menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Thanh Hoa

Những nỗi lo lớn nhất của giới siêu giàu châu Á

Một cuộc khảo sát mới của ngân hàng Lombard Odier cho thấy các nhà đầu tư giới siêu giàu ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu hành động để thích ứng với bối cảnh biến động hiện nay.

Cuộc khảo sát 450 nhà đầu tư giàu có trong khu vực - được xác định là những người có tài sản đầu tư tối thiểu 1 triệu USD ở châu Á Thái Bình Dương - đã tiết lộ những lo ngại hàng đầu của họ.

Họ tỏ ra lo ngại về cách xoay sở trong bối cảnh biến động và rủi ro địa chính trị hiện tại, cũng như cách đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu những rủi ro này, theo nghiên cứu về các cá nhân có tài sản ròng cao năm 2022.

Lombard Odier cho biết tính cấp thiết của những chiến lược này đã tăng lên so với cuộc khảo sát vào năm 2020.

Jean-Francois Aboulker, Giám đốc bộ phận khách hàng cá nhân có tài sản ròng cực cao khu vực châu Á của Lombard Odier, chia sẻ: “Trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID-19 vào năm 2020, phần lớn các nghiên cứu về giới siêu giàu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy họ không thay đổi danh mục đầu tư của mình và đang áp dụng phương pháp tiếp cận ‘chờ đợi và quan sát’”.

“Điều này chủ yếu là do sự chưa hiểu về những rủi ro liên quan và đại dịch sẽ tác động ra sao”, ông Aboulker nói.

Lạm phát cao

Hiện nay, khoảng 68% nhà đầu tư ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Philippine, Indonesia, Đài Loan và Australia đã cơ cấu lại danh mục đầu tư để phù hợp với những điều kiện thị trường hiện tại.

Khoảng 77% những người được khảo sát cho biết lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái là những vấn đề đáng lo ngại nhất. Người dân Singapore lo lắng nhất về tình trạng này.

“Ngay cả ở Nhật Bản, nơi mà lạm phát đã gần bằng 0 trong hơn 3 thập kỷ qua, cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát, và 69% giới siêu giàu của Nhật Bản đang lo ngại về rủi ro này”, báo cáo cho hay.

Báo cáo cũng cho biết thêm: “Vẫn còn chưa rõ liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ thắt chặt chính sách hay không. Tuy nhiên, 1/3 giới siêu giàu Nhật Bản tin rằng điều đó sẽ xảy ra trong 12 tháng tới”.

Lãi suất gia tăng

Các nhà đầu tư giàu có ở khu vực nói chung ít lo ngại hơn về khả năng lãi suất gia tăng, chủ yếu vì họ cho rằng hầu hết Chính phủ các nước sẽ thận trọng không nâng lãi suất đến mức có thể làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, cuộc khảo sát cho thấy.

Tuy nhiên, giới siêu giàu Australia và Indonesia không chắc chắn như vậy. Phần lớn những người được khảo sát ở những quốc gia này, khoảng 70% nói rằng lãi suất cao là “một nỗi lo lớn”.

Rủi ro địa chính trị

Nhà đầu tư ở Philippine lo ngại nhất về bất ổn địa chính trị, trong khi những người ở Hồng Kông và Singapore cũng cho rằng căng thẳng địa chính trị là một trong những rủi ro hàng đầu trong 12 tháng tới.

Những nhà đầu tư này lo lắng về tác động của rủi ro và xung đột địa chính trị đối với lợi nhuận các khoản đầu tư của họ, với nhiều người kỳ vọng lợi nhuận sẽ thấp hơn trong tương lai. Họ cũng lo ngại họ có thể bỏ lỡ các cơ hội trong thời gian biến động này.

Nhiều người siêu giàu ở Hồng Kông và Nhật Bản hoài nghi về tính hiệu quả của chiến lược đa dạng hóa hiện nay trong bối cảnh môi trường hiện tại “giá cổ phiếu giảm, chênh lệch tín dụng mở rộng và lãi suất dài hạn cao” đã tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư của họ.

Điều gì đã xảy ra?

Để nỗ lực giảm thiểu những rủi ro, 2 xu hướng diễn ra rõ rệt ở giới siêu giàu.

Giới siêu giàu ở châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên thận trọng hơn và đang chuyển hướng nhiều hơn từ các loại tài sản truyền thống (như cổ phiếu và trái phiếu) sang đầu tư vào công ty của riêng họ, cuộc khảo sát cho thấy.

Nhiều người cũng đã bỏ tiền vào các tài sản “an toàn hơn” như tiền mặt và vàng. Một số khác cũng đang đầu tư vào các tài sản tư nhân bao gồm vốn cổ phần tư nhân, nợ tư nhân, đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng, và các nhà đầu tư ở Singapore và Australia đang dẫn đầu ở khoản này.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường nội địa trong 2 năm qua. Báo cáo cho thấy, để quản lý sự bất định hậu COVID-19, danh mục đầu tư của một số nhà đầu tư là sự kết hợp toàn cầu nhiều hơn và đó là điều mà các nhà đầu tư Nhật Bản và Indonesia đang tích cực thực hiện.

“Ngay cả khi COVID-19 tác động trên toàn cầu, vẫn có sự khác biệt đáng kể trong lợi nhuận đầu tư cổ phiếu ở các quốc gia khác nhau, và một số loại tài sản nhất định vẫn chưa xuất hiện ở một số thị trường”, ông Aboulker của ngân hàng Lombard Odier cho biết.

“Những nhà đầu tư này rất tinh vi và thường tìm kiếm tài sản bên ngoài thị trường nội địa với cách nhìn dài hạn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố trong nước”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả