Những lưu ý cho nhà đầu tư F0 tham gia thị trường chứng khoán
Thực tế hiện nay, rất đông nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mới (F0) tham gia vào thị trường chứng khoán chưa trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ thuật mua/chốt lãi hoặc cắt lỗ khi thị trường biến động, nhiều NĐT F0 thực hiện lệnh mua/bán thông qua khuyến nghị của tư vấn/môi giới chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường biến động giảm điểm sâu, rất nhiều NĐT bị thua lỗ. Vậy làm thế nào để NĐT có thể khắc phục và thích ứng tốt hơn với quyết định đầu tư của mình?
NĐT cần quan tâm đến tính thanh khoản của cổ phiếu
Thanh khoản của cổ phiếu là tổng giá trị giao dịch của cổ phiếu đó trong một phiên, kinh nghiệm chọn thanh khoản cho danh mục của NĐT có thể phân bổ theo tỷ lệ. Ví dụ như mã cổ phiếu nào có tính thanh khoản thấp thì NĐT nên đầu tư vào tỷ trọng thấp và ngược lại. Vậy nên trước khi đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó, thì cần xem xét tính thanh khoản. Nếu như, NĐT đầu tư tỷ trọng lớn nhưng chọn cổ phiếu thanh khoản thấp trong phiên hoặc hoặc cổ phiếu giao dịch bị hạn chế (tức là cổ phiếu chỉ giao dịch buổi chiều hoặc cổ phiếu chỉ giao dịch một ngày trong một tuần) lúc thị trường biến động thì cổ phiếu đó rất dễ giảm sàn liên tục các phiên tiếp theo và khó xử lý dễ dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng.
Có chiến lược đầu tư và kế hoạch hành động
Nếu là những nhà đầu cơ ngắn hạn, xác định lướt cổ phiếu T+ thì khi chốt được có lãi từ 5% trở lên thì tốt nhất nên chốt lãi và nếu trường hợp NĐT lỗ từ 5 đến 7% cũng nên cắt lỗ nếu diễn biến thị trường lúc này có dấu hiệu tiêu cực.
Hiện nay, đa phần NĐT cá nhân có chung tâm lý chưa phân biệt giữa các hình thức đầu tư lướt hay trung dài hạn, nên rất dễ dẫn đến tình trạng bất đắc dĩ trở thành "cổ đông lâu dài". Điều này rất rủi ro và có thể làm cho NĐT bị thiệt hại nặng khi mất kiên nhẫn và bán cổ phiếu khi đã giảm quá sâu, trường hợp xấu hơn là NĐT sử dụng margin ở tỷ lệ cao trong lúc này. Do đó, quan điểm đầu tư giữa dài hạn và đầu cơ lướt sóng là hoàn toàn khác nhau, cần xác định và hành động phù hợp. Ngoài ra, để hạn chế thua lỗ trên thị trường thì NĐT nên biết mình đang đầu tư mục đích gì nhằm chủ động hành động vì mục đích đó, mặt dù đầu tư trung dài hạn hay lướt sóng ngắn hạn thì mỗi phương thức đầu tư đều có những ưu, nhược điểm riêng tuỳ thuộc mục đích và thời điểm mà NĐT áp dụng hiệu quả.
Thực tế hiện nay, nhiều NĐT cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán chỉ quan tâm đến “ba chữ cái” của cổ phiếu đầu tư, trong khi không tìm hiểu lĩnh vực hoạt động cốt lõi, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh, phân tích tài chính cũng như xu hướng tiềm năng phát triển sắp tới của doanh nghiệp và phân tích rủi ro ảnh hưởng lợi nhuận kỳ vọng bị ảnh hưởng bởi chính sách vĩ mô, rủi ro ngành... Do vậy, NĐT cần có sự am hiểu về cơ bản và xu hướng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp, từ đó sẽ có sự chọn lựa cổ phiếu phù hợp để đầu tư, nắm giữ và kỳ vọng chính xác hơn về sự tăng trưởng trong tương lai.
Xác định giá trị thực của cổ phiếu
Thường NĐT cá nhân mới trong trạng thái luôn tích cực cộng hưởng với tâm lý fomo (fear of missing out) nên quên việc nhận định, đánh giá thực tế giá trị cổ phiếu mình đầu tư hay nói cách khác là quan điểm giá cổ phiếu sẽ luôn luôn gia tăng, NĐT thiếu sự xem xét việc khi mua vào lúc này là giá cổ phiếu đã tăng khá xa so với giá trị thực tế và khi giá cổ phiếu đã tăng cao vượt kỳ vọng thì việc chốt lãi mạnh dẫn đến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh là điều tất yếu. Do đó, khi đầu tư lúc này sẽ mang lại rủi ro cao hơn so với lợi ích mà NĐT đạt được; tiêu cực hơn thị trường rơi vào giai đoạn giảm điểm sâu thì NĐT bị thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, một vấn đề nữa mà NĐT cá nhân mới tham gia vào thị trường thường gặp phải là chọn đầu tư cổ phiếu ngành nghề kinh doanh mà mình thích. Tuy nhiên, thực tế xu hướng vận động của thị trường phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô, vi mô và chính sách điều tiết nền kinh tế nơi thị trường đó vận động. Do đó, cảm nhận chủ quan cá nhân sẽ không mang lại hiệu quả khi đầu tư.
ThS. Nguyễn Minh Trí/Thị trường tài chính tiền tệ
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận