Những lời hứa của lãnh đạo Bộ GTVT, TP. Hà Nội đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động như thế nào?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sớm đi vào hoạt động để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, đến nay tuyến đường sắt vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được phép gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 31/3/2021.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 10137/VPCP – QHQT gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ nhân dân tệ cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Phó Thủ tướng đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay bổ sung như kiến nghị của Bộ GTVT. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.
Vào tháng 10/2020, Bộ GTVT đã công văn số 11719/BGTVT – KHĐT xin Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từng được kỳ vọng sớm đi vào hoạt động để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thế nhưng, sau gần 10 năm với nhiều lần gia hạn và các lãnh đạo cũng nhiều lần đề cập, dự án này vẫn chưa thể về đích.
Theo đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chiều 28/10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11/2020, từ 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án.
Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng GTVT cam kết, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được ký kết vào năm 2008. Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT.
Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.
Theo Thủ tướng, có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được. Do đó, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật, với tinh thần: "Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình".
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP. Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.
Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP. Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án giao thông trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Trong khi đó, chiều 21/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã tiếp xúc xúc cử tri quận Hà Đông báo cáo kết quả kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV.
Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đây là vấn đề được nhiều cử tri nêu tại kỳ họp Quốc hội thứ X. Dự án vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó có vướng mắc về thanh toán. TP. Hà Nội đã chủ động mời Bộ Giao thông vận tải làm việc, thành lập Tổ công tác chung để tháo gỡ các vướng mắc. Cũng theo Bí thư Hà Nội, cả 9 nội dung Chính phủ giao Hà Nội liên quan đến dự án đã được Thành phố thực hiện để phục vụ cho tuyến đường.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các chuyên gia của Pháp không thể sang Việt Nam, tuy nhiên hiện nay các chuyên gia đã sang Việt Nam để đánh giá về dự án. Hiện tại, đã có 12/13 chứng chỉ về vận hành đã được chuyên gia tư vấn của Pháp phát hành cho dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tất cả các nội dung thành phố được giao để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được thực hiện trọn vẹn.
Liên quan đến chi trả khoản vay thực hiện dự án và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường từ Hà Đông vào nội thành, nên Hà Nội cũng mong muốn tuyến đường này sớm đưa vào khai thác thương mại, dự kiến là trước Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra trong tháng 1/2021.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin về các vấn đề đang triển khai để sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành. Theo đó, Mục tiêu là thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, phấn đấu đưa vào vận hành trong năm 2020. Hà Nội thì mong muốn càng sớm càng tốt, mốc được trước tháng 10 thì càng tốt.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng. Hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến.
Theo tiến độ trước đây, dự án chạy thử toàn hệ thống vào đầu năm 2020 để đánh giá an toàn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các chuyên gia từ Trung Quốc và Pháp không thể sang Việt Nam để thực hiện các bước công việc còn lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận