Những công trình trọng điểm: Đòn bẩy kết nối các vùng kinh tế
Năm 2020, đánh dấu nhiều công trình trọng điểm mới được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng NTNN) chấp thuận và đưa vào khai thác sử dụng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và kết nối các vùng miền. Có thể kể đến các công trình như: Công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, Cảng Lạch huyện - Hợp phần A…
Công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2
Công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Dự án có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Điểm cuối thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Hầm Hải Vân 2 là hạng mục cuối cùng thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) được thi công chia làm 2 giai đoạn với hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.
Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 để giải quyết tình trạng xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa, đã hoàn thành từ tháng 8/2017. Giai đoạn 2, tổ chức thi công hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4 km, chiều dài hầm là 6,2 km được thiết kế với chiều rộng 9,7 m; bao gồm 2 làn xe rộng 7 m; đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1 m; dải an toàn 1,5 m; đường dẫn phía Bắc dài khoảng 1,7 km; đường dẫn phía Nam dài 4km. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á - một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của DN Việt Nam trong thực hiện dự án tầm cỡ quốc tế.
Hiện nay, với 4 hầm lớn là Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân dài gần 25 km đường hầm trên dọc trục Bắc - Nam thì QL1không còn vị trí nào nguy hiểm. Việc đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác, góp phần phân lưu cho hầm Hải Vân 1, xóa “điểm nghẽn” lưu thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia. Cùng với QL1 mở rộng, hầm Hải Vân 2 khi đưa vào sử dụng cùng các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan sẽ tạo thành các trục giao thông tốc độ cao nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với cả nước, tạo điều kiện thông thương hàng hóa liên tục từ trục phía Đông (đường ven biển), trục phía Tây (đường Hồ Chí Minh) và QL1A.
Đê chắn sóng đoạn B và đê chắn cát - Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng
Gói thầu số 10 thi công đê chắn sóng đoạn B và đê chắn cát - Dự án Đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần A) thuộc huyện Cát Hải - Hải Phòng do Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là công trình giao thông cấp IV với tổng chiều dài hơn 10 km, trong đó có 7,6 km đê chắn cát, cao độ đỉnh +2 m (hải đồ) và gần 2,5 km đê chắn sóng với độ cao độ đỉnh +6,5 m. Dự án được khởi công ngày 03/7/2015 và hoàn thành thi công chính trên hiện trường ngày 29/10/2019.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng nhận định rằng cảng Lạch Huyện có vị trí đặc biệt trong phát triển hệ thống cảng vươn tầm khu vực, nên đê chắn sóng và chắn cát có ý nghĩa quan trọng với Dự án và TP Hải Phòng. Vì vậy, địa phương luôn theo sát trong quá trình thi công, và yêu cầu nhà thầu phải đảm bảo an toàn công trình và an toàn hàng hải, đồng thời, lưu ý độ lún, bồi đắp trong quá trình đưa vào sử dụng.
Là cửa ngõ hàng hải của miền Bắc, khu kinh tế biển trọng điểm của cả nước, nên phát triển hệ thống cảng biển và hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng để mở rộng vùng nội địa sẽ giúp Hải Phòng không chỉ là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, mà còn là một trung tâm dịch vụ và du lịch quốc gia, quốc tế. Cùng với các dự án như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng Lạch Huyện đưa Hải Phòng trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi liên kết Việt Nam và thị trường toàn cầu.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng thuộc Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nhà máy nhiệt điện đốt than công suất tổ máy 688 MW, sử dụng công nghệ lò hơi trực lưu, đốt than phun, áp suất hơi siêu tới hạn. Nhiên liệu chính là than Bituminous và Sub-Bituminous nhập khẩu. Nhiên liệu phụ là dầu HFO được dùng cho khởi động và đốt hỗ trợ quá trình cháy khi phụ tải lò thấp hơn 30%. Than cung cấp cho dự án được nhập từ Indonesia.
Dự án do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 22.774 tỉ đồng. Nhà máy được khởi công vào 13/12/2014, ngày hiệu lực Hợp đồng EPC là 25/12/2014. Tiến độ cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời (PAC) theo Hợp đồng EPC: 25/6/2018. Riêng hệ thống cầu cảng và cấp than đã được hoàn thành và được đưa vào khai thác từ tháng 6/2019 (hệ thống dùng chung cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3).
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (mở rộng) được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5/2020. Việc phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đảm bảo nhu cầu năng lượng cho miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, đóng góp tích cực, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là nhà máy có tổ máy lớn nhất trong hệ thống điện được đưa vào vận hành thương mại trong năm 2020 ở Việt Nam.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng được đưa vào vận hành còn mang ý nghĩa trong phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì sở hữu nhiều tính ưu việt so với các nhà máy nhiệt điện than truyền thống khác. Đặc biệt, những sản phẩm tro xỉ còn phục vụ đắc lực cho ngành sản xuất xi măng, phát triển VLXD không nung… Nhà máy sở hữu công nghệ siêu tới hạn hiện đại với hiệu suất cao, các trang thiết bị chính được sản xuất bởi các nước G7 như Mỹ, Nhật Bản. Các chỉ số phát thải môi trường của nhà máy đều có các giá trị rất tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.
Những dự án đưa vào khai thác sử dụng giữ vai trò đáng kể trong việc giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lực. Trong đó, cảng Lạch Huyện là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, hầm Hải Vân 2 làm tăng năng lực kết Bắc Nam đặc biệt là kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng cung cấp năng lượng phát triển khu vực miền Nam, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương… Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm trong năm qua, sẽ là đòn bẩy giúp phát triển các vùng kinh tế năng động trên cả nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận