Những ngân hàng báo lỗ quý cuối năm 2021
Trong bức tranh được dự báo “ăn nên làm ra” vượt COVID-19 của hầu hết các ngân hàng trong năm 2021, đã xuất hiện một số nhà băng báo lỗ quý IV.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa công bố của VietCapital Bank, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này phải ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 74 tỷ đồng.
Bản Việt là ngân hàng đầu tiên có báo cáo tài chính hợp nhất và báo lỗ quý IV/2021. Ảnh: BVB
Trong cơ cấu nguồn thu, VietCapital Bank chỉ tăng trưởng thu nhập lãi thuần (hoạt động cho vay), với mức tăng 14,7% đạt 358 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 19,4 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điểm này khá gây ngạc nhiên do trong năm qua, VietCapital Bank vừa tiếp nhận vai trò đối tác với ngân hàng số Timo từ tay VPBank, theo đó, “dẫn” theo không ít khách hàng từ đây; đồng thời trong đại dịch COVID-19 với giãn cách xã hội có thời gian kéo dài ở phía Nam – khu vực VietCapital Bank đóng trụ sở và là địa bàn hoạt động chính – theo đó nhu cầu sử dụng dịch vụ, thanh toán trực tuyến của khách hàng chắc chắn gia tăng mạnh. Nhưng kết quả VietCapital Bank trong quý IV lại chưa phản ánh được điều này.
Bên cạnh đó, VietCapital Bank có hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 960 triệu đồng trong khi quý IV/2020 lãi 11,4 tỷ đồng. Mảng mua bán đầu tư chứng khoán cũng sụt giảm lãi thuần nặng khi chỉ đạt 3 tỷ đồng, rất thấp so với cùng kỳ năm trước đạt gần 40 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng chỉ đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động tăng mạnh 33,7%, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 128 tỷ đồng – điều tất yếu khi thực thi trích lập dự phòng của các ngân hàng theo Thông tư 14 trong bối cảnh đại dịch. Sau khi trừ chi phí, VietCapital Bank ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới 74 tỷ đồng như nêu. Ngân hàng cho biết việc chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này chủ yếu do tác động bất lợi của dịch COVID-19, đồng thời ngân hàng cũng thực hiện chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí... cho khách hàng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 25% so với 2020 và hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng hơn 16%. Dư nợ bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và cho vay kinh doanh bất động sản là 2 mảng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của ngân hàng. Tuy lỗ ở quý IV, VietCapital Bank vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong cả năm 2021 với lũy kế đến cuối 31/12/2021, với lãi thuần đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch; Nợ xấu của ngân hàng tính đến hết năm 2021 là 2,5%, giảm so với mức 2,93% cuối quý III/2021. Như vậy, là ngân hàng đầu tiên có báo cáo tài chính năm chính thức được công bố trên thị trường, kết quả kinh doanh của VietCapital Bank đã phần nào phản ánh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý cuối năm - quý mà những nhà băng nào chưa thực thi trích lập dự phòng cao trước đó sẽ phải trích đầy đủ theo lộ trình (30%), và có thể sẽ bị “bào” bớt lợi nhuận.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán quý cuối năm 2021 vô cùng sôi động và giá cổ phiếu NVB tăng bằng lần, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB), lại “gây sốc” với nhà đầu tư khi báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của nhà băng này ghi nhận lỗ hơn 200 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tín dụng lao dốc so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể thu nhập lãi thuần của NCB trong quý cuối năm giảm tới hơn 70% xuống còn 170 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 275% so với cùng kỳ lên gần 270 tỷ, nhưng không bù đắp phần được sụt giảm từ hoạt động tín dụng và chi phí hoạt động tăng. Thu nhập hoạt động giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, chi phí hoạt động tăng 20% lên 265 tỷ đồng, nhà băng này cũng trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm 80 tỷ đồng so với cùng kỳ; theo đó, tính cả các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, NCB lỗ hơn 200 tỷ trong ba tháng cuối năm trong khi cùng kỳ năm trước mức lỗ chỉ 25 tỷ đồng.
Tương tự như VietCapital Bank, nhờ kết quả kinh doanh của các quý trước, lũy kế cả năm, NCB vẫn có kết quả kinh doanh dương với mức lãi hơn… 2,31 tỷ đồng. So với 2020 lãi trước thuế 3,74 tỷ đồng, chỉ tiêu này của NCB giảm - 38%. Đáng chú ý, ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng vọt từ mức 1,51% lên 3% vào cuối 2021.
NCB là ngân hàng vừa mới hoàn thành chuyển đổi mô hình kinh doanh giai đoạn từ 2014-2019 và hoàn thành đề án tái cấu trúc vào 2020, do đó kết quả kinh doanh dương bắt đầu từ 2020 được ghi nhận là tín hiệu tích cực của nhà băng này. NCB cũng cho biết trong 2021 mặc dù còn khó khăn, ngân hàng đã có sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập từ mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm dịch vụ bán lẻ như: thẻ, Bancassurance, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ trực tuyến... Bên cạnh đó, NCB chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quản trị rủi ro, chất lượng tín dụng được kiểm soát. NCB cũng tích cực triển khai đồng hành cùng nền kinh tế, đã hỗ trợ gần 1.800 khách hàng, tương ứng với tổng dư nợ khoảng 15.188 tỷ đồng.
Quý IV/2021 cũng ghi nhận một ngân hàng vừa niêm yết trên sàn UPCoM năm 2020 báo lỗ, đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB).
Nhờ thu nhập bán vốn cổ phần, SGB tăng nguồn thu bù đắp chi phí hoạt động để đảm bảo lãi lũy kế cả năm, dù quý IV/2021 cũng ghi nhận lỗ
Cụ thể, báo cáo tài chính của Saigonbank vừa công bố phản ánh ngân hàng có mức lỗ hợp nhất trước thuế hơn 40 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 56 tỷ đồng của cùng kỳ 2020.
Trong quý IV, Saigonbank giảm thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính, mức giảm trong quý 5,9% so với cùng kỳ xuống còn 136 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, lãi thuần từ hoạt động chính của ngân hàng đạt 589 tỷ đồng, giảm 0,3%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Saigonbank trong quý cuối năm 2021 cũng giảm lần lượt 40% và 15%, đi ngược với hoạt động này ở 2020. Ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng hơn 34%, mang về hơn 29 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của Saigonbank ghi nhận 119 tỷ đồng.
Thu nhập đột biến của Saigonbank được ghi nhận đến từ góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng với mức tăng gần 107 tỷ đồng, gấp 89 lần cùng kỳ 2020. Khoản thu nhập này có thể đến từ khoản thoái vốn 8,26 triệu cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank trong đầu tháng 11. Nhờ đó, tổng thu nhập của Saigonbank đã tăng gần 53% trong quý VI/2021 và lũy kế cả năm 2021 tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021, đạt 883 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động của Saigonbank tăng gần gấp đôi trong quý IV lên 213 tỷ đồng và cả năm lên 574 tỷ đồng, tăng 22,4% so cùng kỳ năm 2021, sau khi trừ 113 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, Saigonbank lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV/2021. Lũy kế cả năm, cổ đông ngân hàng vẫn có thể yên tâm với lãi trước thuế 154 tỷ đến từ kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu năm 2021.
Saigonbank cũng là ngân hàng nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng gần 46% lên 325 tỷ đồng so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,44% lên mức 1,97%.
Một ngân hàng khác tuy không báo lỗ nhưng có kết quả kinh doanh 2021 suy giảm mà không ngoài dự đoán, là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB).
Theo công bố của Eximbank, kết thúc 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.
Với việc giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021 vào gần cuối năm, kết quả lợi nhuận trên của Eximbank khá sát gần với lợi nhuận mục tiêu cả năm đã được điều chỉnh là 1.300 tỷ đồng. Lãnh đạo Eximbank cho biết kết quả kinh doanh cuối năm của Eximbank tích cực chủ yếu do dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020, đặc biệt tăng cao là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng. Kết quả kinh doanh của Eximbank “lẽ ra còn được ghi nhận cao hơn” song do ngân hàng đã bỏ một phần thu nhập mua lại nợ xấu từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), theo đó, giúp duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.
Tuy nhiên, do COVID-19, Eximbank vẫn còn nhiều khoản chưa thu hồi nợ nên các khoản dự phòng chưa thể hoàn nhập nên lợi nhuận của Eximbank năm 2021 chỉ đạt mức như nêu. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng. Eximbank cũng cho biết đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định tại Thông tư 14 và ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực hơn vào 2022.
Nhìn chung, ngoại trừ Eximbank – ngân hàng đang là trường hợp hy hữu trên thị trường xoay quanh cấu trúc sở hữu và các kỳ đại hội đồng cổ đông triền miên bất thành nên hoạt động kinh doanh phần nào vẫn bị “trói chân”, các ngân hàng báo lỗ đầu tiên trên thị trường ở quý cuối năm 2021 hiện đều đang thuộc nhóm ngân hàng quy mô nhỏ. Đây cũng là những ngân hàng sẽ ít nhiều bị hạn chế năng lực cạnh tranh trong bối cảnh họ bị eo hẹp về thị phần tín dụng, hoạt động chuyển đổi số chưa thể lập tức cho “quả ngọt”, cũng như chịu tác động nhiều hơn bởi COVID-19 so với các ngân hàng “mạnh vì gạo, bạo vì quy mô”.
Dù vậy, một chuyên gia cho rằng với toàn cảnh kinh doanh của nền kinh tế phần nào chịu ảnh hưởng tiêu cực vì COVID-19, “độ trễ” tác động của đại dịch tới khách hàng của ngân hàng sẽ dần dần xuất hiện và phần nào sắp lộ rõ trong các kết quả kinh doanh sẽ công bố tới đây. Song ông này cũng lưu ý rằng với những ngân hàng có năng lực tài chính mạnh, chất lượng tín dụng tốt và đã có trích lập dự phòng rủi ro “bao đủ” từ sau 2020, thì chắc chắn vẫn giữ kết quả tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận ở năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận