24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Coach Đức Nguyễn Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Trong những tuần vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua những biến động mạnh mẽ, khiến nhiều nhà đầu tư bối rối. Từ những cú sốc tại thị trường chứng khoán Nhật Bản đến những biến động dữ dội tại Hoa Kỳ, châu Âu, và cả Việt Nam…các sự kiện này không chỉ là các hiện tượng đơn lẻ mà còn phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn về các động lực kinh tế toàn cầu, sự thay đổi chính sách tiền tệ và sự đổ vỡ của các chiến lược tài chính phức tạp.

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Kính chào quý độc giả,

Sự Sụp Đổ Của Carry Trade Đồng Yên: Nguyên Nhân Gây Hỗn Loạn

Một trong những yếu tố chính gây ra sự biến động gần đây là sự sụp đổ của carry trade đồng yên. Chiến lược này liên quan đến việc vay mượn đồng yên với lãi suất cực thấp và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nước ngoài. Trong nhiều năm, chiến lược này mang lại lợi nhuận hấp dẫn nhờ lãi suất gần bằng không của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ tăng lãi suất đã khiến đồng yên tăng giá mạnh, buộc các nhà giao dịch phải đóng các vị thế của mình, bán tháo tài sản để bù lỗ.

Carry trade, thường được mô tả như "nhặt đồng xu trước máy lu," rất nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất và giá trị tiền tệ. Khi đồng yên tăng giá, chi phí phục vụ các giao dịch này cũng tăng, dẫn đến việc bán tháo ồ ạt khi các nhà giao dịch vội vã rút lui. Nhà đầu tư dùng phương pháp này cùng lúc phải đối mặt với thiệt hại từ: Chi phí vốn tăng lên dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, thiệt hại từ tỷ giá, thiệt hại từ chênh lệch giữa lệnh mua – bán (spread) và thiệt hại do tài sản đầu tư vào mất giá. Và tệ hơn hết, những thiệt hại này sẽ được nhân lên bằng đòn bẩy. Chẳng hạn thay vì vay tiền Yên Nhật để chuyển qua USD mua trái phiếu Kho bạc Mỹ thì họ sẽ mua Quyền chọn (option) của trái phiếu kho bạc Mỹ

Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự hoảng loạn gần đây trên các thị trường toàn cầu.

Chính vì thế, các tổ chức đang có vị thế carry trade buộc phải tìm đến những tài sản khác rủi ro hơn để có được mức chênh lệch lợi nhuận lớn hơn trong bảng cân đối kế toán của mình, họ tìm đến các loại trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu rác và điển hình là dưới dạng tranches.

Ở Mỹ, "tranches" thường được sử dụng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong các sản phẩm như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) hoặc nợ đảm bảo (CDO). Khi một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính phát hành các khoản vay, họ có thể gộp nhiều khoản vay lại thành một sản phẩm đầu tư lớn, sau đó chia nhỏ nó thành nhiều phần nhỏ hơn gọi là "tranches".

Mỗi tranche có một mức độ rủi ro và lợi nhuận khác nhau. Các tranches rủi ro thấp hơn (với mức lợi nhuận thấp) được trả trước, trong khi các tranches rủi ro cao hơn (với mức lợi nhuận cao hơn) chỉ được thanh toán sau khi các tranches an toàn đã được thanh toán. Điều này cho phép các nhà đầu tư chọn lựa phần nào phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ.

Chuyển nợ xấu thành tài sản hấp dẫn:

- Các khoản nợ xấu hoặc có rủi ro cao được đưa vào các tranches thấp hơn. Tuy nhiên, bằng cách gom nhiều khoản nợ khác nhau lại với nhau, ngân hàng có thể tạo ra một sản phẩm tài chính có vẻ an toàn hơn. Những khoản nợ rủi ro này vẫn được bán cho các nhà đầu tư nhưng với lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro.

- Bằng cách này, các khoản nợ xấu ban đầu có vẻ không có giá trị được “biến” thành tài sản tài chính mà các nhà đầu tư sẵn lòng mua.

- Để làm cho các tranches có vẻ an toàn hơn, các ngân hàng đầu tư còn sử dụng các công cụ tài chính phái sinh khác, như Credit Default Swaps (CDS), để bảo hiểm cho các khoản nợ này.

Ví dụ, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều tranches rủi ro cao bị tổn thất nặng nề do các khoản vay không thể thanh toán, điều này làm sụp đổ cả hệ thống tài chính khi các tranches khác cũng bị ảnh hưởng theo.

Hoảng Loạn Tại Thị Trường Nhật Bản: Không Chỉ Là Vấn Đề Địa Phương

Tác động của việc BoJ tăng lãi suất cảm nhận rõ rệt nhất tại Nhật Bản, chỉ số Topix Banks của Nhật Bản chỉ phục hồi 3,9% vào thứ Ba, một mức phục hồi rất khiêm tốn so với pha sụt giảm kỷ lục nhất 17% vào thứ Hai, Nikkei 225 sụt 12%

Mức phục hồi này quá nhỏ bé khi so sánh với chỉ số Nikkei 225 phục hồi 10% sau đó

Lao dốc không phanh nhanh hơn thị trường chung và phục hồi yếu đuối chứng tỏ hệ thống ngân hàng Nhật đang trong tình trạng rắc rối to và chực chờ nhiều rủi ro phía trước

Đây là cú sốc lớn nhất của thị trường Nhật kể từ năm 1987. Điều này đã xóa sạch toàn bộ lợi nhuận của năm và làm cho nhà đầu tư lo lắng. Tình hình của Nhật Bản đặc biệt bởi vì nó không đồng bộ với chu kỳ kinh tế toàn cầu. Trong khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn với lạm phát, Nhật Bản vẫn đang cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát sau nhiều thập kỷ trì trệ.

Những biến động mạnh mẽ trên thị trường Nhật Bản không chỉ phản ánh các vấn đề nội địa mà còn cho thấy mức độ kết nối của các thị trường tài chính toàn cầu. Những động thái của BoJ đã gây ra các làn sóng phản ứng trên toàn thế giới, góp phần làm tăng sự biến động ở các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu.

Thị Trường Lao Động Hoa Kỳ: Ngòi Nổ Cho Những Lo Ngại Rộng Hơn

Ngòi nổ cho cơn bão thị trường gần đây có thể được truy nguyên từ một báo cáo việc làm của Mỹ, cho thấy sự chậm lại rõ rệt hơn nhiều so với dự kiến trong việc tuyển dụng. Với mức thất nghiệp dạt con số báo động 4.3 %. Báo cáo này là một cú sốc đối với nhiều nhà đầu tư, những người đã kỳ vọng vào một "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế—nơi lạm phát được kiềm chế mà không gây ra suy thoái. Tuy nhiên, dữ liệu việc làm đáng thất vọng, kết hợp với loạt báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp kém tích cực, đã bắt đầu chuyển hướng tâm lý của thị trường sang triển vọng bi quan hơn.

Người tiêu dùng Hoa Kỳ đã là động lực chính cho sức mạnh của thị trường, nhưng sự phụ thuộc này cũng khiến thị trường trở nên dễ tổn thương. Với lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao, và khoản tiết kiệm từ thời kỳ đại dịch đã cạn kiệt, chi tiêu của người tiêu dùng đang chịu áp lực lớn. Dữ liệu lao động gần đây đã khiến một số nhà phân tích nâng cao khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ, thêm một lớp bất định khác vào thị trường vốn đã đầy biến động.

Và với báo cáo này đã chính thức kích hoạt Quy tắc Sahm - một chỉ số suy thoái kinh tế được phát triển bởi nhà kinh tế học Claudia Sahm của Cục Dự trữ Liên bang - theo đó, nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái khi mức trung bình động ba tháng của tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5% so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Và báo cáo này có tỷ lệ dự báo chính xác ấn tượng lên đến 100% cho 12 lần suy thoái kể từ năm 1953 đến nay.

Có những chuyên gia như Torsen Slock cho rằng số liệu thất nghiệp tháng 7 vừa rồi ở Mỹ là do số lao động nhập cư bất hợp pháp tăng lên chứ không phải là do số lượng việc làm bị cắt. Điều này hoàn toàn là ngụy biện, vì nếu ai chịu khó nghiên cứu cách Cục Thống Kê Lao Động Hoa Kỳ lấy mẫu khảo sát trên 60,000 hộ tương đương với 110,000 người lao động và mẫu hiện tại đang dùng được thu thập vào 2022 và chỉnh sửa bổ sung vào 2023. Và lần cập nhật mẫu mới sẽ dự kiến vào tháng 1. 2025. Và chưa kể người được xếp vào thất nghiệp phải là người có nộp đơn đăng ký thất nghiệp và có nỗ lực tìm việc ít nhất 1 lần trong 3 tuần gần nhất trước khảo sát. Nên nói số thất nghiệp tăng mạnh là do người nhập cư bất hợp pháp tăng mạnh vừa qua là tuyên bố ngụy biện, vô căn cứ để đánh lạc hướng. Đây là một bài học cho chúng ta về độ tin cậy của các phát biểu của các chuyên gia, chúng ta cần trang bị cho mình kỹ năng đánh giá và óc phản biện chứ không bao giờ tin mù quán vào bất kỳ ai dù cho họ ngồi ở vị trí nào đi chăng nữa. Điều này cũng nên áp dụng cho những gì tôi chia sẻ với bạn, tôi khuyến khích bạn hãy đánh giá lại những lời tôi chia sẻ ở đây để có cái nhìn của chính bạn.

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Vai Trò Của Quản Lý Rủi Ro và Sự Kết Nối Giữa Các Thị Trường

Sự biến động thị trường gần đây cũng làm nổi bật mức độ kết nối của các thị trường toàn cầu và tốc độ mà rủi ro có thể lan rộng. Một động thái lớn ở một thị trường có thể kích hoạt các phản ứng dây chuyền ở những thị trường khác, đặc biệt là khi các tổ chức buộc phải điều chỉnh mức độ rủi ro của mình. Ví dụ, sự mạnh của thị trường Nhật Bản đã dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu ở Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, vốn là động lực chính của thị trường trong suốt năm qua.

Khái niệm "lây lan" trong các thị trường tài chính ám chỉ sự lan rộng của các cú sốc thị trường từ một quốc gia hoặc một khu vực sang các khu vực khác. Hiện tượng này thường trở nên trầm trọng hơn bởi các biện pháp quản lý rủi ro tại các tổ chức tài chính lớn. Khi một phần của danh mục đầu tư gặp tổn thất lớn, các nhà quản lý rủi ro có thể chỉ đạo các nhà giao dịch giảm mức độ rủi ro trên toàn bộ danh mục, dẫn đến việc bán tháo rộng rãi. Điều này đã được minh chứng bằng sự gia tăng mạnh mẽ trong tương quan của thị trường chứng khoán và sự biến động, được đo bằng chỉ số VIX, đạt mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.

Sự Chững lại Của "Magnificent Seven": Thất Vọng Lớn Của Nhà Đầu Tư

Trong khi nguyên nhân trực tiếp của sự biến động gần đây đã rõ ràng, chúng cũng là biểu hiện của các vấn đề cơ cấu sâu hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Nhật Bản vẫn đang đối mặt với những khó khăn từ dân số già, tăng trưởng thấp và nợ công cao, và giờ đây những thách thức này đang càng thêm phức tạp bởi sự phân hóa trong chính sách tiền tệ giữa các khu vực.

Tại Mỹ, lĩnh vực công nghệ—một thời là động lực không thể ngăn cản của tăng trưởng thị trường—đang bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy yếu.

Sự thất vọng của nhà đầu tư gia tăng đối với nhóm cổ phiếu công nghệ được gọi là "Magnificent Seven"—bao gồm Apple, Nvidia, Alphabet, Tesla, Microsoft, Meta, và Amazon. Những cổ phiếu này đã mất hơn 650 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài ngày, chủ yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như sự mịt mờ trong kỳ vọng của việc đầu tư vào AI. Theo Goldman Sachs, tổng đầu tư của các công ty công nghệ Mỹ vào AI đã lên đến con số gần 400 tỷ USD và dự kiến sẽ lên 1000 tỷ USD trong thời gian tới

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Quyết định chống độc quyền gần đây đối với Google, kết hợp với việc bán cổ phiếu của các nhà lãnh đạo tại các công ty công nghệ lớn, đã làm lung lay thêm niềm tin của nhà đầu tư.

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Thêm vào đó quyết định của Berkshire Hathaway cắt giảm cổ phần của mình trong Apple. Việc cắt giảm này đã thổi bùng lên nỗi lo ngại trong giới đầu tư, đặc biệt khi các báo cáo thu nhập gần đây từ các công ty này không đạt được kỳ vọng. Intel đã có cú sập lớn nhất đối với cổ phiếu của mình, mức rơi tự do 25% trong một phiên giao dịch tối thứ 2 là mức rơi lớn nhất trong lịch sử thành lập của Intel trong một ngày.

Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản thương mại tại Mỹ vẫn là một rủi ro tiềm ẩn, với nhiều tài sản vẫn còn trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, có thể gây ra sự bất ổn hơn nữa nếu điều kiện kinh tế xấu đi.

Và hãy nhớ, carry trade không chỉ là vấn đề đối với các ngân hàng Nhật mà nó cũng là vấn đề đối với nhiều Ngân hàng Mỹ vì đồng USD từng neo quanh mức lãi suất tương đương 0 rất lâu. Carry trade, trái phiếu kho bạc trong bảng cân đối mất giá, nợ xấu từ lĩnh vực bất động sản thương mại, nợ tiêu dùng cá nhân mất khả năng thanh toán đã làm cho các ngân hàng Mỹ đang đối mặt với mức lỗ chưa ghi nhận lớn nhất trong lịch sử.

Những Điều Bạn Nên Biết Về Sự Hoảng Loạn Của Thị Trường Tài Chính Thời Gian Qua!

Nền Kinh Tế & Thị Trường Tài Chính Toàn Cầu Như Cánh Rừng Mùa Khô

Hãy tưởng tượng tình hình kinh tế & tài chính toàn cầu hiện như một cánh rừng mùa khô, nơi các yếu tố rủi ro chính là những lớp lá khô nằm dưới nền đất, âm ỉ chờ một tia lửa nhỏ. Chỉ cần một tia lửa nhỏ đến từ một yếu tố tài chính, địa chính trị nào đó có thể thổi bùng lên đám cháy dữ dội bất kỳ lúc nào. Và những tia lửa đó luôn sẵn sàng xuất hiện như xung đột ở Trung Đông, Ukraine tấn công chiếm ngược lãnh thổ Nga, Bất Động Sản Trung Quốc, Mỹ, nền kinh tế mong manh của châu Âu, hệ thống ngân hàng với những khoản nợ xấu khổng lồ của Nhật, Mỹ và những khoảng đầu tư mạo hiểm khổng lồ, tiêu dùng đuối sức ở các nước.

Đó là bức tranh tôi đã cố gắng tổng hợp được một phần cho bạn vì tính chất hạn hẹp của newsletter, hành động còn lại là ở bạn. Tôi cũng đã có những chia sẻ về chiến lược để phòng vệ cũng như tận dụng cơ hội khi mọi thứ trở nên xấu đi trên kênh Youtube Tiền Dại Tiền Khôn FCI mà bạn có thể tham khảo thêm. Nhưng nhớ rằng chỉ có bạn mới là chỗ dựa vững vàng nhất cho chính mình những lúc như thế nên hãy không ngừng nâng cao trí tuệ, nâng lực của bản thân. Đừng làm chính mình thất vọng nhé, tôi tin là bạn làm được.

Chúc bạn luôn an vui, vững vàng

Nếu bạn cảm thấy thú vị với những bài viết của tôi mà chưa đăng ký thì có thể bấm vào nút Đăng Ký Ngay để theo dõi và nhận được email tự động hàng tuần từ tôi vào trưa chủ nhật hàng tuần tại đường link:

coachducnguyenfci.substack.com/subscribe

(Pledge là chức năng mặc định của Substack, có nghĩa là bạn muốn đăng ký nhận tin và tài trợ để động viên cho người viết là bao nhiêu, nếu không muốn tài trợ bạn chỉ đơn giản để là 0$.)

Ghé thăm và Subscribe kênh Youtube: Tài Chính Tỉnh Thức FCI để xem thêm và thường xuyên được cập nhật về các các Video mới nhất!
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Coach Đức Nguyễn Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả