Những con số nghìn tỷ nợ xấu của đại án Ngân hàng Xây dựng giờ ra sao?
Những vụ “đại án” ngân hàng các năm qua vẫn luôn ám ảnh bởi những con số lỗ “khủng” góp phần vào tình trạng những ngân hàng lỗ chồng lỗ.
Thực chất, các ngân hàng yếu kém đều chưa thoát khỏi sự “sa lầy”, khỏi những món thất thoát khổng lồ.
Kể từ khi ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Trusbank, sau đó đổi thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB và nay là CBBank) bị bắt năm 2014, Ban Kiểm soát đặc biêt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Vietcombank (VCB) tiếp quản CBBank, nhà băng này đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỷ đồng.
Đến tháng 2/2015, NHNN mua bắt buộc CBBank, đây là ngân hàng đầu tiên trong số 3 ngân hàng bị mua bắt buộc thời điểm đó, gồm CBBank, OceanBank, GPBank.
Ngành ngân hàng được yêu cầu kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào trong số này được chấp thuận đề án tái cơ cấu. Quý I/2019, rộ lên thông tin Ngân hàng Nhật Bản J Trust muốn mua lại CBBank, nhưng đến nay, thương vụ này vẫn chưa có thêm bất kỳ sự tiến triển nào được hé lộ.
Đã 5 năm kể từ khi NHNN mua bắt buộc lại 3 ngân hàng yếu kém, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10/2017 và các năm 2018, 2019 đều cho thấy thực trạng tài chính của 3 nhà băng này sau khi được mua lại 0 đồng vẫn chưa được cải thiện.
Hoạt động kinh doanh của 3 ngân hàng này tiếp tục thua lỗ, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng cao… Trong đó, tại CBBank, với những nhóm nợ khổng lồ có nguy cơ mất vốn, ước tính số lỗ lũy kế của ngân hàng CBBank đến nay có thể lên trên 34.000 tỷ đồng.
Hơn 3 năm nay, các phiên tòa xét xử những vụ án nhiều nghìn tỷ đồng của những nhóm nợ lớn thuộc ngân hàng này đều liên quan đến những tên tuổi “lớn” như Tập đoàn Phương Trang; Tân Hiệp Phát; bí cáo Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh.
Nếu theo con số lỗ lũy kế 27.500 tỷ đồng của CBBank ở thời điểm bị mua bắt buộc, thông tin từ các phiên tòa liên tục hơn 3 năm qua cho thấy, những con số hàng chục nghìn tỷ đồng này cũng chưa biết đi đâu về đâu.
Vụ Hứa Thị Phấn giai đoạn 1, từ chỗ 27.000 tỷ đồng có tài sản đảm bảo, tòa tuyên ngân hàng CBBank trả hết tài sản cho Tập đoàn Phương Trang và thu hồi 6.400 tỷ đồng.
Bị cáo Hứa Thị Phấn thường xuyên vắng mặt trong các phiên xử đại án Ngân hàng Xây Dựng.
Cuối tháng 5/2020, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế 6 tháng năm 2020, trong đó, vụ Ngân hàng Xây dựng và Công ty Phương Trang tại TP.HCM đã thi hành xong số tiền lớn.
Tuy nhiên, 6.400 tỷ đồng thi hành bản án hình sự này tưởng chừng được trả về cho CBBank, nhưng hiện Thi hành án quận 3, TP.HCM đang giữ lại hơn 3.000 tỷ đồng để xử lý trong một bản án dân sự khác liên quan giữa ngân hàng này và Tân Hiệp Phát.
Hơn 16.000 tỷ đồng được tuyên thuộc trách nhiệm trả nợ của Hứa Thị Phấn (bà chủ TrustBank trước đây) phải trả cho CBBank.
Tuy nhiên, tại phiên tòa gần đây nhất (ngày 29/6), vụ phúc thẩm Hứa Thị Phấn (giai đoạn 2), xác định 114 bất động sản của bà Phấn đã “sang tay” bị cáo Phạm Công Danh khi mua bán ngân hàng TrustBank, đã hoãn tuyên án vì cần xem xét thêm.
Nhưng có “đòi” được 16.000 tỷ đồng này khi mà nữ đại gia 75 tuổi Hứa Thị Phấn thường xuyên cáo ốm, vắng mặt ở hầu hết các phiên tòa và quan trọng nhất bị cáo Phấn không còn nắm giữ sở hữu bất kỳ tài sản nào.
Hiện bất động sản liên quan đến ngân hàng CBBank về số nợ, con số nợ và các đại gia chỉ còn Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẳng) là tài sản “sáng giá” hơn cả. Tài sản này cũng đã nhiều lần được lãnh đạo Đà Nẵng lên tiếng khẳng định quan điểm chuộc lại sân vận động Chi Lăng.
Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đặc biệt nhóm các ngân hàng mua bắt buộc như CBBank thì vấn đề tiến độ, kết quả xử lý nợ, thu hồi nợ là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu để vực dậy nhà băng. Tuy nhiên, thực trạng những món nợ hàng chục nghìn tỷ đồng này vẫn chưa được thu hồi.
Công tác xử lý, thu hồi nợ xấu được coi là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu CBBank những năm qua, song số liệu luỹ kế tính đến 30/11/2019 chỉ đạt trên 5.500 tỷ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỷ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận