Những nhân tố "đổ thêm dầu" vào căng thẳng Trung Quốc-Ấn Độ
Đụng độ ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ không có gì mới nhưng lại được "thổi" lên.
Ứng xử bằng "sức mạnh và sự kiềm chế"
Hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào một cuộc đối đầu căng thẳng ở phía Đông khu vực Ladakh sau một vụ đụng độ mà trong đó 250 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã dùng roi sắt, gậy và đá tấn công lẫn nhau ở khu vực dọc đường biên giới thực tế giữa hai nước. Đường Kiểm soát thực tế (LAC) đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc trải dài 3.488 km, được cho là đường biên giới dài nhất giữa bất kỳ hai quốc gia nào.
Mâu thuẫn bắt đầu từ ngày 5/5, khi Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ, “trong một nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng” của vùng biên giới ở Sikkim và Ladakh. Ấn Độ đã bác bỏ điều này, nói rằng, họ không xâm phạm mà chỉ thực hiện các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng thông thường dọc biên giới.
Thay vào đó, họ đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự gây hấn của Bắc Kinh khi xây dựng các hầm trú ẩn ở phía Ấn Độ, cản trở hoạt động tuần tra thông thường của quân đội nước này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, quân đội Ấn Độ đã phát hiện sự xâm nhập của Trung Quốc tại ba địa điểm trong khu vực sông Galwan ở Ladakh.
Trong tình hình hiện tại, với việc các chỉ huy quân đội địa phương không thể giải quyết được vấn đề, đối đầu bạo lực đã nổ ra xung quanh khu vực hồ Pangong Tso ở Ladakh. Hơn 100 binh sĩ của cả hai phía đã bị thương. Một cuộc đụng độ khác cũng đã xảy ra sau đó ở Bắc Sikkim vào ngày 9/5 và cả hai bên đã triển khai các thiết bị quân sự, binh lính tại hàng nghìn vị trí tiền tiêu trong lãnh thổ của mỗi nước.
Một cuộc đối đầu khác giữa 150 quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc gần đèo Naku La trong khu vực Sikkim đã khiến ít nhất 10 binh sĩ của cả hai bên bị thương. Các máy bay phản lực Sukhoi-30 của Không quân Ấn Độ đã được triển khai sau khi các máy bay trực thăng của Trung Quốc bay lượn trên LAC trong thời gian xảy ra cuộc ẩu đả.
Quân đội của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đang trong tình trạng báo động cao ở biên giới, không bên nào chịu lùi bước, mặc dù đã có nhiều vòng đàm phán giữa các lãnh đạo quân sự hàng đầu của hai bên.
Ấn Độ đã triển khai các binh lính xung quanh một cây cầu chiến lược đang được xây dựng gần Daulat Beg Oldi, đồn quân sự cuối cùng ở phía Nam đèo Karakoram, để ngăn chặn các lực lượng Trung Quốc. Các tin tức truyền thông cho biết, quân đội Ấn Độ sẽ không cho phép có bất kỳ sự thay đổi nào đối với lãnh thổ Ấn Độ và đang đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc bằng “sức mạnh và sự kiềm chế”.
Biên giới chỉ là "cái cớ"
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, các cuộc đụng độ dọc biên giới Ấn-Trung không có gì mới. Các nhà phân tích đã so sánh cuộc đối đầu hiện tại ở Ladakh và Sikkim với 73 ngày thù địch đầy biến động ở ngã ba Doklam năm 2017, vốn cũng làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh.
Các vấn đề đã được giải quyết sau vài tuần đối đầu căng thẳng với những cuộc thảo luận ở cấp cao nhất. Để tăng cường thông tin liên lạc và giảm tình trạng thiếu tin tưởng song phương, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên vào tháng 4/2018 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và ban hành “Chỉ đạo chiến lược" cho quân đội.
Một số chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ xung đột biên giới hiện tại có lẽ bắt nguồn từ mưu đồ lớn hơn của Trung Quốc nhằm gửi một thông điệp tới New Delhi về các vấn đề khác nhau, trong đó có các quy định đầu tư nước ngoài mới của Bắc Kinh, vốn đóng chặt tuyến đường thiết yếu cho các quốc gia có chung đường biên giới với họ. Một lý do khác có thể là mối quan hệ Ấn-Mỹ đang phát triển, trong khi quan hệ Mỹ-Trung đang trên đà tụt dốc.
Theo Tiến sĩ Satish Chauhan, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại thuộc Đại học Mc Gill ở Montreal (Canada), Bắc Kinh đang cư xử đúng với "tính cách" của mình. Họ đã bắt đầu thúc đẩy các đòn bẩy để gia tăng sức ép với Ấn Độ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với cuộc điều tra về đại dịch Covid-19.
Trung Quốc lo lắng vai trò lãnh đạo của Ấn Độ tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách là người đứng đầu ban điều hành 34 thành viên sẽ mang lại cho họ một ảnh hưởng đáng kể trong việc ra quyết sách tại tổ chức này. Việc mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải bồn chồn lo lắng.
Theo một thành viên của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi, Trung Quốc không chỉ đơn thuần gây áp lực buộc Ấn Độ phải lùi bước tại WHO, họ còn muốn phá hỏng những nỗ lực của Ấn Độ nhằm thu hút các công ty đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc do đại dịch Covid-19.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Việc New Delhi củng cố cơ sở hạ tầng biên giới của họ để chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp chiến tranh dường như càng làm gia tăng sự khó chịu của Bắc Kinh”. Các nhà phân tích đồng tình rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ sau 5 thập kỷ, Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ phân định biên giới, khiến những mâu thuẫn liên tục tái diễn. Ngay cả hai cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình, từng làm tăng kỳ vọng về các giải pháp lâu dài hơn, cũng không thể trở thành các thỏa thuận hiệu quả để xử lý vấn đề.
Ngày càng có nhiều quan ngại rằng sự hung hăng của Bắc Kinh có nguy cơ gây ra tình trạng đối đầu kéo dài với Ấn Độ. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc nên tập trung hợp tác với New Delhi để đưa ra một giải pháp chính trị bền vững cho vấn đề LAC. Một thế giới vốn bị tàn phá bởi dịch bệnh chỉ có thể phục hồi tốt nếu hai người khổng lồ không “gằm ghè” nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận