24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thị Lâm Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những điều nên biết về phí giao dịch chứng khoán

Phí giao dịch chứng khoán là điều mà mọi nhà đầu tư quan tâm và cân nhắc khi tham gia vào thị trường tài chính - chứng khoán.

Để hiểu hơn về khái niệm phí giao dịch chứng khoán, mời quý vị cùng theo dõi những thông tin ngay bên dưới. Trong bài viết này, 24hMoney sẽ cung cấp nền tảng kiến thức về:

  • Phí giao dịch chứng khoán là gì?
  • Vì sao cần nộp phí giao dịch chứng khoán?
  • So sánh biểu phí giao dịch của các công ty chứng khoán nổi bật
  • Những điều cần lưu ý khi đầu tư chứng khoán bên cạnh phí giao dịch

Phí giao dịch chứng khoán là gì?

Phí giao dịch chứng khoán hay còn được gọi là phí môi giới chứng khoán là khoản tiền phải trả cho công ty chứng khoán khi giao dịch mua bán chứng khoán thành công (lệnh được khớp) qua doanh nghiệp đó. Thường các giao dịch có giá trị càng lớn thì phí giao dịch sẽ càng thấp.

Những điều nên biết về phí giao dịch chứng khoán
Phí giao dịch chứng khoán là khoản phí bắt buộc cho mọi nhà đầu tư (Nguồn ảnh: CafeF)

Phí giao dịch chứng khoán là khoản phí thường xuyên và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng phí mà nhà đầu tư phải chi trong quá trình mua bán. Phí này được tính bằng tỷ lệ phí theo ngày nhân với tổng giá trị giao dịch trong ngày và tỷ lệ phần trăm phí cũng thay đổi theo từng thời kỳ, tuỳ theo định hướng hoặc chiến lược riêng của mỗi công ty chứng khoán. Phí được tạm thu khi đặt lệnh và thực thu nếu khớp lệnh thành công. Trong trường hợp kết thúc ngày giao dịch mà lệnh vẫn chưa khớp hoặc bị huỷ, phí đã tạm khấu trừ sẽ được hoàn trả về tài khoản của nhà đầu tư. Vào cuối ngày giao dịch, phí được quyết toán lại dựa trên lịch sử giao dịch thực tế của tài khoản đó.

Theo thông tư 128 của Bộ Tài Chính (hiệu lực từ tháng 2/2019), phí giao dịch chứng khoán không có mức tối thiểu và không được vượt quá 0,5% giá trị một lần giao dịch. Vì vậy phí này thực tế hiện ở khoảng 0,1% - 0,35%, có sự chênh lệch giữa các công ty chứng khoán lâu đời và mới thành lập. Thông thường những đơn vị hoạt động, phát triển nhiều năm sẽ có mức phí cao hơn vì đã có uy tín vững vàng, tệp khách hàng ổn định hoặc liên tục gia tăng nên không dùng mức phí cạnh tranh để thu hút khách mới.

Ví dụ: Khi mua 1000 cổ phiếu VCB (Ngân hàng Vietcombank) qua Công ty chứng khoán A tạm gọi với giá khớp lệnh là 100.000 đồng/cp và mức phí giao dịch chứng khoán 0,35%. Lúc này tổng giá trị mua của giá trị này là 100.000.000 đồng (mua cổ phiếu) + 352.800 đồng (phí giao dịch). Như vậy, nhà đầu tư cần 100.352.800 đồng để thành công sở hữu 1000 cổ phiếu VCB.

Ngoài ra, đa số các công ty chứng khoán thường có mức phí giao dịch cố định khi giao dịch trực tuyến. Nếu mua bán qua kênh khác, phí được chia ra nhiều mức tuỳ thuộc vào giá trị giao dịch cụ thể. Bên cạnh phí giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư sẽ còn chịu thêm một số khoản khác như phí mở tài khoản, phí sử dụng ứng dụng, phí lưu ký chứng khoán, phí giao dịch ngoài sàn, phí ứng trước tiền bán, phí dịch vụ tin nhắn... Trong số này, quan trọng nhất vẫn là phí giao dịch và phí vay ký quỹ (lãi suất margin).

Vì sao cần nộp phí giao dịch chứng khoán?

Câu trả lời là vì phí giao dịch chứng khoán bắt buộc phải đóng. Chính xác hơn, việc mở tài khoản tại công ty chứng khoán là yêu cầu cần có đối với mọi nhà đầu tư muốn tham gia thị trường. Một nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán nhưng mỗi công ty chứng khoán chỉ được mở duy nhất một tài khoản giao dịch tương ứng với nhà đầu tư cụ thể. Khi tham gia giao dịch, khách hàng sẽ trả các loại phí theo quy định, đổi lại họ sẽ được hỗ trợ tư vấn bởi bộ phận môi giới của công ty chứng khoán.

Hiện tại Bộ Tài Chính đang đề xuất giảm phí giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết (không bao gồm ETF) từ 0,03% xuống 0,027%; ETF niêm yết giảm từ 0,02% xuống 0,018%; cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đăng ký giao dịch (UPCoM) giảm từ 0,02% xuống 0,018%; chứng quyền có bảo đảm giảm từ 0,02% giá trị giao dịch (GTGD) xuống còn 0,018% GTGD.

Bên cạnh đó, Bộ còn đề xuất giảm thêm cho mức giá dịch vụ dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) từ tối đa 0,5% GTGD xuống còn tối đa 0,45% GTGD; giá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai chỉ số được điều chỉnh giảm từ tối đa 15.000 đồng/hợp đồng xuống còn 5.000 đồng/hợp đồng, còn hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được điều chỉnh giảm từ tối đa 25.000 đồng/hợp đồng xuống còn 8.000 đồng/hợp đồng... Nếu được thông qua sẽ hạn chế phần nào áp lực phí giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư.

Những điều nên biết về phí giao dịch chứng khoán
Một số công ty chứng khoán nổi bật tại thị trường Việt Nam (Nguồn ảnh: Vietstock)

So sánh biểu phí giao dịch của những công ty chứng khoán lớn

Thực tế cho thấy mức phí giao dịch chứng khoán (theo %/ngày) của các công ty chứng khoán tại Việt Nam không đồng đều, cụ thể như sau:

STT Tên công ty chứng khoán Phí giao dịch chứng khoán (%/ngày)
1 CTCP Chứng khoán SSI

- Giao dịch trực tuyến: 0.25%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.25% - 0.4%

2 CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC)

- Giao dịch trực tuyến: 0.15% - 0.2%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.15% - 0.35%

3 CTCP Chứng khoán Bản Việt 0.15% - 0.35%
4 CTCP Chứng khoán VNDIRECT 0.15% - 0.35%
5 CTCP Chứng khoán VPS

- Giao dịch trực tuyến: 0.2%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.15% - 0.3%

6 CTCP Chứng khoán MB (MBS)

- Khách hàng chủ động giao dịch (không có broker chăm sóc): 0.12%

- Khách hàng có chuyên viên tư vấn, quản lý, giao dịch trực tuyến: 0.15% - 0.3%

- Khách hàng có chuyên viên tư vấn, quản lý, giao dịch qua kênh khác: 0.15% - 0.35%

7 Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)

- Giao dịch trực tuyến: 0.15%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.2% - 0.25%

8 CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

- Gói tư vấn online: 0.18%

- Gói chuyên gia tư vấn: 0.2%

9 CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) 0.15% - 0.3%
10 CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) 0.1% (Với Gói ưu đãi iWealth Pro hoặc Trial: 0.075%)
11 Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

- Gói chủ động: 0.18%

- Gói có tư vấn: 0.2%

12 CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) 0.15% - 0.3%
13 Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng 0.12% - 0.25%
14 CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) 0.08% - 0.15%
15 CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBS)

- Giao dịch trực tuyến: 0.15% - 0.2%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.2% - 0.25%

16 CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) 0.177% - 0.297% (Đối với mã chứng khoán VDS: 0.15%)
17 Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam

- Giao dịch trực tuyến: 0.15%

- Giao dịch qua kênh khác: 0.15% - 0.3%

18 CTCP Chứng khoán Pinetree 0.03%

Nguồn tham khảo: Vietnambiz

Cần lưu ý thêm điều gì bên cạnh phí giao dịch chứng khoán?

Bên cạnh phí giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nên xem xét chất lượng tư vấn của từng công ty chứng khoán cụ thể. Trong bối cạnh nhiều đơn vị đang dùng việc miễn/giảm phí giao dịch để cạnh tranh, khách mua càng phải "tỉnh táo" xem xét trước khi quyết định.

Những điều nên biết về phí giao dịch chứng khoán
Bên cạnh phí giao dịch, chất lượng tư vấn cũng là điều nên cân nhắc

Tất nhiên không thể khẳng định những nơi có mức phí thấp sẽ kém chất lượng hay ngược lại mà sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với nhà đầu tư đã có kiến thức nhất định, tần suất giao dịch cao thì phí giao dịch thấp sẽ rất phù hợp nhưng đối với người mới, điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ cần thiết, tận tình, kịp thời hơn là mức phí cạnh tranh. Ngoài ra, quý vị cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hiểu về cách tính phí giao dịch. Theo đó, công thức sẽ là: Chi phí = Mức phí (%) x Giá trị giao dịch (Khối lượng giao dịch x Giá cổ phiếu)
  • Mức phí cho khối lượng giao dịch. Các công ty chứng khoán thường dành ưu đãi cho giao dịch có khối lượng lớn, dẫn đến biểu phí giao dịch có thể khác nhau, tuỳ theo khối lượng. Ngoài ra, những doanh nghiệp này cũng áp dụng biểu phí riêng cho trái phiếu, chứng khoán phái sinh...
  • Chú ý về khoản phí tạm thu khi đặt lệnh phải được hoàn trả về tài khoản trong trường hợp không khớp lệnh thành công.

Hy vọng bài viết này từ 24hMoney có thể giúp quý vị tháo gỡ phần nào thắc mắc về phí giao dịch chứng khoán. Để cập nhật thêm thông tin hữu ích vui lòng truy cập website hoặc tải app 24hMoney hoàn toàn miễn phí!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả