24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bá Phú
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những nhiệm vụ kinh tế nặng nề của Chính phủ mới Thái Lan

Bên cạnh nhiệm vụ không dễ chịu là duy trì sự ổn định của chính phủ, Thủ tướng khóa tiếp theo sẽ phải đối mặt với công việc rất khó khăn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan.

Những nhiệm vụ kinh tế nặng nề của Chính phủ mới Thái Lan

Những nhiệm vụ kinh tế nặng nề của Chính phủ mới Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên trong 5 năm qua, đất nước Thái Lan sẽ được điều hành bởi một một chính phủ liên hiệp hình thành thông qua bầu cử. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Bangkok Post, chính quyền mới, dù là do phe nào thành lập liên minh, sẽ không có kỳ trăng mật nào.

Do chính phủ mới sẽ là một liên minh của hơn 10 chính đảng, việc duy trì ổn định sẽ không phải là điều dễ dàng. Với đa số mong manh trong quốc hội, chính quyền mới cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách hoặc biện pháp nhằm giảm nhẹ những tác động từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đối với kinh tế Thái Lan.


Do vậy, chương trình nghị sự chính yếu của chính phủ là giải quyết thách thức cấp bách nhất này. Chính phủ mới sẽ phải tìm cách hồi phục nền kinh tế bằng kích thích tăng trưởng nội địa vì họ sẽ không thể làm nhiều để thúc đẩy khu vực xuất khẩu đang sa sút do những tác động từ nền kinh tế toàn cầu.


Điều quan trọng nữa là chính phủ mới sẽ phải bảo đảm rằng ngân sách tài khóa 2020 sẽ được thông qua tại quốc hội. Theo dự thảo ngân sách mới, tổng chi tiêu ngân sách của Thái Lan vào khoảng 3.200 tỷ baht. Đây sẽ là một chìa khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế.


Tuy nhiên, dự luật ngân sách trên, được Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) soạn thảo, có thể không nhận được sự thông cảm từ các đảng trong liên minh vốn không tham dự vào việc soạn thảo.


Đối với các chính đảng này, việc phân bổ ngân sách thường niên là công cụ quan trọng nhất giúp họ có thể kết nối với người dân trong những cứ điểm chính trị của mình. Trong quá khứ, việc soạn thảo một luật ngân sách luôn là chỗ để các chính trị gia từ các đảng cầm quyền thương lượng và đấu tranh cho phần của mình nhằm đảm bảo rằng họ có thể có được ngân sách càng nhiều càng tốt cho các khu vực bầu cử của họ.


Việc dự thảo ngân sách 2020 được thông qua có thể giúp duy trì mức độ tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế trong một thời kỳ trì trệ. Theo kế hoạch, dự luật sẽ được trình lần đầu tiên vào ngày 13/6, các lần thứ hai và thứ ba vào ngày 29/6. Tuy nhiên, lịch trình này dự kiến sẽ bị trì hoãn thêm 3 tháng do tình hình chính trị hiện nay.


Kinh tế Thái Lan đã suy yếu kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lần trước vào ngày 22/5/2004. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2014 ở mức thấp 0,8%. Đây là kết quả của sự mất niềm tin kinh tế sau cuộc đảo chính cách đây 5 năm. Chính quyền quân sự đã thực hiện một vài chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế.


Các chính sách chủ chốt của chính quyền quân sự cũng bao gồm việc giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không đăng ký và không được cấp phép nhằm giành lại niềm tin từ cộng đồng kinh doanh toàn cầu.


Mặt khác, chính quyền quân sự đã thúc đẩy các dự án đầu tư nội địa – chương trình phối hợp đầu tư nhà nước lớn nhất mà Thái Lan từng có trong nhiều thập niên qua. Ví dụ, họ đã thúc đẩy các dự án xây dựng 10 tuyến đường sắt trong vùng Bangkok mở rộng.


Việc thực hiện kế hoạch quan trọng nhất là Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) cũng mang lại khoản đầu tư khổng lồ trong các dự án như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối ba sân bay lớn Don Mueang, Suvarnabhumi và U-Tapao, và phát triển sân bay U-Tapao thành sân bay quốc tế.


Đầu tư mạnh mẽ của chính quyền quân sự đã thu được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2018 đạt 4%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Đà tăng trưởng khởi sắc có thể giúp đem lại đủ nguồn thu ngân sách để chính phủ tài trợ cho các chính sách giảm nghèo và bất bình đẳng - những vấn đề kinh niên đối với Thái Lan. Một cuộc khảo sát của Bộ Tài chính Thái Lan cho thấy nước này hiện có 11,4 triệu người sống ở mức nghèo.


Tuy nhiên, người dân Thái Lan chỉ có một thời gian vui mừng ngắn ngủi. Năm nay, suy thoái kinh tế lại tiếp tục. Ngày 21/5, Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 3,6%, so với mức dự báo trước đó là 4%, chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.


Xuất khẩu của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại. Số liệu cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 4/2019 giảm 2,5%, buộc NESDB hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay từ 4,4% xuống còn 2,2%.


Trong thập niên qua, Thái Lan đã chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế không ổn định và có chiều hướng suy giảm. Trong 10 năm qua, Thái Lan phải đối mặt với bất ổn chính trị, làn sóng biểu tình trên đường phố kéo dài, các cuộc bạo động trong thành phố, trận lũ lụt tồi tệ năm 2011 và cuộc đảo chính năm 2014.


Do đó, những thách thức lớn mà chính phủ liên hiệp mới của Thái Lan sẽ phải đối mặt sẽ cấp thiết hơn nhu cầu tồn tại đến hết nhiệm kỳ. Chính phủ mới sẽ phải đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ không có nguy cơ giảm tốc thêm nữa do sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả