24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những ngân hàng nào sẽ nới room tín dụng trong năm 2021? Thị trường 23/6

Những ngân hàng nào sẽ nới room tín dụng trong năm 2021? Thị trường 23/6

Trong cuộc họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của NHNN diễn ra sáng 21/6, có hơn 10 tổ chức tín dụng đã nộp đơn xin nới room tín dụng, những ngân hàng nào có khả năng sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp nhận yêu cầu này? Tổng lực ngân sách để phát triển cảng biển Việt Nam trong 10 năm tới và Thái Lan muốn Việt Nam xem lại quyết định áp thuế đường gần 48% sau một năm thực hiện… là 3 thông tin cần chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 23/6, dưới đây là nội dung chi tiết.

1. Những ngân hàng nào sẽ nới room tín dụng trong năm 2021?

Trong Q1/2021, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống. Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HM:TCB) là ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao nhất với mức 12%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (HM:TPB) xếp sau đó với mức 11,5%. Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (HM:VCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (HM:MBB), MSB có chung hạn mức tín dụng là 10,5%. Trong khi đó, ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HM:BID), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (HM:CTG) và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp "room" tín dụng từ 6,5% - 7,5%.

Trong lần xem xét được nới room này, bộ ba MSB, MB và Techcombank, những ngân hàng có hạn mức tín dụng cao cũng là Top 3 ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay cao nhất là những ứng viên hàng đầu cho việc được nới room sắp tới. Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) mới đây cho biết trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của MSB đã chạm trần được cấp đầu năm là 10,5% và ngân hàng đang xin nới room. Mức trần tăng trưởng tín dụng 2021 kỳ vọng được duyệt vào tháng 6 khoảng 20-25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC (HM:VCI)) cho rằng MB sẽ là một trong số những được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung trong đợt đánh giá này. Trong ba tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng đã tăng 8,6%, sát với hạn mức 10,5% được cấp đầu năm. Dự phóng tăng trưởng tín dụng của MB trong năm nay có thể đạt 20% với động lực chính là các khoản vay mua nhà ký kết với Novaland (HM:NVL) và các dự án sản xuất năng lượng.

Techcombank có tăng trưởng dư nợ cho vay đã ở mức 6,76% khá cao trong quý đầu năm trong khi "room" tín dụng cho cả năm là 12%. Ba ngân hàng trên TPBank cũng là cái tên được nhắc đến với kỳ vọng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng từ 11,5% lên 26% trong năm 2021, theo đúng kế hoạch của ngân hàng. Ngoài những gương mặt kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% như VIB (31%); Kienlongbank (28%); HDBank (HM:HDB) (26%); OCB (25%); Vietbank (22%).

2. Tổng lực ngân sách để phát triển cảng biển Việt Nam trong 10 năm tới

Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư huy động đầu tư cho ngành hàng hải ngoài ngân sách Nhà nước chiếm tỉ trọng lớn, đạt hơn 173.000 tỷ, xấp xỉ 86% tổng số vốn đầu tư.

"Sức hút" của cảng biển Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, khi ngay cả trong giai đoạn Covid-19, lượng tàu hàng vào các cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 con số.

Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Tập đoàn DP World - UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - Thành phố Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…

Nhờ thu hút được nguồn vốn đầu tư, hệ thống cảng biển Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2000, Việt Nam mới được đầu tư khoảng 20 km chiều dài cầu bến cảng, thông qua sản lượng hàng hóa 82,4 triệu tấn, thì đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có khoảng 96 km dài cầu cảng, tổng công suất trên 665 triệu tấn/năm, gấp 8 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện quy hoạch phát triển cảng. Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, cảng biển Việt Nam tiếp nhận hơn 195.300 lượt tàu thông qua. Số lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài tăng trưởng tốt khi đạt hơn 24.700 lượt, tăng 11%; tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hơn 26.300 lượt, tương đương với cùng kỳ năm 2020. Việc tăng trưởng về lượt phương tiện giúp sản lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển cũng tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 209 triệu tấn.

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng từ 300.000-320.000 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 57.000 tỷ đồng.

Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn bảo đảm phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại. Không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn (bao gồm các cảng cửa ngõ quốc tế, cảng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cả nước hoặc liên vùng). Nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển quan trọng có sức lan tỏa, có hiệu quả kinh tế-xã hội lớn, chủ yếu là hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống đường giao thông kết nối…).

3. Thái Lan muốn Việt Nam xem lại quyết định áp thuế đường gần 48% sau một năm thực hiện

Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, ông Keerati Rushchano cho biết sau 1 năm Việt Nam áp thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường của Thái Lan, nước này sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định trên.

Thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Quyết định có hiệu lực từ 16/5 và thời hạn 5 năm.

Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB) và Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) cho biết thuế chống bán phá giá trên sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan. Nhận định trên xuất phát từ thực tế dù thị trường Việt Nam chiếm khoảng 26% thị phần xuất khẩu đường của Thái Lan trong ASEAN và 18,5% toàn cầu, nhưng vẫn không đủ để gây áp lực lên giá đường trong nước và xuất khẩu của Thái Lan.

Bộ Công Thương thông tin sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp sơ bộ với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan, sản lượng nhập khẩu đã giảm 75%. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm từ mức bình quân 110.000 tấn vào 2020, xuống còn khoảng 28.000 tấn. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời 33,88% được đưa ra tại kết luận sơ bộ vụ việc hồi tháng 2 năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả