảm thiểu giao dịch rửa tiền, đánh bạc, tài trợ khủng bố phải có quy định về giới hạn số tài khoản khách hàng có thể nắm giữ, số dư tối đa trên tài khoản; có hệ thống giám sát các luồng giao dịch, có khả năng cảnh báo cho nhà cung cấp dịch vụ các giao dịch đáng ngờ… Ngoài ra, làm rõ quy trình phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và vận hành dịch vụ Mobile Money từ Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính…TS Cấn Văn Lực

TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích ngoài việc đưa ra hạn mức sử dụng cho mỗi tài khoản Mobile Money, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định chặt chẽ về điều kiện cho phép đại lý của các nhà mạng được phép nộp và rút tiền từ tài khoản viễn thông. Chẳng hạn tại một số nước châu Phi, các đại lý viễn thông chỉ được thực hiện dịch vụ này sau khi đã tham gia các khóa huấn luyện về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố hay liên quan đến tội phạm... Đồng thời, các nhà mạng phải tăng cường đầu tư và đạt các chứng chỉ về bảo mật thanh toán chuẩn quốc tế như các ngân hàng.

“Việc định danh các chủ thuê bao điện thoại sử dụng Mobile Money khá quan trọng, để nhà mạng cùng Ngân hàng Nhà nước theo dõi các giao dịch bất thường. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước phải có những tuyên bố rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của người dùng tài khoản Mobile Money như khi khách hàng đăng ký tài khoản ngân hàng để tránh các rủi ro phát sinh”, TS Trần Hùng Sơn chia sẻ thêm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cũng nhận định để giảm thiểu những rủi ro trong việc triển khai tiền di động, cần có quy định về chia sẻ thông tin - dữ liệu giữa các cơ quan quản lý với nhà mạng. Hay cơ quan quản lý cần ban hành các khung tiêu chuẩn hệ thống đại lý (về đối tượng, trình độ, năng lực, vốn tối thiểu...) để định hướng các nhà mạng có thể thiết lập các tiêu chí trong lựa chọn đại lý. Đồng thời, phải quy định luôn có mã xác thực, mã pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả