Những dấu ấn và tồn tại của ngành giao thông vận tải năm 2019
Năm 2019, ngành giao thông vận tải đã ghi nhận nhiều dự án tạo dấu ấn đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại chưa giải quyết được.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xin lùi tiến độ thu phí không dừng
Bộ Giao thông Vận tải xin lùi việc hoàn thành thu phí tự động tại một số cao tốc sang năm 2020 do các trạm BOT tại đây chưa có tiền đầu tư thiết bị.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ, trong số năm tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị thu phí không dừng, dự kiến vận hành cuối năm 2019. Các tuyến còn lại chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nguyên nhân mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị không dừng (ETC) tại các trạm này không có trong khi hiệp định vay vốn đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khiến việc phân cấp quản lý với Bộ Giao thông Vận tải không rõ ràng, cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC.
Một lý do nữa là số lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động hiện mới đạt khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện là chưa đạt được như mục tiêu.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn tiến độ hoàn thành thu phí tự động không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020.
Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 có 44 trạm, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay, đã có 38 trạm lắp đặt thiết bị, triển khai thu phí tự động.
Dự án giai đoạn 2 sẽ triển khai trong năm 2020 có 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành năm 2019
Cầu Vàm Cống, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn... là những công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm nay.
Ngoài tuyến hầm dài 2,6 km, dự án còn có đường dẫn dài 4 km, đạt vận tốc thiết kế 80 km/h.
Hầm chính gồm hai hầm đơn cách nhau khoảng 30 m. Giai đoạn một sẽ hoàn thiện trước một hầm để khai thác hai chiều; hầm còn lại chỉ đào thông và xây dựng kết cấu chống đỡ, được sử dụng như hầm lánh nạn.
Sau 4 năm xây dựng, hầm được thông xe vào ngày 21/1/2019, giúp phương tiện không phải đi qua đèo Cù Mông - một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam.
Sau thời gian dài tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, cầu Vàm Cống được thay thế 60% diện tích dầm thép ngang để xóa vết nứt; tiếp đó các đơn vị thi công hoàn chỉnh mặt cầu, căn chỉnh dây văng. Ngày 19/5/2019, công trình đã được khánh thành với niềm vui của người dân đôi bờ sông Hậu.
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, đường dẫn 5,88 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, với 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ. Đây là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ; cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km.
Cao tốc rộng 25 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án bao gồm xây mới tuyến cao tốc và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 là 12.188 tỷ đồng theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 10/2015.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư hạn chế, dự án đã đình trệ trong hai năm khiến Bộ Giao thông Vận tải phải thay đổi nhà đầu tư. Nhà đầu tư mới và các địa phương nỗ lực giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau 2 năm, tuyến cao tốc đã hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đề ra.
Sau khi thông xe vào 29/9, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp phương tiện di chuyển Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với quốc lộ 1 cũ.
Thiết kế này được cho làm tăng sự đa dạng của không gian văn hóa, cảnh quan của thành phố Hải Phòng, tạo ra sự khác biệt với các cây cầu trên cả nước.
Cầu dài khoảng 1,5 km (gồm cả đường dẫn), rộng 33 m, 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ. Cây cầu có nhịp chính dài 200 m, dài nhất trong số các cầu vòm thép tại Việt Nam. Vòm thép nặng 500 tấn, dài 87 m, chiều cao nâng gần 50 m. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hải Phòng, được khởi công xây dựng ngày 6/1/2017 và thông xe vào tháng 10.
Cầu Hoàng Văn Thụ còn là công trình khởi đầu cho việc di chuyển trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng sang vị trí có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn.
Dự án này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Bắc Hà Nội.
Mặc dù tuyến đường đã thông xe vào ngày 10/10, song mặt bằng nhiều đoạn vẫn quây kín phục vụ thi công cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, dự kiến hoàn thành năm 2020. Sau khi hoàn thành đường trên cao, vành đai 3 Hà Nội sẽ được khép kín đồng bộ theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô.
Hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam
Bộ Giao thông Vận tải hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc Nam và điều chỉnh để đấu thầu rộng rãi trong nước.
Ngày 24/9, Bộ Giao thông Vận tải phát thông cáo về sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế, đối với 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Theo đó, đến cuối tháng 7, sau 2 tháng kể từ lúc phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
Kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định của cơ quan nhà nước cho thấy, 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án chỉ một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; một dự án có từ 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
"Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao", thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu.
Trước thực tế trên, Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế; điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP. Việc này được cho sẽ giúp "đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng".
Trước đó, Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong số 60 bộ hồ sơ sơ tuyển đợt mời thầu quốc tế này, nhà thầu Trung Quốc áp đảo với 30 bộ hồ sơ (đơn vị độc lập hoặc liên danh), tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án; còn lại 15 bộ hồ sơ quốc tế của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 15 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển.
Đợt sơ tuyển này vắng bóng nhà đầu tư Nhật Bản và một số nước châu Âu, mặc dù trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu tham gia.
Khởi công dự án đầu tiên trong tuyến cao tốc Bắc - Nam
Lễ khởi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được tổ chức sáng 16/9.
Đây là tuyến cao tốc chạy qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, chiều dài gần 100 km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Sau khi phát lệnh khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu cần "nhận thức đầy đủ trách nhiệm, làm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản".
Ông cũng lưu ý, không để xảy ra tình trạng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng cùng với sự buông lỏng, tiêu cực của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện ra các quy trình, việc làm sai, dẫn tới "rút ruột", làm công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh sau khi thi công.
"Tất cả các biểu hiện trên sẽ khiến công trình sử dụng sau ít năm đã xuống cấp hoặc nứt nẻ, ổ gà, ổ trâu. Làm như vậy là chúng ta có tội với nhân dân", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đơn vị nào làm sai thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải được giao tiếp tục hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng các dự án thành phần còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm 2 dự án đầu tư công (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) và 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có 4 tuyến giao thông quan trọng dọc theo đất nước. Trước hết là Quốc lộ 1 đang tiếp tục được nâng cấp; tuyến thứ 2 đường Hồ Chí Minh; tuyến thứ 3 cao tốc Bắc - Nam và thứ 4 đường ven biển.
"Làm được 4 tuyến này, cùng với đường sắt tốc độ cao sẽ được trình Trung ương và Quốc hội xem xét thì sẽ tạo nên hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy ở Việt Nam, là điều kiện quan trọng để đưa đất nước phát triển", ông nói.
Hiện Việt Nam có gần 1.000 km đường cao tốc và dự kiến hết năm 2021, sẽ có thêm 900 km được xây dựng; giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng thêm 2.000 km cao tốc.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục chậm tiến độ
Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội chưa hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, chứng minh an toàn và quy trình vận hành bảo dưỡng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội trước phiên chất vấn sáng nay 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục kéo dài.
Dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; 99% vật tư, thiết bị đã chuyển đến công trường; lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
"Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo.
Các vướng mắc cụ thể được người đứng đầu ngành giao thông nêu ra là: Chưa thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng...
"Bộ Giao thông Vận tải đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện", ông Thể cam kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận