24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mộc Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những “ngư ông đắc lợi” từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Các chuyên gia JETRO đã khẳng định nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục kéo dài thì chính Bắc Kinh và Washington mới là những người bị thiệt hại nặng nề.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục “nóng” lên với các quyết định tăng thuế nhập khẩu liên tiếp của Tổng thống Donald Trump, báo Liên hợp buổi sáng của Singapore vừa đăng bài viết cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, cả Bắc Kinh và Washington sẽ đều bị thiệt hại nặng nề, song Nhật Bản và một số nền kinh tế khác của châu Á sẽ trở thành “ngư ông đắc lợi”.

Liên hợp buổi sáng dẫn báo cáo của Phòng nghiên cứu kinh tế châu Á của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ tháng 7/2018 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dư luận nói chung đều cho rằng xung đột và cạnh tranh giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ số liệu dự báo, hoặc phân tích cụ thể nào về những tác động tiêu cực do cuộc chiến thương mại này gây ra. Trong khi đó, các chuyên gia JETRO trên cơ sở nghiên cứu và tính toán của mình đã khẳng định, nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục kéo dài thì chính Bắc Kinh và Washington mới là những người bị thiệt hại nặng nề. Nhật Bản và một số nước châu Á khác sẽ trở thành “ngư ông đắc lợi”.

Cơ hội mới trong ngành điện tử…

Cụ thế, nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục kéo dài đến năm 2021, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị giảm 0,4 điểm phần trăm, còn tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm, trong khi GDP của Malaysia lại tăng 0,5 điểm phần trăm, GDP của vùng lãnh thổ Đài Loan tăng 0,4 điểm phần trăm và GDP của Nhật Bản tăng 0,2 điểm phần trăm.

Ngoài ra, Nhật Bản còn đang đứng trước các cơ hội mới, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích hơn khi các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ tới đây sẽ buộc phải tìm đến các đối tác thứ ba, chấp nhận giao dịch qua trung gian để tránh bị áp mức thuế quá cao cho sản phẩm của mình.

Theo Liên hợp buổi sáng, các chuyên gia JETRO trong báo cáo của mình cũng nhận định ngành điện tử và điện gia dụng của hai nước Mỹ-Trung sẽ là những ngành nghề bị thiệt hại nặng nề nhất, nếu cuộc chiến thượng mại tiếp tục kéo dài.

Chi phí đóng gói và vận chuyển của ngành điện tử từ trước đến nay luôn thấp hơn so với các ngành nghề khác, nhưng nếu tới đây thuế nhập khẩu tăng lên mức 25%, giá thành của ngành điện tử sẽ bị đội lên rất nhiều.

Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ buộc phải tính đến giải pháp tìm nguồn sản phẩm thay thế tại các thị trường khác trong khu vực. Đây chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi để ngành điện tử của các nước láng giềng Trung Quốc gặt hái lợi ích.

Theo tính toán, ngành điện tử của Mỹ trong 3 năm tới sẽ suy giảm khoảng 12,4% (tăng trưởng âm). Tương tự, ngành điện tử của Trung Quốc cũng sẽ bị suy giảm 7,5%. Trong khi đó, ngành này của Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực lại tăng trưởng khoảng 2,8%.

Ngoài điện tử và điện gia dụng, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ bị tổn thất nếu xung đột thương mại giữa hai bên tiếp diễn. Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Trung Quốc trong ba năm tới sẽ lần lượt suy giảm 1,7% và 0,8%.

…và xuất khẩu nông sản

Ngoài Nhật Bản, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo cơ hội để Ấn Độ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Bộ Thương mại Ấn Độ cho rằng Trung Quốc áp thuế 15-25% đối với 333 loại hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đã mang lại cho Ấn Độ cơ hội để thay thế 100 loại sản phẩm của Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Ấn Độ còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thêm ngô, lúa mì và cao lương. Ấn Độ cũng có cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm khác như nho, bông, ống lò nướng bằng thép và thuốc lá sấy. Vào ngày 27/4/2019, hãng truyền thông PTI lớn nhất Ấn Độ đưa tin một công ty Ấn Độ-Mỹ có trụ sở tại Mỹ tiết lộ với rằng khoảng 200 công ty Mỹ sẽ chuyển cơ sở sản xuất ở Trung Quốc của họ sang Ấn Độ.

Xuất khẩu đậu tương của Brazil và Argentina cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu tương Mỹ.

Điều này đã làm tăng giá đậu tương Mỹ ở Trung Quốc và từ đó làm giảm nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm này, nhưng đây chỉ là suy lý của kinh tế học. Theo số liệu do hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 24/12/2018, từ tháng 11/2018, Trung Quốc đã không còn nhập khẩu đậu tương từ Mỹ.

Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, thu mua đến 63% lượng xuất khẩu đậu tương toàn cầu, "nuôi sống" ngành công nghiệp khổng lồ sử dụng bột đậu tương và ép dầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá đậu tương Brazil tăng.

Vào tháng 6/2018, giá đậu tương tại cảng Paranagua của Brazil là 385,60 USD/tấn, cao hơn 35,7 USD so với giá đậu tương ở bờ biển phía Nam nước Mỹ. Đến tháng 8/2018, giá đậu tương Brazil đã tăng lên 450 USD/tấn. Dữ liệu cho thấy vào tháng 6/2018, Trung Quốc nhập khẩu 8,2 triệu tấn đậu tương từ Brazil, cao hơn mức 6,6 triệu tấn cùng kỳ năm 2017.

Hiện tượng tương tự là Argentina đã biết tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để mua đậu tương của Mỹ sử dụng trong hoạt động ép lấy dầu, sau đó bán dầu đậu nành lại cho Trung Quốc. Tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp Argentina tuyên bố sẽ xuất khẩu dầu đậu nành sang Trung Quốc lần đầu tiên sau ba năm.

Hiện tại, 29.000 tấn dầu đậu nành đang được để tại cảng Timbues gần Trung tâm Ngũ cốc Rosario ở Argentina. Hai con tàu khác chứa đầy dầu đậu nành đang chuẩn bị đưa đến Trung Quốc với tổng số ước tính khoảng 90.000 tấn. Giới chức Argentina cho biết họ hy vọng sau vụ thu hoạch đậu tương kết thúc vào tháng Năm sẽ bắt đầu xuất khẩu một lượng lớn bột đậu tương sang Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Liên hợp buổi sáng dẫn lời các chuyên gia JETRO cảnh báo rằng mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạo ra những lợi ích ngắn hạn cho nền kinh tế Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực, song, về lâu dài Mỹ có thể sẽ thay đổi chiến thuật, sử dụng các biện pháp tương tự như đã áp dụng với Trung Quốc để đối phó, khiến cho kinh tế khu vực đối mặt với nguy cơ suy thoái./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả