Những nhân vật đáng chú ý sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị tham dự một phiên họp khác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tại Davos, Thụy Sĩ trong tuần này.
Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm sự kiện tại Thụy Sĩ và chủ đề của diễn đàn này sẽ xoay quanh "Các bên liên quan vì một thế giới gắn kết và bền vững".
Hãng tin CNBC đã đề ra một số tên tuổi nổi bật nhất sẽ tham dự sự kiện năm nay.
Sanna Marin, thủ tướng của Phần Lan
Ở tuổi 34, Sanna Marin là thủ tướng trẻ nhất thế giới và cũng là nữ lãnh đạo thứ ba của Phần Lan. Cô đứng đầu một chính phủ liên minh gồm bốn đảng mà trong đó những người lãnh đạo cũng là phụ nữ.
Vào tháng 12, thủ tướng Sanna Marin nói rằng cô chưa bao giờ nghĩ về tuổi tác hay giới tính của mình. "Tôi chỉ tập trung nghĩ về những lý do tôi tham gia vào chính trị, và những điều mà chúng tôi đã giành được sự tin tưởng của cử tri", cô nói.
Ursula von der Leyen, chủ tịch của Ủy ban châu Âu
Cựu bộ trưởng quốc phòng Đức đã trở thành người đứng đầu bộ phận điều hành của EU vào tháng 12. Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu đang gặp phải nhiều vấn đề cấp bách cần được giải quyết, bao gồm việc kêu gọi hỗ trợ cho kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới của bà. "Thỏa thuận xanh châu Âu", một đề xuất được đưa ra vào tháng 12, nhằm mục đích ngăn chặn thảm họa khí hậu mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Christine Lagarde, chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu
Người đứng đầu mới được bổ nhiệm của Ngân hàng Trung ương châu Âu là một nhân vật nổi tiếng tại WEF. Christine Lagarde, nữ chủ tịch đầu tiên của ECB, từng tham dự sự kiện này với vai trò là giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế.
Lần này, những lời nói của bà ở Davos sẽ còn được theo dõi chặt chẽ hơn nữa, khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm thêm manh mối về đánh giá chiến lược của ngân hàng trung ương. Bà Lagarde đã đưa ra tuyên bố nhận được nhiều sự chú ý vào cuối năm 2019 khi nói rằng ECB sẽ cho ưu tiên nhiều cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu.
Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu
Nhà hoạt động khí hậu 17 tuổi người Thụy Điển dự kiến sẽ trở lại Davos trong năm nay. "Nhân vật của năm" được bầu chọn bởi The Times trong năm 2019 đã có một thông điệp rõ ràng cho các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp: Cam kết từ bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay thời điểm hiện tại.
"Chúng tôi yêu cầu tại diễn đàn năm nay, những người tham gia từ tất cả các công ty, ngân hàng, tổ chức và chính phủ ngay lập tức tạm dừng mọi khoản đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch, chấm dứt ngay lập tức tất cả các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ngay lập tức thoái vốn hoàn toàn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi không muốn những điều này được thực hiện vào năm 2050, 2030 hoặc thậm chí 2021, chúng tôi muốn điều này được thực hiện ngay bây giờ", Greta đã viết trên tờ The Guardian.
Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei Technologies
Công nghệ luôn là điểm chính của diễn đàn tại Davos với việc công nghệ 5G là một phần quan trọng của cuộc tranh luận.
Huawei đã dẫn đầu cuộc đua 5G trên toàn thế giới, nhưng đồng thời, nó đã gây ra một số sự phân chia giữa các đồng minh truyền thống, như Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Chính quyền Mỹ trước đó đã đưa ra quan ngại về các kết nối của Huawei với chính phủ Trung Quốc và đã thực hiện các bước để cấm công ty bán công nghệ của mình tại thị trường Mỹ.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn đang hình thành câu trả lời cho các vấn đề, nhưng chính phủ Đức đã tuyên bố họ không muốn hoàn toàn ngăn chặn công ty từ Trung Quốc.
Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF
Bà Kristalina Georgieva được bổ nhiệm làm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào mùa thu năm 2019. Bà sẽ trình bày bản đánh giá kinh tế mới nhất của IMF tại Davos, cùng với Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của tổ chức.
Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã dẫn đầu cuộc thảo luận tại Davos năm 2017, với việc phát biểu trong một cuộc họp báo rằng đồng USD yếu hơn sẽ tốt cho Mỹ.
Những bình luận của ông tại thời điểm đó đã đại diện cho một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và gây ra sự bán tháo đồng USD.
George Soros, Chủ tịch của Soros Fund Management
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros là một gương mặt quen thuộc ở Thụy Sĩ. Trong cuộc thảo luận gần đây nhất, ông Soros đã bày tỏ mối quan ngại của mình đối với chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
"Một chính sách hiệu quả đối với Trung Quốc không thể được giảm xuống thành một khẩu hiệu. Nó cần phải cẩn thận, chi tiết và thiết thực hơn nhiều. Ngoài ra, chính sách này cũng phải thể hiện sự phản ứng của Mỹ đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc", ông Soros nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị tham dự WEF trong năm nay. Ông Trump đã không tham gia tại sự kiện năm 2019, trong bối cảnh liên tiếp chịu áp lực từ phía Đảng Dân chủ về những khoản chi tiêu an ninh của ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận