Những ông trùm tài chính Việt Nam - Nhóm Đông Âu (Phần 2): Tuổi trẻ sau cách mạng
Thời trước đi “Tây”-tức là sang Đông Âu học – vừa để có kiến thức, vừa để thoát nghèo! Ai cũng biết người Việt ở Đông Âu, dù đi học hay đi lao động thì ngoài ra đều đặt cho mình một “mục tiêu xuyên suốt” – kiếm tiền! Thời bao cấp tại VN quá khổ, viễn cảnh sau khi phải quay về nước nếu không có tiền thì…chả cần phải nói!
Bức tường Berlin sụp đổ 1989 báo trước sự cáo chung của hệ thống XHCN tại Đông u đang đến gần. Các du học sinh Việt Nam cũng như những đồng hương đang lao động tại đây tự nhiên rơi vào vòng xoáy sáp nhập Đông Đức vào Tây Đức, mà quan trọng nhất là việc đổi tiền sang DM.
Rồi 03/10/1990 chính thức chỉ còn một nước Đức, không chỉ người Việt ở Đức mà từ các nước khác sang, đã rơi vào thế giới tư bản thực sự, choáng ngợp trước cuộc sống phồn vinh và xã hội văn minh kiểu Tây phương! ở các nước XHCN khác, cuộc sống cũng thêm phần tự do, dân chủ.
Và đến 1991 khi Liên Xô tan rã, thì người Việt ở Đông u đã rơi vào một môi trường hoàn toàn khác trước, tiêu biểu nhất là nước Đức. Tuy sống ở thế giới “ngoại tệ mạnh” nhưng không còn bao cấp nữa, muốn kiếm được tiền để lo cho cuộc sống nơi xứ người và giúp đỡ thân nhân ở VN, họ phải bươn chải, bươn chải bằng mọi cách, thậm chí vất vả hơn cả so với mấy năm trước, nhiều người không hòa nhập được phải chọn con đường về nước để “bảo toàn lực lượng”.
Đại đa số người Việt lao vào buôn bán (thậm chí xuất nhập khẩu, ví dụ quần áo, hàng khô…), mở nhà hàng (đa số lấy tên “Quán ăn Trung quốc”), bán hoa, bán quần áo, buôn thuốc lá lậu, dịch vụ chuyển tiền về nước, thậm chí lập bang hội cướp của, bảo kê… Hồi 90-91 triệu phú Việt ở Đức trong số từ Đông Đức sang ít lắm, nhớ nhất là tấm gương đàn chị P.N.Anh (chị bác Trí “béo”, (Phạm Thành Trí-1958), xuất phát điểm từ Bạch Nga).
Tiệp Khắc cũng tách làm 2 nước, dân Tiệp chạy sang Tây u khá nhiều, một thời gian sau mới thấy là cứ ở lại đất nước yên bình này cũng có thể kiếm tiền tốt lắm! Chủ yếu các doanh nhân thành đạt xứ này làm tiền bởi việc “lập chợ”-tức là những khu tập trung nhiều quầy hàng, chủ yếu để người Việt bán hàng và một số dịch vụ phục vụ đời sống đi kèm. Cũng nhiều đồng hương thành công như anh Lợi, chị Lan, anh Bình…
Ba Lan đã từ lâu đã là “miền đất tự do” của người Việt. Rất “thoáng” về nhiều phương diện, tương đối an toàn cho dân mình, cuộc sống vui vẻ…nên đa số người đi học ở Ba Lan ít khi về, đi lại buôn bán dễ nên kiếm tiền thích lắm, từ thời 8X-9X đã có nhiều triệu phú $ như các bác Võ, Long, Thân…cùng lứa trẻ năng động như Vinh “giò”, Tuấn “Quế Anh”…
Ba Lan như là cầu nối giữa “tư bản”-là Đức-với “nhà quê” là Liên Xô và các nước Đông u khác, hàng đi, tiền và vàng về nhộn nhịp, thẻ đỏ thẻ xanh của các VIP cũng được tận dụng tối đa…Lúc đầu là quần áo “tư bản”, sau là hàng hóa công nghệ thông tin, rồi quay về quần áo giày dép “chợ”…Ba Lan là nơi sinh ra biệt hiệu “soái”- và các “soái” Việt hồi đó ở Ba Lan đông hơn so với tất cả các nước XHCN cũ cộng lại!
Tuy nhiên vì dễ làm ăn, dễ sống quá nên con người không còn áp lực quá lớn để làm giàu, và so với các đồng hương ở Nga thì tuổi trẻ Ba Lan theo tôi là thiếu mất ĐỘNG LỰC lớn nhất để thật giàu- đó là SỰ GANH ĐUA!
Từ khi Liên Xô tan rã có một tầng lớp người Nga mới xuất hiện, giàu lên cực nhanh và đáng ngạc nhiên. Họ có thể là những “bố già mafia” nay đã có điều kiện thò tay vào hệ thống chính quyền (Nga gọi là các “trộm trong luật pháp” («вор в законе»)-, có thể là những trí thức, viện sỹ đi lên bằng “tư nhân hóa” các tài sản khổng lồ còn lại thời Soviet
(Berezovskiy, Khođorkovskiy…) hoặc đơn giản chỉ là những chàng trai Do thái “nhanh nhẹn” (Aamovich, Prokhorov…).
Dân Nga tạo ra một hình tượng “người Nga mới”-những kẻ giàu xổi, tài sản tăng quá nhanh so với nền tảng văn hóa, hàng loạt chuyện tiếu lâm được kể xoay quanh hình tượng này. Ví dụ: “một “người Nga mới” đi Mỹ về, khoe với bạn bè ở nhà- tao phát hiện ra, hoá ra dân Mỹ cũng dùng “tờ xanh” giống nước mình!” (hồi đó rúp mất giá liên tục và dân Nga dùng USD tiền mặt vô tội vạ-lượng tiền cash $ quay vòng ở Nga hơn Mỹ và các nước khác rất nhiều, đến nay cũng vậy!). Hình ảnh “người Nga mới” được tạo dựng qua media là “một thanh niên cổ to bự, khoác cái áo vét màu đỏ mận chín, cổ đeo dây chuyền vàng và thánh giá to bản như cái xích chó, tay chuối mắn vung vẩy xòe ra như cái quạt-gặp thằng bạn cũ tiến sỹ thất nghiệp đang quét rác thì dừng xe lại, chạy vào cửa hàng mua chai vang Grand Cru 4 nghìn $ mang ra, 2 thằng mở ra uống luôn trên mui xe…”.
Vào thời Eltsin trị vì, nước Nga chìm trong hỗn loạn, bạo lực, nội chiến, kinh tế tan hoang…tuy vậy lại mở ra những cơ hội vàng cho một số người!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận