24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lục Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những người “cầm cân nảy mực” trong các quyết sách thương mại của Tổng thống Donald Trump

Đội ngũ kinh tế của Nhà Trắng đang đứng trước thách thức khó khăn nhất về vấn đề thương mại.

Thách thức đó liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang đối mặt với mối quan ngại rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang đe dọa triển vọng tái tranh cử của ông.

The Hill dẫn bài viết theo quan điểm cá nhân của tác giả Sylvan Lane cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và châu Âu cùng một số quốc gia khác đang được coi là một hạn chế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Ông Trump sẽ sớm phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về việc có nên bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ bằng cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc hay không.

Ông cũng sẽ cần phải cân nhắc lại các chính sách thuế quan ngành ô tô vốn đang bị trì hoãn đối với Nhật Bản và Liên minh châu Âu - hai đối tác thương mại lớn của Mỹ - và xem xét liệu có nên đưa ra quyết định cuối cùng để thúc đẩy phê chuẩn của Quốc hội đối với Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA – Hiệp định NAFTA sửa đổi) hay không.

Để định hình được những quyết định đó, bên cạnh ông Trump có 5 nhân vật chủ chốt, những người được đánh giá là có tác động quan trọng đến các quyết định thương mại của Tổng thống.

Đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người được coi là nhân vật trung thành của Tổng thống Trump trong một loạt vấn đề kinh tế. Bộ trưởng Mnuchin đã giành được sự tin tưởng của Tổng thống Trump khi thể hiện đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, bất chấp "sự phản kháng" của ông đối với chính sách thương mại.

Mặc dù ông Mnuchin nghiêng về việc hỗ trợ đảng Cộng hòa đối với vấn đề thương mại tự do, song ông cũng đã quyết liệt bảo vệ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, ông Mnuchin cũng chịu áp lực từ Tổng thống Trump trong việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ gần đây.

Trong bối cảnh Tổng thống đang chịu áp lực lớn về chính trị nhằm đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc để giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại trước cuộc bầu cử năm 2020, thành công của những cuộc đàm phán cùng Bắc Kinh sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng của ông Mnuchin, người sẽ đóng vai trò đặt nền móng cho một thỏa thuận giúp cả Mỹ và Trung Quốc có cơ hội tuyên bố chiến thắng.

Bên cạnh Bộ trưởng Mnuchin là Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Ông Navarro là một trong những “kiến trúc sư trưởng” và người ủng hộ chính sách thương mại của Tổng thống Trump, khuyến khích các xung lực bảo vệ của Tổng thống và kiên quyết với Trung Quốc dựa trên nền tảng áp đặt thuế quan.

Ông Navarro từng là một nhà kinh tế năng lượng, đã từng không được đánh giá cao, bởi ông có quan điểm ủng hộ rất công khai đối với chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Tuy nhiên, sau đó ông đã nhanh chóng được Tổng thống đón nhận với tư cách là cố vấn cho chiến dịch vận động tranh cử và sau đó gia nhập đội ngũ cố vấn thân cận của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Ông Navarro và Tổng thống Trump có quan điểm khá tương đồng về vấn đề thương mại và ảnh hưởng của ông trong Nhà Trắng đã tăng lên khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc diễn ra. Trong khi Tổng thống Trump có thể là động lực thúc đẩy cuộc chiến thương mại, ông Navarro lại nổi lên như một mục tiêu chính cho những người chỉ trích chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Mỹ.

Nhân vật thứ ba là Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người sẽ đảm bảo sự chấp thuận của Quốc hội cho thỏa thuận NAFTA mới. Đây được coi là một trong những ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống Trump. Tổng thống đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định NAFTA hiện tại - vốn được thực hiện từ năm 1994 - nếu hiệp định thương mại mới USMCA được phê duyệt.

Các nhà kinh tế nói rằng việc Washington rút khỏi một hiệp định như vậy sẽ tác động ra bên ngoài biên giới Bắc Mỹ. Ông Robert Lighthizer - nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump về NAFTA, là một trong số rất ít quan chức chính quyền đã thiết lập mối quan hệ vững chắc với các đảng thành viên của Dân chủ tại Quốc hội, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Đảng Dân chủ đã ca ngợi ông Lighthizer vì sự trung thực và minh bạch trong các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan đến việc "viết lại" NAFTA, nhưng bà Pelosi và đảng các thành viên hàng đầu của Dân chủ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với ông Lighthizer liên quan đến các điều khoản về lao động và môi trường.

Việc phe Dân chủ tại Hạ viện quyết định chấp nhận thỏa thuận mới hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng của ông Lighthizer nhằm củng cố những mong muốn thay đổi và vượt qua nỗi lo rằng sự chấp thuận của Quốc hội đối với hiệp ước có thể thúc đẩy tỷ lệ tái tranh cử của Tổng thống Trump.

Thứ tư là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow. Ông Kudlow đã nổi lên như là phát ngôn viên kinh tế trưởng của Tổng thống Trump, trong bối cảnh sự hoài nghi đang gia tăng đối với các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ.

Người dẫn chương trình CNBC trước đây thường xuyên được nghe về các chính sách của Tổng thống Trump, và ông thường là nhân vật được Nhà Trắng cử đi để "làm dịu" thị trường tài chính mỗi khi chứng khoán bắt đầu trượt dốc. Khi sự lo lắng gia tăng về vai trò của Tổng thống Trump, trong bất kỳ sự suy giảm toàn cầu nào, ông Kudlow sẽ được giao nhiệm vụ "xoa dịu" các nhà phê bình và các nhà giao dịch.

Người thứ năm là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Tổng thống Trump đã dành hơn một năm để đổ lỗi cho ông Powell và Fed đã kiềm chế nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi tăng trưởng đang tăng tốc và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tổng thống từ lâu đã gây áp lực với ông Powell nhằm cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế và hỗ trợ các cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc, cùng Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, ông Powell đã gạt bỏ áp lực của Tổng thống, mặc dù Fed đã cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy vừa qua, trong bối cảnh mà Chủ tịch Fed gọi là một “hàng rào” nhằm chống lại căng thẳng thương mại hơn nữa.

Tổng thống Trump đã phản ứng bằng cách gây áp lực đối với Fed vì đã không có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc cắt giảm lãi suất. Việc Tổng thống cố gắng gây áp lực lên Fed đã khiến các nhà kinh tế lo sợ rằng điều này có thể làm giảm uy tín của ngân hàng trung ương trong một cuộc khủng hoảng tài chính./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả