Những “ngư ông đắc lợi” nhờ…COVID-19
Khi cả thế giới đang phải chống chọi với tình trạng suy thoái kinh tế, thì các doanh nhân internet, giám đốc điều hành thời trang và cổ đông các công ty dầu mỏ đang kiếm được gấp đôi so với trước đây. Dù có chi tiêu một tỷ USD mỗi ngày, thì cũng phải mất nhiều năm họ mới tiêu hết tài khoản của mình. Trong khi đó, hàng chục triệu người rơi xuống dưới mức nghèo khổ và không đủ tiền mua vaccine.
“Người nghèo dễ chết hơn”
Theo báo cáo của Liên minh quốc tế các tổ chức từ thiện Oxfam với tiêu đề “Sự bất bình đẳng chết người” được công bố hàng năm trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Davos, các doanh nhân tỷ phú đã gia tăng gấp đôi tài sản của mình trong thời đại dịch. Tổng lượng vốn của họ trong thời kỳ đại dịch đã tăng từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. Con số này nhiều hơn trong 12 năm trước đó, tức là giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Các nhà phân tích nhận định rằng cuộc suy thoái hiện tại - tồi tệ nhất kể từ cuộc sụp đổ Phố Wall năm 1929 - đã không gây trở ngại cho những người này.
Theo Oxfam, kể từ khi bắt đầu dịch bệnh, cứ mỗi ngày lại xuất hiện một tỷ phú mới trên thế giới, trong khi đó có hơn 160 triệu người gia nhập nhóm những người sống dưới mức nghèo khổ trong cùng thời kỳ. Ở các nước thuộc thế giới thứ ba, nhóm này chiếm 1/5 dân số. Sự bất bình đẳng như vậy có thể được gọi là “bạo lực kinh tế”. Báo cáo của Oxfam gây sốc: khoảng 20.000 người chết mỗi ngày vì điều kiện sống khắc nghiệt. Đơn giản là họ không được chăm sóc y tế, chết đói, trở thành nạn nhân của các loại tội phạm.
Đồng tiền trên đầu kim tiêm
Tất cả những “ông trùm” này không kiếm tiền từ vaccine. Ít nhất, không có thông tin như vậy trong các nguồn thông tin mở. Trong năm 2021, Musk và Bezos đứng đầu về độ giàu có. Người chiến thắng là Musk - nhà sáng lập SpaceX và Tesla đã đạt số vốn kỷ lục 25 tỷ USD trong 1 ngày hồi tháng 3/2021. Các nhà phân tích từ “New Street Research” đã “giúp đỡ” thêm bằng cách đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu Tesla. Trong cuộc đua không gian, Bezos vẫn còn kém hơn: các hợp đồng chủ chốt chủ yếu đến với SpaceX chứ không phải Blue Origin. Tuy nhiên, Amazon của Bezos vẫn đang phát triển khi đại dịch rõ ràng đã khiến hoạt động bán hàng trực tuyến bùng phát.
Chính chủ sở hữu các tập đoàn lớn lại là những người nhận được lợi ích chính từ việc nhà nước tài trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng.
Rất có thể, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Theo Research & Markets, thị trường công nghệ sinh học liên quan đến COVID-19 sẽ tăng 18-25% vào năm 2026. Rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Điều đó cũng chỉ ra rằng tất cả các hoạt động sản xuất vẫn sẽ nằm trong tay của một số người. Đó là lý do tại sao WHO và Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đang kêu gọi thúc đẩy việc bãi bỏ các bằng sáng chế vaccine chống COVID-19.
Sức mạnh của các doanh nghiệp
Vào tháng 10/2021, một dự luật xuất hiện tại Mỹ nhằm tăng thuế đối với các tập đoàn kiếm được hơn 1 tỷ USD. Theo tính toán của nhà kinh tế học nổi tiếng Gaiel Zucman, tác giả các nghiên cứu về khu vực thiên đường thuế và nạn trốn thuế, luật này sẽ mang lại sự gia tăng hữu hình cho ngân sách. Cụ thể, Elon Musk trong 5 năm tới có thể phải trả cho nhà nước 50 tỷ, và Jeff Bezos phải trả 44 tỷ.
Hiện nay, nhiều người Mỹ ủng hộ sáng kiến này. Nhà kinh tế Darrick Hamilton nói: “Khi chúng ta thấy các tỷ phú bay vào vũ trụ để mua vui, và đất nước không thể xử lý lũ lụt, đó là một vấn đề”.
Những người ủng hộ cải cách thuế, chủ yếu là Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đề xuất phạt các cổ đông lớn vì tội che giấu tài sản, nhưng các cơ chế như vậy không được quy định trong luật pháp Mỹ. Vì vậy, không có gì thay đổi thì giới tỷ phú sẽ phải hứng chịu sự tấn công của các chính trị gia, kể cả trên mạng xã hội. Vào tháng 12, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những tác giả của dự luật mới, đã cáo buộc Elon Musk trốn thuế. Bà kêu gọi trên Twitter: “Hãy xem xét lại bộ luật thuế để người giàu nhất năm không còn là kẻ ăn bám nữa”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận