24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam

Có lẽ miếng bánh hơi khó ăn nên các đại gia lần lượt phải từ bỏ cuộc chơi.

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt khi lần lượt nhiều đại gia nước ngoài đã phải rời cuộc chơi.

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được VnDirect dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), nhưng các chuyên gia đều nhận định sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đến nay chúng ta có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi.

Trong 5 năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Trong khi đó, các đại gia ngoại lần lượt rời đi.

Đại gia bán lẻ Hàn Quốc rời Việt Nam

Theo Korea Times, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, E-mart cho biết, Hội đồng quản trị của công ty quyết định bán 100% cổ phần tại Công ty E-mart Việt Nam cho Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương.

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam
Sự rút lui của Tập đoàn E-mart trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt

Trước đó, từ cuối năm 2020, Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc) đã tuyên bố muốn rút khỏi thị trường Việt Nam do sau 5 năm nỗ lực nhưng vẫn không thể mở thêm được điểm bán mới ngoài đại siêu thị duy nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Với quyết định bán 100% cổ phần tại Công ty E-mart Việt Nam cho Thaco, E-mart sẽ không còn vận hành siêu thị bán hàng giảm giá E-mart tại Việt Nam. Thay vào đó, siêu thị này sẽ hoạt động dưới dạng nhượng quyền thương mại do Thaco quản lý và công ty này sẽ trả phí bản quyền cho E-mart.

Nguồn tin của The Korea Times cho hay Thaco dự kiến mở hơn 10 cửa hàng E-mart vào năm 2025.

Sự rút lui của Tập đoàn E-mart trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự rút lui của một loạt những ông lớn từ nước ngoài.

Auchan rút khỏi Việt Nam sau gần 5 năm thua lỗ

Ngày 14/5/2019, trong cuộc phỏng vấn với tờ Les Echos của Pháp, Chủ tịch tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte, cho biết đã quyết định bán hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam.

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam
Auchan bán mình cho Saigon Co.op sau 5 năm vào Việt Nam

Auchan có mặt tại Việt Nam từ năm 2015 và trước khi rút lui đại gia bán lẻ đến từ Pháp có mạng lưới 18 siêu thị trên cả nước, bao gồm 1 siêu thị tại Tây Ninh, 4 siêu thị tại Hà Nội và 13 siêu thị tại TP.HCM. Mảng kinh doanh của Auchan tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 45 triệu euro (50,4 triệu USD) và vẫn đang thua lỗ.

Đối tác nhận chuyển nhượng của Auchan tại Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Theo hợp đồng này, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động kinh doanh Auchan tại Việt Nam gồm 15 cửa hàng đã đóng cửa, 3 cửa hàng đang hoạt động tại quận 7 và quận 1 và toàn bộ hệ thống bán lẻ thương mại điện tử.

Thua lỗ nhiều năm, Parkson cũng rời Việt Nam

Trước đó, vào đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tuyên bố đóng cửa, đánh dấu sự rút lui khỏi Việt Nam của tập đoàn đến từ Malaysia.

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam
Parkson lặng lẽ rời Việt Nam đầu năm 2018

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) - công ty thành viên của Tập đoàn Lion, Parkson gia nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên.

Trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson Việt Nam đã có những "tháng năm rực rỡ" trong giai đoạn 2005 đến 2010.

Kể từ năm 2014, làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn khi không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Rồi các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Trước khi đóng cửa, việc kinh doanh của Parkson tại Việt Nam kém hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á với doanh thu liên tục sụt giảm trong vài năm liên tiếp.

Big C về tay đại gia Thái Lan

Tháng 4 năm 2016, Casino Group (Pháp) đã phải bán Big C Việt Nam cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan. Giá trị doanh nghiệp của Big C Việt Nam đạt một tỉ euro (tương đương 1,14 tỉ USD).

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam
Central Group thâu tóm Big C Việt Nam đầu năm 2016 và mới đổi tên thành Go! và Tops Market

Casino Group đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam. Big C Việt Nam hiện gồm 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm và đã đạt được trong năm 2015 doanh thu chưa bao gồm thuế 586 triệu euro (khoảng 665 triệu USD).

Từ cuối năm 2015, trong kế hoạch tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ năm 2016, Casino Group đã đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường hãng không coi là trọng điểm.

Đến đầu tháng 3/2021, thương hiệu Big C thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái-lan) đã chính thức bị Central Retail xóa sổ, thay vào đó là thương hiệu Go! và Tops Market để tái định vị thương hiệu tại Việt Nam.

Metro bị bán cho đối tác Thái Lan

4 tháng trước khi Casino Group (Pháp) bán Big C Việt Nam cho Central Group, vào tháng 1/2016 một đại gia bán lẻ khác của Thái Lan là TCC Holdings tuyên bố đã thâu tóm thành công Metro Việt Nam từ tay Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức giá 655 triệu Euro.

Những đại gia ngoại lần lượt chia tay "miếng bánh” 350 tỷ USD tại Việt Nam
TCC Holdings hoàn tất mua Metro Việt Nam với giá 655 triệu Euro vào đầu năm 2016

Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Trước khi chuyển nhượng, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên.

Tuy nhiên, trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng.

Sau khi được bán lại cho đối tác Thái Lan, thương hiệu này cũng biến mất khỏi thị trường. Chủ đầu tư mới cũng đổi tên hệ thống thành MM Mega Market.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả