Những người hùng vô danh trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Nhật Bản
Với hành khách trên Diamond Princess, thủy thủ đoàn là sợi dây duy nhất kết nối họ với phần còn lại của thế giới.
3 lần 1 ngày, Gie và nhóm của cô đẩy xe chở đồ ăn qua hành lang của du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Đeo khẩu trang và gang tay, họ dừng lại trước cửa phòng bị đóng kín, chào hỏi hành khách và giao bữa ăn trước khi vội vã rời đi.
Nhưng gần đây, những lời cảm ơn viết bằng nhiều thứ tiếng dán trên các cánh cửa khiến công việc của Gie và các đồng nghiệp bị gián đoạn.
"Chúng tôi dừng lại và dành thời gian đọc ghi chú. Chúng tôi nói về cách mà chúng tôi cảm thấy vui vì đã khiến họ cười", Gie, một phục vụ trên Diamond Princess nói.
Trên một cánh cửa thậm chí còn "nhân bản" từ cảm ơn thành 10 thứ tiếng. Ở một cánh cửa khác, một hành khách nhắn gửi lời cảm ơn vì sự phục vụ tận tình của các nhân viên trên tàu và chúc họ khỏe mạnh.
"Mặc dù các hành khách đều đeo khẩu trang khi họ trả lời qua cánh cửa, tôi vẫn có thể thấy nụ cười qua ánh mắt họ. Họ đánh giá cao mọi thứ chúng tôi làm cho họ. Họ khiến chúng tôi vững tâm tiếp tục công việc", Gie, 33 tuổi nói.
Với 542 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tới hiện tại, Diamond Princess trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Các hành khách bị cách ly nghiêm ngặt. Đa phần thời gian trong ngày ở trong cabin. Các thủy thủ đoàn là cứu cánh duy nhất của các hành khách. Họ cung cấp thực phẩm, nước, khăn, thuốc và bất cứ thứ gì hành khách yêu cầu.
"Họ nói rằng họ cần phải chăm sóc tất cả những người có khả năng bị bệnh. Họ là những anh hùng vô danh ở dây", Kent Frasure, một hành khách Mỹ chia sẻ.
Trong khi 2.600 hành khách chỉ chờ đợi, tìm cách giết thời gian cho qua ngày, các thành viên thủy thủ đoàn chủ yếu đến từ Philippines và các quốc gia đang phát triển khác vẫn tiếp tục làm việc.
Một số người giao đồ ăn từ 6h sáng và làm việc tới tận 10h tối. Họ di chuyển liên tục trong một ổ dịch mà không biết những ai có thể đang mang mầm bệnh trong người.
Cho tới hiện tại, ít nhất 33 thủy thủ đoàn bị nhiễm bệnh.
Khi Mỹ, Australia, Hong Kong đang gửi máy bay điều lệ tới sơ tán hành khách trên tàu, một số thành viên thủy thủ đoàn nói họ không biết tương lai ra sao khi các hành khách bắt đầu di tản khỏi tàu từ ngày 19/2.
Cuộc sống dưới boong tàu
Các thành viên thủy thủ đoàn trên Diamond Princess sống trong các cabin dưới mực nước biển, ngủ chung với 1 hoặc 2 người khác và dùng chung nhà vệ sinh cùng họ. Họ ăn tối theo ca trên một chiếc bàn ọp ẹp cùng 11 người khác.
10 ngày sau khi bị cách ly, họ mới nhận được khuyến cáo nên cẩn thận hơn và giữ khoảng cách với nhau khi ăn.
Tất cả được đo nhiệt độ, những người bị sốt phải báo cáo nhưng không được cách ly.
Obet, một thành viên thủy thủ đoàn bắt đầu bị sốt vào tuần trước sau một thời gian giao đồ ăn tới cho các hành khách. Khi thông báo về tình trạng hiện tại, Obet được yêu cầu tự cách ly trong cabin của mình và uống một loại thuốc giảm đau thông thường. Sau khi hết thuốc, anh phải đợi một ngày mới được cấp tiếp.
Trong thời gian chờ đợi kết quả, Obet không được tách ra mà tiếp tục ở chung với bạn cùng phòng cũ. Dù cố gắng tiếp xúc, đeo khẩu trang nhưng Obet vẫn lo sợ mình sẽ lây bệnh cho bạn.
Sự cẩn thận của anh không thừa bởi kết quả trả ra cho thấy Obet nhiễm bệnh còn bạn anh thì không.
"Chúng tôi chẳng thể làm được gì. Không có đủ cabin cho những người ốm yếu cách ly nên họ quyết định để chúng tôi lại cabin cũ", anh nói.
Một trợ lý đầu bếp người Ấn Độ nói rằng các nhân viên trong bếp luôn đeo khẩu trang và gang tay. Theo anh, vẫn chưa có ai trong bếp bị nhiễm bệnh.
"Chúng tôi thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Không ai muốn đánh đu với cuộc sống của mình", anh nói.
Trong số 1.045 thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess, khoảng 1 nửa trong số đó như Gie và Obet đến từ Philippines. Quyết định ra khơi là một lựa chọn hấp dẫn với họ khi khoản tiền kiếm được khá hơn rất nhiều so với các công việc tự do ở nhà.
Gie, bà mẹ 2 con định trở lại Philippines và tháng tới. Đây là lần đầu tiên cô gặp lại gia đình kể từ tháng 7 năm ngoái. Nhưng với các diễn biến bất ngờ, Gie không thể thực hiện kế hoạch này.
Các thành viên khác tới từ các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nga và Ukraine. Những hành khách mà họ phục vụ tới từ những nước giàu hơn như Nhật Bản, Mỹ, Australia...
Gie nói trong 2,3 ngày đầu tiên khi nghe tin có người nhiễm bệnh, cô và những người khác sợ hãi tột độ, không muốn tiếp tục công việc giao đồ ăn của mình vì sợ phải đối mặt với các hành khách.
"Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng đó là một phần của công việc. Chúng tôi sợ hãi nhưng chúng tôi phải nghĩ mọi chuyến theo hướng tích cực và cố không nghĩ về bệnh tật", cô nói.
Princess Cruise tuần trước cho biết sau khi dịch bệnh qua đi, họ sẽ để thủy thủ đoàn nghỉ phép 2 tháng có lương. Các nhà chức trách Philippines nói sẽ đưa 500 thuyền viên trở về nhà, nhưng không rõ thời gian.
Mỗi ngày, các thành viên thủy thủ đoàn dành ra vài phút ít ỏi gọi điện về nhà.
Trên Facebook, Gie đếm ngược từng ngày cho tới hết thời hạn cách ly nhưng cũng thấp thỏm trước thông tin số ca nhiễm trên tàu tiếp tục tăng vọt.
Trên một dòng trạng thái cập nhật về số người nhiễm bệnh, Gie viết: "Tinh thần của chúng ta vẫn còn cao. Mọi chuyện rồi sẽ qua".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận