24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những dự án BOT bị 'khai tử' tại TP.HCM

Hai dự án BOT là cầu đường Bình Triệu 2 và tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương do không phù hợp với Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vi phạm hợp đồng nên UBND TP.HCM đã đề xuất chấm dứt hợp đồng.

Dự án BOT tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, trong đó có đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ chấm dứt hợp đồng dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1).

Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do UBND TP.HCM chỉ định cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh được Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) thành lập, đưa cháu gái là Vũ Thị Hoan làm Tổng giám đốc) làm chủ đầu tư.

Theo hợp đồng ký kết vào tháng 6/2016, dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dài khoảng 2,7 km nằm trên địa phận xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư khoảng 1.557 tỷ đồng.

Để thu hồi vốn đầu tư dự án, nhà đầu tư được quyền xây dựng một trạm thu phí trên tuyến đường hoàn thành để thu phí trong vòng 17 năm 8 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017 để giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2020 dự án mới thi công được khoảng 12%, nhiều hạng mục vắng bóng công nhân, máy móc. Chiếu theo hợp đồng, Sở GTVT cho rằng nhà đầu tư đã vi phạm nên Sở đề xuất UBND TP.HCM chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc xử lý, giải quyết các vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết liên quan nhiều đến các lĩnh vực chuyên ngành tài chính, đầu tư và tư pháp. Do vậy, các sở ngành liên quan như Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Tư pháp phải phối hợp, rà soát kỹ các điều khoản hợp đồng và các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ thủ tục pháp lý theo quy định, tránh xảy ra các trường hợp khiếu nại, tranh chấp.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất các thủ tục tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng BOT đã ký kết trước thời hạn với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phương án xử lý đối với việc vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết; đồng thời đề xuất trình tự thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.

Dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2)

Trước đó, vào tháng 10/2020, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 - giai đoạn 2 (quận Bình Thạnh - quận Thủ Đức), và giao UBND thành phố tự cân đối nguồn vốn ngân sách để tiếp tục đầu tư dự án theo quy định.

UBND TP.HCM cho biết, nguyên nhân chấm dứt hợp đồng là vì dự án nếu tiếp tục triển khai sẽ không đúng chủ trương của nghị quyết 437 (các dự án đường bộ đầu tư theo BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2017 .

Ngay sau kiến nghị của UBND TP.HCM, cuối tháng 12/2020, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến dự án nói trên.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kiến nghị của UBND TP.HCM không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Do đó, yêu cầu UBND thành phố tiếp thu ý kiến các bộ để quyết định việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã được ký với nhà đầu tư, và chuyển đổi hình thức đầu tư dự án theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.

Dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) đã được ký hợp đồng BOT với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) vào năm 2018, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. Khi hoàn thành, trạm thu phí sẽ được đặt tại cầu Bình Triệu 1 - 2 hiện hữu để thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án.

Các hạng mục trong dự án bao gồm mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô 6 làn xe, xây dựng nút giao thông Đài liệt sĩ - quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh); xây dựng mới đường Chu Văn An để kết nối với nút giao thông và mở rộng đường nhánh (quận Bình Thạnh); xây dựng mới hai cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức).

Tuy nhiên, ngày 2/11/2020, cơ quan chức năng cho tháo dỡtrạm thu phí ở 2 đầu cầu Bình Triệu (cả giai đoạn 1 và 2) để trả lại lòng đường thông thoáng. Sau 5 năm trạm BOT này dừng hoạt động.

Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý

Tại công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/12, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới từ hình thức Hợp đồng Xây dựng - Vận hành (hoàn vốn bằng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ) Chuyển giao (Hợp đồng BOT) sang dùng vốn ngân sách.

Động thái trên nhằm giải quyết vướng mắc tại dự án này sau khi Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 8/2020 cho rằng các dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới không phù hợp theo nghị quyết 437 của Quốc hội.

Để sớm hoàn thành dự án, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành phố được phép giao các cơ quan chuyên môn lập đề xuất chủ trương đầu tư công đối với dự án cầu Tân Ký - Tân Quý, trình duyệt làm cơ sở triển khai tiếp dự án.

Đồng thời, UBND TP.HCM sẽ tự cân đối ngân sách để thực hiện tiếp dự án; thanh quyết toán đối với các hạng mục nhà đầu tư đã thi công và ký biên bản thanh lý để chấm dứt phụ lục hợp đồng BOT trước thời hạn.

Đến đầu tháng 1/2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến về đề nghị của UBND TP.HCM trong việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc.

Theo đó, Phó thủ tướng cho phép UBND TP.HCM căn cứ tình hình thực hiện, quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư và khả năng cân đối nguồn ngân sách thành phố để quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án trên.

Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc theo phụ lục hợp đồng được ký với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO vào năm 2018

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m; được IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.

Đến giữa năm 2018, công trình thi công đạt 70% khối lượng xây lắp. Do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công. Đến tháng 8/2020, Kiểm toán nhà nước kết luận dự án không phù hợp thực hiện theo hình thức BOT. Việc dừng thực hiện dự án trên theo hợp đồng BOT đồng nghĩa với việc IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, quận Bình Tân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả