Những lý do khiến Fed có thể không hạ lãi suất
Rạng sáng mai 20-6 theo giờ địa phương, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) sẽ diễn ra. Thời điểm mà thị trường tài chính cả thế giới trông đợi vào quyết định về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Có nhiều tin tức trái chiều liệu có hay không việc Fed hạ lãi suất trong tháng 6 này. Nhưng có lẽ việc Fed giữ nguyên lãi suất được các chuyên gia nhận định nhiều hơn.
Thị trường đang kỳ vọng vào các đợt cắt giảm lãi suất từ Fed
Giới đầu tư đã kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất từ đầu năm nay và đặc biệt giai đoạn gần đây khi chiến tranh thương mại trở nên nóng hơn, khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu yếu hơn trong tương lai. Một phần đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ đã đảo ngược trong giai đoạn dài. Để thấy giới đầu tư kỳ vọng vào động thái của Fed như thế nào, ta xem xét đường lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 1 tháng.
Lợi suất TPCP kỳ hạn này đã đi ngang trong khoảng (2,35 -2,45%) trong khoảng 5 tháng đầu năm sau đà tăng xuyên suốt kể từ năm 2016 và có dấu hiệu giảm kể từ cuối tháng 5 tới nay.
Lợi suất kỳ hạn này rất nhạy cảm với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất mục tiêu của Fed (Fed funds target rate).
Đà tăng suốt từ 2016 đến tháng 5-2019 chủ yếu do Fed tăng lãi suất và việc lợi suất kỳ hạn này giảm thời gian gần đây cho thấy thị trường đang rất kỳ vọng vào việc Fed sớm hạ lãi suất trong cuộc họp rạng sáng ngày mai hoặc cuộc họp FOMC tiếp theo vào 30 đến 31-7.
Việc Fed giảm lãi suất đi kèm đợt suy thoái đã được thị trường dự báo từ đầu năm khi lạm phát yếu đi kèm rủi ro từ kinh tế thế giới suy yếu. Đường cong lợi suất TPCP Mỹ đã lần đầu đảo ngược vào tháng 3 và tiếp tục đảo ngược mạnh mẽ giai đoạn cuối tháng 5 tới nay.
Số liệu thu thập vào ngày 19-6 cho thấy, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 2,08 thấp hơn khoảng 14 điểm so với lợi suất kỳ hạn 3 tháng là 2,22. Có lẽ thị trường đã phản ánh nhanh chóng, mạnh mẽ và có phần thái quá vào cuộc suy thoái trong giai đoạn sắp tới của nền kinh tế số một thế giới.
Khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp FOMC
Trần lãi suất mục tiêu của Fed. Nguồn: Bloomberg
Lãi suất vẫn ở mức thấp
Nhìn vào biểu đồ trần lãi suất mục tiêu của Fed, thời điểm hiện tại, trần lãi suất mục tiêu là 2,5%, mức lãi suất này đang quá thấp so với mức đỉnh của các đợt tăng lãi suất trước đây của Fed. Với mức lãi suất hiện tại có lẽ Fed đang thiếu dư địa để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái vì vậy sẽ rất khó để Fed tùy ý hạ lãi suất. Ngược lại, Fed sẽ thận trọng quan sát triển vọng kinh tế và các biến số vĩ mô và chỉ hạ khi thực sự cần thiết.
Mục tiêu của Fed là lạm phát và thất nghiệp
Có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn ở mức thấp và có dấu hiệu giảm kể từ đầu năm. Trong khi lạm phát vẫn yếu và có xu hướng giảm tiếp trong nửa cuối năm 2019. Không chỉ có Mỹ, mà nhiều quốc gia trên thế giới lạm phát đều rất thấp như Nhật Bản… Liệu việc Fed giảm lãi suất có thể kéo lạm phát tới mục tiêu hay không?
Nhìn vào bài học từ Nhật Bản, có thể thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Thủ tướng Abe với các chính sách nới lỏng kinh tế đều không thể vực dậy được lạm phát trong nhiều năm qua. Giá nguyên liệu thế giới vẫn trên đà giảm kể từ đầu năm.
Bài toán lạm phát có thể đang vượt kiểm soát của Fed. Nhưng đổi lại, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn đang ở mức thấp và hơn nữa, tăng trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống Trump vẫn đang có dấu hiệu tích cực mặc cho các chính sách thuế quan của ông đang khiến Mỹ hạn chế thương mại với nhiều quốc gia, gây áp lực lên hoạt động của chính các doanh nghiệp Mỹ.
Có lẽ Fed sẽ quan sát thêm các yếu tố tác động tới lạm phát, triển vọng của nền kinh tế trong trung - dài hạn trước khi đưa ra một quyết định giảm lãi suất nào đó. Và Fed chỉ giảm lãi suất khi nền kinh tế có dấu hiệu rơi vào suy thoái hay bất cứ một tín hiệu về lạm phát trở nên quá thấp trong thời gian tới. Còn mục tiêu 2% lạm phát sẽ vẫn là bài toán khó cho không chỉ Fed mà còn nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vào thời điểm hiện tại.
Gần đây, Tổng thống Trump liên tục kêu gọi Fed giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Fed là cơ quan độc lập với chính phủ và có lẽ Fed sẽ cứng rắn trong lập trường của mình trước các quyết định về lãi suất. Một sự thay đổi lãi suất từ Fed sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận