Những con số làm 'nản lòng' thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
0 là số lượng nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của condotel và shophouse nghỉ dưỡng trong tháng 4. Sang tháng 5, shophouse nghỉ dưỡng vẫn "dậm chân tại chỗ", condotel cũng chỉ có 1 dự án và 1 căn được tiêu thụ. Chỉ có biệt thự nghỉ dưỡng có số liệu khả quan trong 2 tháng đầu quý II.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) của DKRA Group cho thấy, 2 tháng đầu của quý II, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục đón nhận những con số không mấy tích cực.
Cụ thể, đối với shophouse nghỉ dưỡng, thị trường tháng 5, sức cầu chung thị trường duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn. Ở thị trường thứ cấp ghi nhận một số sản phẩm có mức giá giảm đến 30-40% nhưng vẫn gặp khó trong thanh khoản.
Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, vướng mắc pháp lý... đã gây ra những trở ngại đáng kể trong những tháng đầu năm 2024 khiến thị trường gần như rơi vào chu kỳ ngủ đông kéo dài.
Kể từ đầu năm đến hết tháng 5, phân khúc này có đến 4 tháng (tháng 1, 2, 4, 5) không ghi nhận nguồn cung dự án mới và lượng tiêu thụ. Riêng tháng 3, có 85 căn, tiêu thụ được 3 căn.
Khả quan hơn một chút là condotel, 5 tháng đầu năm, chỉ có tháng 2, 4, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ bằng 0. Tháng 1, 3 và 5 đã có sự thay đổi nhưng không đáng kể. Trong tháng 5 chỉ có 1 dự án ở giai đoạn tiếp theo và tiêu thụ được 1 căn.
DKRA Group cho biết, nguồn cung mới trong tháng 5 chỉ tập trung cục bộ tại khu vực miền Bắc. Miền Trung và miền Nam tiếp tục vắng bóng dự án mới mở bán.
Nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể tháo gỡ, bên cạnh đó nhiều chủ đầu tư cũng liên tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung đưa ra thị trường hạn chế.
Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ chỉ tương đương 7% so với cùng kỳ và tập trung ở những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện với mức giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.
Những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư… đã ảnh hưởng đến nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ khiến thị trường duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Tích cực nhất ở thị trường BĐS nghỉ dưỡng là phân phúc biệt thự nghỉ dưỡng. 5 tháng đầu năm, chỉ duy nhất tháng 1 là có nguồn cung, lượng tiêu thụ chạm đáy, các tháng còn lại đều ghi nhận có giao dịch.
Theo đó, tháng 5, có 3 dự án được mở bán, cung cấp cho thị trường 90 căn và tiêu thụ được 23 căn. Trước đó, tháng 4, nguồn cung mới chỉ có 1 dự án với 38 căn và tiêu thụ chỉ được có 2 căn.
Nhận định về phân khúc này, DKRA Group đánh giá, nguồn cung ghi nhận tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước 2022 và tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc và miền Nam.
Sức cầu thị trường tuy tăng nhưng không đáng kể, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.
Ngoài ra, vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể triển khai, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao khiến thanh khoản gặp khó. Đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là những nguyên nhân chính khiến thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều dự án "chạy đua" lợi nhuận, hoạt động thiếu hiệu quả
Chia sẻ với Nhadautu.vn, chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng nhìn nhận, chúng ta thường kỳ vọng rằng du lịch phát triển mạnh thì BĐS nghỉ dưỡng cũng phát triển. Năm ngoái và 5 tháng đầu năm nay, du lịch Việt Nam đã tăng mạnh trở lại cả về lượt khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm, trái ngược hẳn với giai đoạn 2016-2018.
Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng cho rằng, do sự phát triển ồ ạt trong suốt giai đoạn 2015-2020 các dự án được cấp tràn lan, số lượng quá nhiều, dẫn đến dư thừa, vượt quá sức mua chung.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khi mở bán, chạy đua cam kết lợi nhuận nhưng thực tế triển khai dẫn đến hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận không thực hiện được chi trả cho chủ sở hữu… dẫn đến mất niềm tin của khách hàng. Về phía khách hàng, một sai lầm nghiêm trọng của nhiều người mua BĐS nghỉ dưỡng trước đây là hi vọng có thể đầu tư rồi bán lại như nhà ở hoặc vì chạy theo cam kết lợi nhuận để hy vọng có thể sớm hoàn vốn. Song, BĐS nghỉ dưỡng chỉ dành cho người có tiền nhàn rỗi và muốn đa dạng hoá tài sản.
Ngoài ra, tính pháp lý của các phân khúc này cũng chưa được rõ, chưa có chủ quyền, chưa rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Giai đoạn 2016-2019, BĐS nghỉ dưỡng có những thuật ngữ khó hiểu. Do đó, cần phải hoàn thiện cơ chế cho phân khúc này.
"BĐS nghỉ dưỡng là một phân khúc không thể thiếu của thị trường BĐS. Tuy nhiên, là phân khúc đặc thù, không như nhà ở và cũng không dành cho số đông nên cần phải có chiến lược phát triển hợp lý. Đối với người có ý định mua BĐS nghỉ dưỡng thì cũng phải cân nhắc thật kỹ các yếu tố như tiềm lực tài chính cá nhân, phân tích dự án, năng lực của chủ đầu tư và đơn vị vận hành…", vị chuyên gia lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận