24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Huyền NT
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những điểm nghẽn logistics Việt Nam

Đến năm 2018, có gần 4.000 công ty kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Con số này không ít, nhưng số có thể cung cấp dịch vụ trọn gói từ đầu đến cuối thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, và với chi phí rất cao.

Mới đáp ứng những phần dịch vụ cơ bản nhất

Trung tâm Hateco Logistics rộng 12 héc ta, nằm tại khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), mới đi vào vận hành được một năm và được Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá là một mô hình kinh doanh logistics hướng tới chuỗi giá trị đầy đủ nhất. Theo giới thiệu của ông Đinh Duy Linh, Tổng giám đốc Hateco Group, nơi đây đã và đang biến thành trung tâm logistics hiện đại cung cấp các dịch vụ vận tải, hải quan, kho bãi, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Một trụ sở cho chi cục của hải quan hoạt động đang được hoàn thiện tại đây nhằm giúp doanh nghiệp có địa điểm kiểm tra hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành tập trung. Hateco cũng muốn trở thành kho hàng không nối dài, kết nối với nhà ga tại sân bay Nội Bài , làm thủ tục soi chiếu, an ninh hàng không, xuất khẩu...

Hateco Logistics là một trong số 4.000 doanh nghiệp các loại đầu tư vào lĩnh vực logistics - một dịch vụ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

4.000 công ty logistics là không ít, nhưng theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký VLA, số lượng doanh nghiệp không nói lên gì nhiều, dịch vụ mà các công này cung cấp được tới đâu mới quan trọng. Một công ty logistics hoàn chỉnh phải đáp ứng những điều kiện sau: (1) là nơi tập kết hàng hóa, (2) là nơi làm hàng hóa (đóng, rút hàng...), (3) làm thủ tục hải quan, (4) đóng gói bao bì, dán tem, kiểm nghiệm hàng hóa, (5) làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, (6) có ngân hàng tại chỗ để làm các thủ tục thanh toán, (7) thực hiện các dịch vụ liên quan khác.

Nói cách khác, một công ty/trung tâm logistics lớn sẽ kết nối được từ khâu đầu đến khâu cuối của hàng hóa. Song thực tế tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp có thể thực hiện được hoàn chỉnh một chuỗi công việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần còn lại, theo thống kê của VLA, đến 90% doanh nghiệp logistics là làm dịch vụ xuất/nhập khẩu, trong đó phần lớn doanh nghiệp làm khai báo hải quan; giao nhận hàng hóa, vận tải nội địa. Phần còn lại làm dịch vụ liên quan đến kho hàng và phân phối.

Như vậy, vẫn theo đánh giá của VLA, các doanh nghiệp logistics hiện chủ yếu cung cấp ba dịch vụ cơ bản nhất liên quan đến vận chuyển, kho bãi, xếp dỡ hàng hóa và khai báo hải quan. Còn những hoạt động liên quan đến dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử... chiếm tỷ lệ thấp. Điều đó cho thấy, dù có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành không nhỏ, nhưng số doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, từ đầu đến cuối quy trình không nhiều và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Dịch vụ logistics đắt vì đâu?

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam mỗi năm tăng trưởng từ 12-14% và sẽ còn tiếp tục tăng nhờ độ mở của nền kinh tế mỗi ngày một lớn. Song chi phí dịch vụ logistics lại đang là một gánh nặng, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Bất cập này, nếu không được giải quyết, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế mà ngay với ngành logistics cũng khó mà phát triển bền vững.

Thống kê của Công ty Tư vấn ALG (thuộc Ngân hàng Thế giới) cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân 16-17% của nhóm ASEAN-6. Các nhóm hàng may mặc, nông sản... chi phí logistics chiếm khoảng 10-20% giá thành. Riêng với gạo, mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, chi phí logistics chiếm tới 29,8% giá thành.

Trong chi phí logistics, vận tải chiếm khoảng 60%, lưu kho bãi (bao gồm cả xếp dỡ và thủ tục thông quan) chiếm khoảng 35% và chi phí quản trị chiếm 5%. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu tại Việt Nam hầu hết đi thuê ngoài dịch vụ logistics (70%), chỉ có khoảng 30% tự làm việc này. Điều đó cho thấy nhu cầu dịch vụ này rất cao và việc giảm chi phí dịch vụ có ảnh hưởng không ít đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Các doanh nghiệp thực hiện khảo sát với VLA cho biết, các yếu tố làm chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao do: thủ tục giấy tờ hành chính , chi phí vận tải quốc tế, giá xăng dầu, ùn tắc giao thông và kết nối hạ tầng logistics không đồng bộ.

Giải tỏa được những “điểm nghẽn” thì mới hạ được chi phí

Những yếu tố chính làm gia tăng chi phí logistics ở Việt Nam nằm ở chính sách quản lý, trong đó có điểm nghẽn về thủ tục giấy tờ hành chính, và kết cấu hạ tầng không đồng bộ, khó kết nối.

Với việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, từ tháng 6-2018, tất cả quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa ở mức cao với 99,6% doanh nghiệp tham gia hải quan điện tử tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, giúp doanh nghiệp giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan (trích Sách trắng logistics 2018).

Nhưng một thống kê khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu năm nay cho thấy, mặc dù có đến hàng ngàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các loại hàng hóa nhưng tính đến hết tháng 9-2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục được thực hiện. Trong 68 thủ tục này, chỉ có duy nhất một thủ tục (khai báo hóa chất) là thực hiện điện tử hoàn toàn. Các thủ tục khác, dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm bản giấy. Như vậy, mức độ cải cách hành chính - vốn ảnh hưởng rất lớn đến chi phí logistics, rất chậm. Chưa kể, các doanh nghiệp thường mất từ 3-5% tổng chi phí cho các chi phí không chính thức.

Điểm “nghẽn” hạ tầng thì cũng rất rõ ràng. Mạng lưới hạ tầng hiện nay chưa hỗ trợ được cho kết nối vận tải đa phương thức: hàng không - đường bộ - đường thủy nội địa và đường biển.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển, nhưng trong nội địa đường bộ chiếm 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển. Trong báo cáo phân tích về ngành giao thông Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố cách đây hơn một tháng, trong chi phí vận tải (chiếm gần 60% chi phí logistics) còn “chứa” đầy những bất cập về giá xăng dầu, tắc nghẽn giao thông, năng lực đội xe và những chi phí không chính thức khác.

Nếu vượt qua được chừng ấy bất cập và điểm nghẽn, logistics ở Việt Nam mới có thể trở thành chỗ dựa tốt, thay vì là gánh nặng như bấy lâu nay, cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
10.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả