Những điểm nghẽn và vướng mắc cần tháo gỡ trong Luật PPP để thị trường bất động sản phục hồi
Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) vừa được Quốc hội và Chính phủ ban hành, HoREA cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực mà Luật này mang lại cho doanh nghiệp thì đi cùng với đó vẫn còn một số điểm nghẽn và vướng mắc cần được sớm tháo gỡ.
Đánh giá về mặt tích cực của Luật PPP, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trước tiên HoREA và doanh nghiệp rất hoan nghênh việc Quốc hội đã thông qua Luật PPP, theo đề xuất của Chính phủ, nhằm huy động các nguồn lực thuộc khu vực tư nhân cùng hợp tác với Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ, theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Theo ông Châu, tại khoản 5 và khoản 6 Điều 101 Luật PPP quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021) và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/8/2020, là rất kịp thời và rất cần thiết, để có thời gian rà soát, xem xét chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT.
Tương tự, tại khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định xử lý chuyển tiếp các dự án BT phù hợp thực tiễn và có lý có tình.
“Nhất là, điểm c Khoản 5 Điều 101 Luật PPP sẽ tháo gỡ được các ách tắc, vướng mắc trong “việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết”, do hiện nay, một số nhà đầu tư dự án BT gặp khó khăn, vướng mắc, do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương thanh toán khối lượng đã thực hiện, hoặc chưa được bàn giao quỹ đất để thực hiện dự án khác”, Chủ tịch HoREA đánh giá.
Trong khi đó, đánh giá về những mặt hạn chế của Luật PPP, theo ông Lê Hoàng Châu, việc Luật PPP quyết định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng BT kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng không quy định rõ là “dừng tạm thời trong một thời gian”, hay là “xóa sổ” phương thức xã hội hóa đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BT.
Bên cạnh đó, Luật PPP còn không sửa đổi, bổ sung, cũng không bãi bỏ phương thức xã hội hóa đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BT, được quy định tại Khoản 3 Điều 13, Điều 44 và Điều 117 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (là những điều, khoản về đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT), nên theo suy đoán logic thì các điều, khoản này vẫn có hiệu lực, mà chỉ bị dừng triển khai, dừng thực hiện theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 101 Luật PPP.
Do đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư thông qua các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT là rất cần thiết và đúng đắn.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, trong những năm qua, do một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, kể cả khâu thực thi pháp luật đối với một số dự án BT, nên bên cạnh mặt tích cực, đã bộc lộ các bất cập, thậm chí đã có các “lỗ hổng”, dẫn đến khả năng có thể làm thất thoát tài sản công (chủ yếu là tài sản đất đai, trụ sở làm việc), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
“Ở chiều ngược lại, có nhà đầu tư dự án BT có thể đã chiếm hưởng được nhiều lợi ích không chính đáng, ngay ở đầu xây dựng (đầu B-Building) khi thực hiện công trình BT, và cả ở đầu chuyển giao (đầu T-Transfer) khi được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để thực hiện dự án khác, theo đúng đề xuất của nhà đầu tư dự án BT. Đồng thời, còn làm cho môi trường kinh doanh kém minh bạch và thiếu công bằng”, ông Châu nhận định.
Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA đã có văn bản trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực UBND TP.HCM, trong đó, đề nghị việc dừng triển khai dự án BT nên giới hạn trong khoảng năm 2020-2022, để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư này.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Trọng tâm là rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo tính khả thi, bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án theo hình thức Hợp đồng BT hiệu quả hơn, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận