Những dự án hạng sang và 3 lần bỏ cọc của ông chủ Tân Hoàng Minh
Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng nổi tiếng với loạt dự án bất động sản hạng sang nằm tại vị trí "đất vàng" của Hà Nội nhưng lại dính nhiều lùm xùm sai phạm.
Vụ công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra 2,4 tỷ đồng/m2) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp. Thủ Đức, Tp.HCM) đã tác động lớn đến tâm lý thị trường bất động sản thời gian qua.
Đặc biệt, mới đây, lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho biết sẽ xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Đồng thời, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gửi tâm thư giãi bày việc trúng đấu giá "sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản".
Đây không phải lần đầu tiên Chủ tịch Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Trước đó, năm 2015, Tân Hoàng Minh trúng thầu khu "đất vàng" 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, Q.1, Tp.HCM với mức giá 1.430 tỷ đồng rồi đề nghị hủy kết quả. Sau đó, doanh nghiệp đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn và chịu phạt thêm hơn 260 tỷ đồng. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh chuyển nhượng mảnh đất trên cho Techcombank.
Vào tháng 6/2016 ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cũng đã từ chối mua tài sản là cặp chóe Tứ Linh tại phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam với giá đấu 6,05 tỷ đồng, chấp nhận mất 50 triệu tiền cọc.
Từ taxi V20 thành "ông trùm" bất động sản
Về vị Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, sinh ngày 30/07/1961, nguyên quán Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1982, sau đó có 10 năm công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước trước đây - nay là Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường và Viện Khoa học Việt Nam phân viện Tp.HCM.
Từ năm 1993 đến nay, ông Dũng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Ngoài ra, năm 1995, ông Dũng bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng thương hiệu Taxi V20. Taxi V20 từng là thương hiệu vô cùng uy tín, nổi tiếng trong những năm 2000.
Đến năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý,… và mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Tân Hoàng Minh.
Từ năm 2006 trở lại đây, nắm bắt được xu thế thị trường, ông Dũng định hướng cho Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chú trọng vào phân khúc cao cấp.
Ngoài việc được biết đến với vai trò sáng lập/chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng còn có vai trò là người thành lập/quản lý hàng chục đơn vị khác.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, vốn điều lệ hiện nay 10.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2021, Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Dũng góp 5.147 tỷ đồng, tương đương sở hữu 51,48% vốn điều lệ.
Công ty Cổ phần D.Pay có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được thành lập ngày 20/12/2019. Ông Dũng hiện cũng đang nắm 15% cổ phần tại đây, tương ứng 7,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Dũng góp 102 tỷ đồng, tương đương 34% cổ phần trong tổng số 300 tỷ vốn điều lệ tại Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh. Tại Công ty cổ phần nhà D'Land, ông Dũng góp 92 tỷ đồng, tương đương 25% trong tổng số 368 tỷ vốn điều lệ. Còn tại Công ty cổ phần quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt, ông Đỗ Anh Dũng nắm giữ 80% vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Dũng còn nắm giữ gián tiếp tại nhiều doanh nghiệp thành viên khác.
Các dự án hạng sang và những lùm xùm
Quay trở lại với mảng bất động làm lên tên tuổi của ông Dũng, tại thị trường Hà Nội, hầu hết dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh nằm tại vị trí "đất vàng".
Cụ thể, dự án D'Capitale Trần Duy Hưng nằm ngay ngã tư Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến - đại lộ Thăng Long; dự án Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng; hai tòa tháp D’. El Dorado I (Phú Thượng) và D’. El Dorado II (Phú Thanh) nằm trên đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ); dự án D'. Le Roi Soleil Quảng An nằm tại vị trí "đất vàng" ở nút giao Xuân Diệu - Đặng Thai Mai, dự án D’ Le Pont Hoàng Cầu nằm ở số 36 Hoàng Cầu, dự án D'. Palais Louis tại số 6 Nguyễn Văn Huyên; dự án D’. San Raffles tọa lạc vị trí đắc địa số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng; khu đất 19,4 ha xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai.
Còn dự án Nam Đại Cồ Việt được Hà Nội giao CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà triển khai từ năm 2002, song chậm tiến độ suốt nhiều năm. Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chào bán thành công lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng để tái khởi động dự án này. Hiện trên khu đất dự án mới có 2 công trình cao tầng được hoàn thành, trong đó tòa nhà 4A ở góc đường Đại Cồ Việt - Tạ Quang Bửu vừa được xây mới, đã hoàn thành song chưa đưa vào sử dụng.
Lô đất của Tân Hoàng Minh tại số 94 Lò Đúc, nằm giữa ba con đường là Nguyễn Công Trứ, Thi Sách và Lò Đúc. Khu đất làm dự án có diện tích khoảng 2,67 ha; dự kiến triển khai hai tòa cao ốc cao 33-35 tầng. Dự án đến nay vẫn quây tôn, chưa có động thái triển khai.
Trên đây là 11 dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội mà Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị cung cấp tài liệu để xác minh việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những dự án tại Hà Nội của ông chủ Đỗ Anh Dũng đối mặt với vấn đề này.
Vào năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở Hà Nội tại 3 dự án D’ Le Pont Hoàng Cầu, D'. Palais Louis và D'. Le Roi Soleil Quảng An.
Theo kết luận thanh tra, dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An khi nghiệm thu, thanh toán đã tính sai khối lượng thi công. Ngoài ra, công trình cũng có sự sai khác giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật với đề xuất tài chính dẫn đến việc thanh toán chưa đúng khối lượng thực tế thi công, giảm hơn 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại dự án này, chủ đầu tư đã thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu theo quy định trước khi phê duyệt.
Còn dự án D’. Le Pont D Hoàng Cầu cũng xảy ra sai phạm tương tự trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng.
Ở hai dự án D’. Le Pont D Hoàng Cầu và D’. Palais de Louis Nguyễn Văn Huyên, một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số thí nghiệm theo quy định hoặc kết quả thí nghiệm lập không đúng quy định.
Đặc biệt, theo công bố của Thanh tra Bộ Xây dựng thời điểm đó, trong cả 3 dự án hạng sang của Tân Hoàng Minh kể trên, có 11 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng. Trong đó, dự án D’. Le Pont D Hoàng Cầu có 2 nhà thầu. Dự án D’. Palais de Louis Nguyễn Văn Huyên có 8 nhà thầu và dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An có 1 nhà thầu.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh tổng số tiền 275 triệu đồng.
Đáng chú ý, cả 3 dự án từng bị kết luận sai phạm vào năm 2017 nói trên tiếp tục nằm trong danh sách 11 dự án của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu cung cấp tài liệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận