Những khó khăn đẩy SPP đến bên bờ vực
CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (UPCoM: SPP) vừa có Công văn gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do tổ chức đăng ký giao dịch bị âm vốn chủ sở hữu và đưa ra phương án khắc phục.
Tính đến ngày 31/03/2020, khoản lỗ lũy kế của SPP ghi nhận hơn 701 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 449 tỷ đồng.
Theo SPP, trong năm 2019, Công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, dự án nhà máy SPP tại Long An hiện đại nhất Đông Nam Á với tổng đầu tư 1,200 tỷ đồng nhưng do sự thay đổi từ phía ngân hàng và nhà đầu tư, dẫn đến kế hoạch không thực hiện được như mong đợi. Ngân hàng BIDV hứa sẽ phát hành trái phiếu 600 tỷ đồng cho SPP để thực hiện Dự án nhà máy tại Long An, nhưng sau đó, BIDV đơn phương chấm dứt cam kết.
Từ đó, nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui cũng không đồng ý và dự kiến mua cổ phần chi phối và góp vốn 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BIDV còn yêu cầu SPP có lộ trình giảm tỷ lệ vốn đang vay, từ 450 tỷ xuống còn 300 tỷ đồng.
Để khắc phục những khó khăn trên, SPP đã làm việc với Ngân hàng NCB để tiếp tục thực hiện dự án, ngân hàng NCB cũng đã hứa cấp cho SPP hạn mức tín dụng 150 tỷ đồng, nhưng sau đó ngân hàng chậm giải ngân và chỉ giải ngân 130 tỷ đồng. Sự việc này khiến SPP phải huy động toàn bộ nguồn tài chính hiện có để tiếp tục thực hiện hợp đồng với KCN Tân Đô. Dẫn đến, SPP không có nguồn tài chính để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán các khoản nợ đến hạn, các khoản lãi ngân hàng đến hạn và các khoản để tái đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh.
SPP cho hay, năm 2019, lạm phát kinh tế tăng cao nhưng Công ty còn nợ các ngân hàng và trả lãi ngân hàng gồm: BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa hơn 399 tỷ đồng, Agribank chi nhánh Phú Nhuận gần 50 tỷ đồng, HDBank hơn 35 tỷ đồng, Indovina chi nhánh Chợ Lớn gần 30 tỷ đồng, Quốc dân chi nhánh Sài Gòn gần 130 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng chi phí lãi vay theo ước tính là 25.5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.
Ngoài ra, cuối năm 2019 đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung quốc khiến toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc bị tạm ngưng nhập khẩu, SPP không có nguồn nguyên liệu sản xuất, dẫn đến không sản xuất được các đơn hàng từ khách hàng.
Bên cạnh đó, ngày 26/11/2019, Tòa án TP.HCM ra Quyết định mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của CTCP Sản xuất Thương mại Tân Việt Sinh đối với SPP. Hiện tại, Công ty đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật phá sản và các quy định khác có liên quan.
"Tất cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty rất khó khăn, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ dẫn đến đến tình trạng bị âm vốn chủ sở hữu", văn bản ghi rõ.
Đứng trước tình thế đó, SPP cho biết đã đưa ra phương án thuyết phục và chờ đợi nhà đầu tư là tập đoàn PHI Group để đẩy nhanh tiến độ và lộ trình hợp tác của hai bên. Do tình hình tại Mỹ đang ngày càng phức tạp nên việc hợp tác của hai bên đang tạm thời bị gián đoạn. Dự kiến PHI Group sẽ tiếp tục lộ trình góp vốn giai đoạn một sau khi dịch bệnh được cải thiện và các chính sách mở cửa kinh tế được trở lại bình thường.
Hiện tại SPP đang nỗ lực làm việc với các nhà đầu tư để tái cấu trúc lại hoạt động của Công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận