Những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng năm 2021
Sau một năm 2020 nhiều sóng gió, thị trường bất động sản đang cho thấy nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng trưởng trong năm 2021.
Nhiều yếu tố hỗ trợ…
“Sau tháng Ngâu, toàn bộ 2.500 căn shophouse dự án ở Hạ Long, Quảng Ninh của chúng tôi không chỉ bán hết, mà còn tăng giá gấp rưỡi. Trong khi trước đó, ở Thanh Hoá, Quy Nhơn, các dự án tương tự phải mất 4 - 5 năm mới bán hết. Cơ bản hàng tồn kho được bán hết trong năm 2020, thực tế này cho thấy thời kỳ xấu nhất đã qua. Đó là nền tảng tốt cho sự phát triển của thị trường năm 2021”. Đây là chia sẻ đầy lạc quan của người đứng đầu Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết.
Nhìn lại thị trường năm 2020 và những trải nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Quyết cho biết, 7 tháng đầu năm 2020 là thời điểm thị trường khủng hoảng thiếu nguồn cung, nhưng đã tích cực hơn trong 5 năm tháng cuối năm. Đây là một trong những lý do để lạc quan hơn vào thị trường năm nay.
Chỉ ra những yếu tố hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là nền kinh tế tăng trưởng ổn định; nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ đầu năm 2021; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng; giải ngân đầu tư công nhanh; chuyển đổi số; lãi suất thấp.
“Có nhiều lý do để tự tin vào thị trường năm nay. Chẳng hạn, về sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra nước ngoài thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản. Hay như lãi suất, hiện là thời điểm lãi suất về mức thấp nhất trong 15 năm qua, góp phần làm giảm chi phí mua nhà hay đầu tư… Mặt khác, tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo ở mức cao từ 6,5-7% nên ngành bất động sản có thêm nền tảng để tăng trưởng tích cực”, ông Lực nói.
Cũng đánh giá cao triển vọng thị trường bất động sản năm 2021, nhưng chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành còn lưu ý thêm về rủi ro tài chính. Theo ông Thành, thị trường chứng khoán và bất động sản đã khởi sắc hơn trong năm 2020, nhưng cũng là lúc “bom nợ” được đề cập tới. Vì thế, năm 2021 sẽ cần nhiều hơn sự khéo léo từ điều hành chính sách tiền tệ và quan trọng nhất vẫn là tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.
… tạo động lực tăng trưởng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, dù 6 tháng cuối năm 2020 có 2 đợt dịch bùng phát nhưng thị trường vẫn thể hiện được nội lực vốn có, nhiều dự án về đích đúng hạn, nguồn cung mới cả năm vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019. Năm 2020 đã có 74.500 sản phẩm giao dịch thành công, một số địa phương có tỷ lệ hấp thụ cao, chẳng hạn như TP.HCM đạt trên 80%. Giá bất động sản cũng tăng ở nhiều nơi. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được hoàn toàn khống chế.
Theo ông Đính, năm 2020 lực cầu tuy giảm, nhưng bất động sản lại thu hút đầu tư ngoài ngành tốt khi có thêm khoảng 30% lượng cầu mới ngoài ngành, bên cạnh sự hỗ trợ từ đầu tư công mạnh. Ngoài ra, với hơn 15 tỷ USD kiều hối, nguồn tiền này sẽ giúp “bơm máu” cho thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán trong xu hướng tăng cũng tạo đà hưng phấn, đặc biệt, với triển vọng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao sẽ kích thích nhu cầu mua nhà tăng trở lại.
“2021 cũng là năm đầu nhiệm kỳ mới trong chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp nên có thể tạo nên nhiều xung lực cho thị trường tới từ các nỗ lực thu hút đầu tư, triển khai dự án... Năm 2021 cũng khó có khả năng xảy ra bong bóng nên các dự án sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn”, ông Đính nói.
Liên quan tới nguồn cung, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam cho biết, sau 2 quý đầu năm yên ắng do nguồn cung suy giảm, thị trường căn hộ đã sôi động hơn trong 2 cuối năm 2020 khi nhiều dự án được chào bán ra thị trường, đặc biệt tại TP.HCM.
Ngoài ra, các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng xuất hiện nhiều dự án mới, cạnh tranh trực tiếp với thị trường TP.HCM, đặc biệt là nhóm sản phẩm đầu tư tầm trung (căn hộ, nhà phố, đất nền…).
Đưa ra lời khuyên với các chủ đầu tư, ông Kiệt cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp cần xác định phân khúc khách hàng mục tiêu là nhà đầu tư hay người có nhu cầu ở thực. Đối với các phân khúc sản phẩm tầm trung, khách hàng có nhu cầu mua để ở vẫn là nhóm khách hàng tiềm năng vì nhu cầu nhà ở luôn ở mức cao. Trong khi đó, nhóm khách hàng đầu tư sẽ giảm mạnh so với trước đây do tác động của dịch bệnh.
“Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần tập trung vào hoàn thiện pháp lý, đảm bảo tiến độ thi công theo cam kết bởi đây là yếu tố dễ gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư; đồng thời, xây dựng phương thức thanh toán linh hoạt hơn cho người mua kèm theo những giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp như liên kết với các tổ chức tín dụng để giảm lãi vay, ân hạn nợ và gốc, giãn thời gian thanh toán…)”, ông Kiệt khuyến nghị.
Với các nhà đầu tư, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên bám sát các chính sách hỗ trợ để có thể bắt kịp sự dịch chuyển, nhịp đập thị trường, từ đó đưa ra cách ứng phó linh hoạt nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận