24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hương Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại của nhiều cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa các nước và tổ chức khu vực và quốc tế.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
5 cường quốc hạt nhân cam kết cùng hành động để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Getty )

Tháng 1

Ngày 3/1, lãnh đạo 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an, cũng là 5 cường quốc vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã thông qua một Tuyên bố chung về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang. Trong tuyên bố chung, 5 cường quốc hạt nhân nhất trí cho rằng “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra".

Ngày 6/1 diễn ra hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai Thủ tướng Nhật Bản và Australia, hai bên ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) trong lĩnh vực quốc phòng, đánh dấu cột mốc mới trong việc củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Tokyo và Canberra, đồng thời mở ra cơ hội để hai nước tiến hành các hoạt động huấn luyện chung.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2/2022 ở Bắc Kinh. (Nguồn: AFP)

Tháng 2

Ngày 4/2, tại Bắc Kinh đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân dịp nhà lãnh đạo Nga tới thăm Trung Quốc và dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin nhấn mạnh, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang phát triển tích cực và là “hình mẫu về mối quan hệ đúng đắn”. Ông Putin khẳng định, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề quốc tế và luôn duy trì liên hệ chặt chẽ.

Hai bên đã ra một tuyên bố chung, ký gần 20 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, năng lượng và thể thao, đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác song phương ngày càng sâu rộng.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) hôm 12/5 trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ tại Washington D.C. (Nguồn: AFP)

Tháng 5

Ngày 12-13/5, tại Mỹ diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN cùng tham dự một sự kiện tại Nhà Trắng và cũng là cuộc họp đầu tiên với ASEAN do một Tổng thống Mỹ chủ trì kể từ năm 2016, sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ vào tháng 2/2016 tại Sunnylands, bang California, dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng tối 12/5, Tổng thống Biden và các lãnh đạo ASEAN cho rằng hội nghị là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng đánh giá và định hướng quan hệ ASEAN - Mỹ. Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ nhất trí ủng hộ thiết lập đối tác chiến lược toàn diện và bày tỏ trông đợi mối quan hệ này phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tuyến ngày 23/6. (Nguồn: CGTN)

Tháng 6

Ngày 23/6, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, trước các thách thức nghiêm trọng như đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, vấn đề hòa bình và an ninh ngày càng nổi cộm, các quốc gia thành viên BRICS đã phát huy tinh thần cởi mở, bao trùm, hợp tác cùng thắng, tăng cường đoàn kết và phối hợp, thể hiện khả năng phục hồi và sức sống với những tiến triển và thành quả hợp tác tích cực.

Ngày 26-27/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức. Hội nghị đã ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tuyên bố nêu rõ các nền kinh tế hàng đầu sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, bao gồm phục hồi và tái thiết, tìm cách tạo ra “hành lang an toàn” cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực. Các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Ngày 28-30/6, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Tây Ban Nha, thảo luận các chủ đề gồm cuộc xung đột ở Ukraine, việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập khối… Hội nghị đã ra tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo của khối đã thống nhất về khái niệm chiến lược mới, xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và vạch ra đường hướng giải quyết những thách thức đó.

Tham dự hội nghị, ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ tăng cường binh sĩ và khí tài của nước này trong các lực lượng NATO, đồng thời nhấn mạnh, liên minh này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Tổng thống 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh 3 bên ngày 19/7 tại Tehran. (Nguồn: Anadolu)

Tháng 7

Ngày 19/7, tại Iran diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Iran Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Trọng tâm của hội nghị là cuộc khủng hoảng Ukraine và việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của các bên liên quan, cũng như việc giải quyết vấn đề Syria.

Sau hội nghị, ngày 22/7, tại Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Ukraine đã ký văn bản thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, có sự chứng kiến của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Thỏa thuận tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, có hiệu lực trong 120 ngày.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO 2022 tại Samarkand, Uzbekistan. (Nguồn: AFP)

Tháng 9

Ngày 15-16/9, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) với sự tham dự của 15 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo các tổ chức quốc tế liên quan. Trong bản Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi tạo ra thị trường năng lượng quốc tế minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại hiện hành nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.

Một trong những điểm đáng chú ý tại hội nghị là việc các nước thành viên ký Bản ghi nhớ về nghĩa vụ tư cách thành viên SCO của Iran. Ai Cập đã ký Bản ghi nhớ về việc gia nhập SCO với tư cách là đối tác đối thoại. Hội nghị cũng tiến hành thủ tục để Belarus gia nhập SCO, đánh dấu bước mở rộng tiếp theo của tổ chức này.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương lần thứ hai trong năm, hai bên tiếp tục khẳng định thúc đẩy quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: AFP)

Tháng 11

Ngày 10-13/11, diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Phnompenh, Campuchia. Hội nghị đã đạt được những kết quả quan trọng, thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là ASEAN đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Mỹ và ASEAN-Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada.

Ngày 15-16/11, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Các điểm nổi bật trong chương trình nghị sự gồm xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung, nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu…

Liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh có một số quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, nhưng hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraine, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.

Ngày 17-19/11, Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện.

Ngày 14/11, diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, ngay trước thềm Hội nghị G20. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1/2021. Cuộc gặp không mang lại kết quả đột phá, nhưng được đánh giá là dấu hiệu tích cực giúp quan hệ Mỹ-Trung trở nên hòa dịu hơn sau thời gian dài căng thẳng.

Ngày 6-20/11, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), được tổ chức tại Ai Cập. COP27 mang lại nhiều kết quả đáng chú ý trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, như thông qua việc thành lập quỹ đặc biệt để chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đa số các nước đều nhận định, kết quả COP27 là chưa đủ để đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo ngày 1/12 tại Nhà Trắng. (Nguồn: AP)

Tháng 12

Ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp. Tuyên bố chung nêu rõ lãnh đạo hai nước đã nhất trí một tầm nhìn chung nhằm thúc đẩy thịnh vượng trên toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu, củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương và trên toàn thế giới.

Và các hội nghị quan trọng dự kiến diễn ra trong năm 2023

Hội nghị Liên hợp quốc về tài nguyên nước, New York, Mỹ (22-24/3)

Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm khiến thế giới quan tâm đến một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Hội nghị Nước của Liên hợp quốc năm 2023 mang đến cơ hội quan trọng để thúc đẩy bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng này. Đây là hội nghị đầu tiên tập hợp các thành viên Liên hợp quốc tập trung thảo luận hoàn toàn về vấn đề tài nguyên nước kể từ năm 1977. Hội nghị sẽ tập trung vào các mục tiêu được nêu trong Thập kỷ hành động về nước của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, 2018-2028, và mối liên hệ giữa nước, y tế, phát triển bền vững, khả năng chống chịu với khí hậu và hợp tác môi trường.

Hội nghị thượng đỉnh G7, Hiroshima, Nhật Bản (19–21/5)

Quyết định của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về việc tổ chức và tiếp đón các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, nơi bị tàn phá bởi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả trong Thế chiến II, thể hiện rõ ràng cam kết của ông đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Kishida hy vọng rằng địa điểm này sẽ giúp làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận về việc đạt được một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, năng lượng, môi trường dự kiến cũng sẽ là những chủ đề thảo luận tại hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh NATO, Vilnius, Litva (11-12/7)

Đã có những thời điểm NATO bị nghi ngờ về sự tồn tại và vai trò của nó. Tuy nhiên, khi các vấn đề an ninh ở châu Âu nổi lên, vai trò của NATO đã được nhìn nhận rõ ràng hơn. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng hội nghị sắp tới sẽ là cơ hội để liên minh "thống nhất các bước tiếp theo nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ ", đồng thời "tiếp tục hỗ trợ Ukraine". Ông cũng kêu gọi xem xét lại việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Các thành viên NATO sẽ thảo luận thêm về việc thực hiện một khái niệm chiến lược mới, không chỉ nhằm mục đích củng cố và tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu, mà còn giải quyết những thách thức bắt nguồn từ các mối đe dọa mới nổi lên, kể cả từ các thách thức ngoài khu vực.

Những cuộc gặp cấp cao, hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung đáng nhớ của năm 2022
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định việc đảm nhận chức Chủ tịch G20 là một “cơ hội lớn” của New Delhi. (Nguồn: Indian Express)

Hội nghị thượng đỉnh G20, New Delhi, Ấn Độ (9–10/9)

Thủ tướng Narendra Modi đã chọn khẩu hiệu "Một trái đất, một gia đình, một tương lai" làm chủ đề của năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ, nêu bật sự liên kết giữa cuộc sống của con người và môi trường. Ấn Độ sẽ tập trung nhiệm kỳ chủ tịch của mình vào những thách thức hàng đầu của thế giới: biến đổi khí hậu, khủng bố và đại dịch, bên cạnh các ưu tiên khác như tăng cường y tế toàn cầu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, an ninh năng lượng, chống tham nhũng và bình đẳng cho phụ nữ.

Là chủ nhà thứ hai trong số bốn nước chủ nhà liên tiếp đến từ Nam bán cầu của câu lạc bộ G20, Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự đại diện của các nước Nam bán cầu trong các thể chế đa phương.

Cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 (12-30/9)

Cuộc họp thường niên của tổ chức quốc tế lớn nhất hình tinh là cơ hội để thế giới đánh giá tình hình, những thuận lợi, khó khăn mà cộng đồng quốc tế đối mặt, đề ra phương hướng hợp tác nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, phục hồi hậu đại dịch, môi trường, khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững… sẽ là chủ đề thảo luận chính của hội nghị.

Báo cáo sắp tới của Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres về "Chương trình nghị sự mới vì hòa bình" sẽ là một chủ đề thảo luận khác. Báo cáo sẽ giúp đặt nền móng cho cuộc tranh luận về một loạt các cải cách rộng lớn của Liên hợp quốc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh cho tương lai năm 2024.

Hội nghị COP28, Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (30/11–12/12)

Phiên họp thứ 28 của Hội nghị các bên (COP28) về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi năm thứ hai liên tiếp, theo sau COP27 ở Ai Cập. Sau hơn một thập kỷ đàm phán, gần 200 quốc gia đã đồng ý thành lập một quỹ để bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang đối phó với thảm họa khí hậu. Các nhà đàm phán sẽ dành năm tới để xác định các chi tiết của quỹ "tổn thất và thiệt hại", bao gồm cả các nguồn tài trợ.

Mặc dù bước đột phá là đáng chú ý, nhưng việc COP27 không đạt được tiến bộ trong việc đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm khí thải hoặc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng áp lực lên các nhà đàm phán tại COP28 để đảm bảo hành động mới có ý nghĩa hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả